Đại diện người lao động chưa hài lòng với phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017

Thứ tư, 03/08/2016 - 08:53

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là đại diện cho người lao động chưa hài lòng với mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 chỉ 7,3%

Cuộc họp báo công bố kết quả họp về tiền lương tối thiểu năm 2017. (Ảnh: KT) Cuộc họp báo công bố kết quả họp về tiền lương tối thiểu năm 2017. (Ảnh: KT)

Chiều 2/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia họp báo công bố kết quả họp Hội đồng về tiền lương tối thiểu năm 2017.

Tại họp báo, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia đánh giá cao các bên đã đồng thuận trong việc thương lượng tiền lương tối thiểu vùng năm 2017. So với năm 2016, việc tăng lương tối thiểu vùng năm nay đạt được sự đồng thuận cao của các bên, phương án chính thức được chốt sớm hơn một tháng. Theo đó, Hội đồng đã thống nhất chọn phương án đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng 7,3% so với năm 2016. Cụ thể, vùng 1: tăng 250.000 đồng (tăng 7,1% so với 2016) tương đương với mức lương 3.750.0000 đồng; vùng 2 tăng 220.000 đồng (7,1%) tương đương 3.320.000 đồng; vùng 3 tăng 200.000 đồng, (7,4%) tương đương 2.900.000 đồng, vùng 4 tăng 180.000 đồng (7,9%) tương đương 2.580.000 đồng. Tính trung bình, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 có mức tăng dao động từ 180.000 - 250.000 đồng so với năm 2016.

Ông Phạm Minh Huân cũng cho biết phương án trên được bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2016 (dự kiến khoảng dưới 5%) và cải thiện một phần tiền lương cho người lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn có khả năng cạnh tranh để phát triển. “Với mức tăng 7,3% thì đáp ứng được khoảng 90% mức sống tối thiểu người lao động” – ông cho biết thêm.

Trao đổi với báo chí, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là đại diện cho người lao động chưa hài lòng với mức tăng lương tối thiếu vùng năm 2017 chỉ 7,3%. “Trước đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 11,1%. Đề nghị này dựa trên thực tế cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ mới đây cho thấy chỉ số tăng trưởng GDP đến cuối năm 2016 là 6,3%, chỉ số giá tiêu dùng CPI khoảng 5% thể hiện sự khó khăn của doanh nghiệp nên chúng tôi hạ mức đề xuất tăng lương tối thiểu xuống 10%. Vì thế, trong quá trình thương lượng, Hội đồng tiền lương Quốc gia chốt mức tăng 7,3% là sức ép lớn với người lao động còn nhiều khó khăn" – ông chia sẻ.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đây là sự nỗ lực, chia sẻ của giới sử dụng lao động, bởi vì, hiện nay tình hình kinh doanh đã có bước phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. “Doanh nghiệp cũng cần thêm điều kiện để cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động và đặc biệt là khả năng chi trả theo yêu cầu tăng lương tối thiểu. VCCI đồng thuận với mức tăng lương bình quân 7,3% trong năm 2017” – ông nói.

Sắp tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017./.

Theo Dangcongsan