TNV - Theo phong tục, cứ vào tháng 8 âm lịch hàng năm, trước khi bước vào chính vụ thu hoạch lúa chín, đồng bào dân tộc Thái xã Tú Lệ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, lại rộn ràng tổ chức Lễ “Mừng cơm mới”. Đây còn là dịp để bà con người Thái bày tỏ lòng biết ơn hạt thóc của của trời đất ban cho, đồng thời dâng cúng trời, thần đất, thần nước, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng…để cầu cho mưa thuận gió hòa, bà con trong bản khỏe mạnh, sung túc, vui vẻ chan hòa với nhau.
Năm nay, Lễ “Mừng cơm mới” lần đầu tiên được xã Tú Lệ tổ chức lên thành Lễ hội, diễn ra từ tối ngày 25 đến hết ngày 26/9/2017. Điểm nhấn xuyên suốt trong tối ngày 25/9 là Hội thi trình diễn trang phục các dân tộc mang đậm sắc thái hồn nhiên, mộc mạc của 25 thiếu nữ xã Tú lệ với chủ đề “Duyên dáng vùng nếp Tan”; xen kẽ là các tiết mục văn nghệ, múa xòe do Đội thanh niên xung kích, trường mầm non và tiểu học của xã tự biên, tự diễn.
Xã Tú Lệ nằm ngay sát đèo Khau Phạ, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp thuần khiết,
khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, khiến cỏ cây hoa lá tốt tươi, t
ràn đầy nhựa sống. Ảnh: A – Chài.
6h sáng ngày 26/9, nghi lễ cúng xin khai mạc Lễ hội được diễn ra tại khu ruộng Cầu Tràn, thôn Pom Ban. Sau phần khai mạc, Lễ cúng “Mừng cơm mới” được tiến hành cùng lúc với phần hội, gồm: thi giã cốm của nam – nữ ở 10 thôn bản tham gia, tó má lẹ, đánh yến, kéo co và các trò chơi dân gian khác… cho đến khi kết thúc Lễ hội. Ông Lò Văn Thức (Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng Ban tổ chức) cho biết.
Kết quả hội thi trình diễn trang phục các dân tộc: Giải nhất thuộc về thí sinh Hà Phương Lê (giáo viên Trường tiểu học xã Tú Lệ); hội thi giã cốm giải nhất thuộc về bản Nà Lóng và giải nhì thuộc về bản Pom Ban.
Xã Tú Lệ nằm ngay sát đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo hùng vĩ nhất dải non sông từ Nam chí Bắc - được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp thuần khiết, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, khiến cỏ cây hoa lá tốt tươi, tràn đầy nhựa sống. Bởi vậy, nơi đây nổi tiếng với nếp Tan "Khẩu tan chạu" - một loại cây lương thực quý mà chỉ ở Tú Lệ mới trồng được (hiện đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số:111242 năm 2006 và đến năm 2016 tiếp được gia hạn lại đến năm 2026).
Cắt lúa về để đồ xôi, giã cốm làm Lễ cúng “Mừng cơm mới”. Ảnh: A – Chài.
Mỗi tên gọi, địa danh của Tú Lệ đều gắn với truyền thuyết kể về tình cảm gắn bó giữa con người với con người, cố kết cùng nhau chinh phục thiên nhiên như địa danh suối Nậm Lùng, Khâu Gia Lan (Dốc Bà Cháu). Tú Lệ còn là vùng đất còn hoang sơ, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đậm nét bản địa chưa được khám phá.
Cả cánh đồng Mường Lùng trải rộng khoảng 4 km², chủ yếu trồng lúa nếp Tan hạt to, tròn, dẻo và thơm. Mỗi độ thu về (vào tháng 8, hàng năm), bà con bản trên, bản dưới xã Tú Lệ, nhà nào cũng tổ chức Lễ mừng cơm mới với ý nghĩa tâm linh nhằm thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho gia đình được mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc, đầy đủ. Mỗi gia đình, dù giàu hay nghèo đều có mâm cỗ dâng lên tổ tiên bao gồm cốm và cơm mới làm từ những bông lúa chín đầu tiên, cùng những sản vật khác như gà, vịt, cá, ong rừng,…
Tác giả (mặc áo cam) trải nghiệm túa lúa làm cốm cùng bà con. Ảnh: Phạm Quỳnh.
Được biết, Lễ hội “Mừng cơm mới” sẽ được chính quyền xã Tú Lệ duy trì tổ chức hàng năm; nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái được thể hiện qua văn hóa ăn, ở, mặc và cảnh quan thiên nhiên hoang sơ nơi đây. Đồng thời kết nối với Lễ hội xòe Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp hẫn của mảnh đất Tú lệ - Văn Chấn./.
Dưới đây là một vài hình ảnh tại Lễ hội:
Nghi lễ cúng "mừng cơm mới" được tổ chức ngay tại cánh đồng
Đồ xôi nếp mới. Ảnh: Phạm Quỳnh.
Phạm Quỳnh