Phát triển sản phẩm chip chiến lược – Hợp lực giữa nhà trường và doanh nghiệp
Phát biểu tại lễ ký kết, PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM – nhấn mạnh: "Hợp tác lần này tập trung vào việc phát triển các dòng chip bán dẫn chiến lược, một lĩnh vực then chốt trong quá trình tự chủ công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia." Theo ông Quân, ĐHQG-HCM có thế mạnh đặc biệt về nguồn nhân lực và hệ sinh thái nghiên cứu đa ngành. Nhà trường đã thành lập nhóm nghiên cứu mạnh về vi mạch với sự tham gia của các đơn vị thành viên như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, và đã tiến hành đăng ký một số sản phẩm chip với Trung ương để triển khai thực tế.

Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết, ĐHQG-HCM sở hữu thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành nhóm nghiên cứu gồm các đơn vị trường đại học thành viên.
Đáng chú ý, ĐHQG-HCM cũng đã được phê duyệt xây dựng phòng thí nghiệm quốc gia về vi mạch bán dẫn, bao gồm 4 phòng thí nghiệm nhỏ theo từng công đoạn sản xuất chip. Tuy nhiên, ông Quân thừa nhận, quá trình xây dựng năng lực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong khâu sản xuất hàng loạt. "Chính vì vậy, sự đồng hành từ doanh nghiệp có năng lực như CT Group là yếu tố sống còn để chuyển hóa nghiên cứu thành sản phẩm thương mại thực tế", ông Quân khẳng định.
Cùng với đó, ĐHQG-HCM đang triển khai Chương trình VNU350, một sáng kiến chiến lược nhằm thu hút các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước đến làm việc, giảng dạy và nghiên cứu tại các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, ông Quân chia sẻ rằng việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững để thu hút và giữ chân nhân tài đang là thách thức lớn. Việc CT Group cùng vào cuộc không chỉ giúp giải quyết bài toán nguồn lực mà còn tạo nền tảng để mở rộng hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong tương lai.
CT Group đồng hành phát triển chip AI, chip điều khiển, chip IoT
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch CT Group, khẳng định: "Chương trình hợp tác giữa CT Group và ĐHQG-HCM là bước khởi đầu cho chiến lược phát triển năng lực công nghệ lõi của Việt Nam." Cụ thể, CT Group đặt trọng tâm vào việc phát triển các dòng chip chiến lược như chip AI cận biên (Edge AI), chip điều khiển 32-bit đa dụng và chip phục vụ thiết bị IoT. Đây là những nền tảng then chốt cho các ứng dụng công nghiệp 4.0, thiết bị thông minh, và hệ sinh thái công nghệ trong tương lai.

CT Group cam kết phối hợp chặt chẽ với ĐHQG-HCM trong nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện sản phẩm, hướng đến xây dựng năng lực công nghệ lõi cho Việt Nam.
CT Group cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với đội ngũ chuyên gia từ ĐHQG-HCM để cùng nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện sản phẩm, từ đó góp phần đưa Việt Nam bước vào bản đồ công nghệ bán dẫn thế giới. Ông Chung cũng đánh giá cao vai trò của ĐHQG-HCM không chỉ trong đào tạo mà còn trong tư vấn, thẩm định kỹ thuật cho các startup công nghệ lượng tử, mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực công nghệ mới.
Gói tài trợ 100 tỷ đồng – Đầu tư cho tương lai khoa học và công nghệ
Một điểm nhấn quan trọng trong lễ ký kết là thỏa thuận tài trợ giữa CT Group và ĐHQG-HCM với tổng trị giá 100 tỷ đồng trong giai đoạn 2025–2035. Theo đó, mỗi năm, CT Group sẽ tài trợ 10 tỷ đồng cho các hoạt động giáo dục, đào tạo và hỗ trợ sinh viên – học viên tại ĐHQG-HCM.

ĐHQG-HCM và Công ty Cổ phần Tập đoàn CT Group đã ký kết 01 thoả thuận tài trợ và 02 thoả thuận hợp tác, đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Gói tài trợ bao gồm:
- Chi trả học phí cho học viên sau đại học ngành công nghệ cao;
- Hỗ trợ lãi vay tín dụng học đường cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn;
- Duy trì bếp ăn chia sẻ tại ký túc xá, đảm bảo đời sống sinh viên;
- Cấp học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó học tốt;
- Mở rộng hỗ trợ linh hoạt theo nhu cầu thực tiễn của sinh viên và nhà trường.
Song song, hai bên triển khai chương trình "VNU350–CT Global Fellowship for Innovation", với mục tiêu thu hút và giữ chân các nhà khoa học trẻ xuất sắc, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ. CT Group cam kết tài trợ chi phí lương, đảm bảo mức thu nhập cạnh tranh để các chuyên gia quốc tế có thể yên tâm làm việc tại Việt Nam. Về phía ĐHQG-HCM, nhà trường sẽ tạo điều kiện tối đa để các chuyên gia này tham gia hệ sinh thái nghiên cứu – giảng dạy – chuyển giao công nghệ.
Định hình hệ sinh thái hợp tác "3 Nhà" và phát triển công nghệ mũi nhọn
Ngoài tài trợ và đào tạo nhân lực, hai bên hướng tới hợp tác sâu rộng trong hai lĩnh vực công nghệ mũi nhọn: vi mạch bán dẫn và công nghệ lượng tử – hai lĩnh vực được xác định là động lực chính trong chiến lược chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo quốc gia.

Vi mạch bán dẫn
Trong giai đoạn 2025–2030, các dự án hợp tác sẽ ưu tiên:
- Phát triển chip AI cận biên ứng dụng trong thiết bị thông minh;
- Chip khuếch đại công suất lớn, dùng cho công nghệ truyền thông và radar;
- Chip điều khiển 32-bit đa dụng cho hệ thống nhúng;
- Mô-đun truyền thông IoT và UAV.
Đầu mối triển khai phía ĐHQG-HCM là các trường đại học thành viên, đứng đầu là Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Công nghệ Thông tin – những đơn vị có bề dày thành tựu trong nghiên cứu vi mạch.
Công nghệ lượng tử
Trong lĩnh vực công nghệ lượng tử, hợp tác tập trung vào 4 mũi nhọn:
- Xây dựng hạ tầng công nghệ lượng tử, gồm máy tính lượng tử và mạng truyền thông lượng tử;
- Đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu, thông qua chương trình học thuật và dự án thực nghiệm;
- Ứng dụng thuật toán lượng tử và AI trong giải bài toán lớn: mật mã học, tối ưu hóa, mô phỏng vật liệu;
- Phát triển phần mềm lượng tử, mô phỏng hệ phân tử trong y học, năng lượng sạch và học máy lượng tử.
Lực lượng nghiên cứu chủ lực vẫn là Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, phối hợp cùng các nhóm khoa học trong và ngoài nước.
Lễ ký kết ngày 22/7/2025 không chỉ là cột mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa ĐHQG-HCM và CT Group mà còn là minh chứng sinh động cho mô hình hợp tác "3 Nhà" – Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia. Sự chung tay giữa một đại học hàng đầu và một tập đoàn công nghệ – đầu tư lớn đang mở ra cánh cửa cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực công nghệ lõi, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tự chủ và thịnh vượng.
Tấn Tài