
Xe tăng quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, ghi dấu mốc lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất hoàn toàn đất nước. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN
Tổng kết kinh nghiệm, bài học để tìm ra quy luật vận động của cách mạng là công việc thường xuyên của Đảng trong mỗi thời kỳ lịch sử. Đó cũng là một trong những nội dung, yêu cầu của công tác lý luận, tư tưởng của Đảng nhằm nâng cao trình độ lý luận và trí tuệ của Đảng. Trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học quan trọng, trong đó kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một trong những bài học quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV ( 12/1976) của Đảng, khi tổng kết lịch sử, rút ra những bài học kinh nghiệm của cách mạng nước ta, Đảng đã khẳng định: "Đảng ta, từ khi ra đời đến nay, vẫn luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là đường lối, là sức mạnh, là nguồn gốc thắng lợi của cách mạng nước ta" [1]
Đây là bài học lớn, nhất quán, là đường lối chiến lược, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam kể từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng. Với đường lối chiến lược đó, tuỳ vào tình hình cụ thể Đảng đã giải quyết linh hoạt, sáng tạo và cụ thể hoá thành những nhiệm vụ, mục tiêu trong từng thời kỳ cách mạng.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), miền Bắc nước ta được giải phóng, nhưng cách mạng nước ta lại đứng trước khó khăn mới khi đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam nước ta với âm mưu thôn tính miền Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Trước tình hình đó, Đảng ta nhận định : nếu trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, việc kết hợp đúng đắn nhiệm vụ chống đế quốc với nhiệm vụ chống phong kiến có tác dụng góp phần quyết định thắng lợi, thì trong thời kỳ mới, việc kết hợp đúng đắn giữa nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước cũng có tác dụng quyết định đến thắng lợi của cách mạng miền Nam.
Từ tháng 7/1954, Đảng ta đã xác định phải xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (tháng 3/1955), nhiệm vụ của hai miền được xác định rõ hơn, đó là miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước; miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Tiếp theo đó, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (tháng 12/1957), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960), vị trí của cách mạng mỗi miền được Đảng ta tiếp tục khẳng định : "Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Hai nhiệm vụ chiến lược ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau"[2]. Trong hai chiến lược cách mạng đó, Đảng ta xác định: miền Bắc là hậu phương lớn, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với sự nghiệp cách mạng của cả nước; miền Nam là tiền tuyến lớn, cách mạng miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam Đồng thời góp phần bảo vệ miền Bắc và tạo điều kiện thuận lợi cho miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc là mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ với nhau, thúc đẩy và hỗ trợ nhau cùng phát triển
Việc đề ra và lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền và đồng thời xác định cụ thể nhiệm vụ cách mạng mỗi miền trong thời kỳ 1954-1975 chính là một nét độc đáo của Đảng trong thực hiện kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, là sự vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng không ngừng của Chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể ở nước ta.
Với đường lối đó, chủ nghĩa xã hội không còn là định hướng mà đã trở thành mục tiêu trực tiếp và hiện thực hóa ở miền Bắc. Trong những năm đầu sau ngày miền Bắc được giải phóng, Đảng tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ: Hoàn thành việc tiếp quản vùng địch tạm chiếm trước đây và đấu tranh thực hiện Hiệp định Giơnevơ, thực hiện cải cách ruộng đất; giảm tô, đồng thời tiến hành khôi phục nền kinh tế quốc dân.
Tháng 9 – 1960 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), với nhiệm vụ: "Thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, làm cho nền kinh tế miền Bắc nước ta trở thành nền kinh tế xã hội chủ nghĩa"[3]. Thực hiện những chủ trương của Trung ương Đảng, Nhà nước đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong các ngành, địa phương, đơn vị và trong mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Phong trào "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt" theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị chính trị đặc biệt tháng 3-1964, đã làm tăng thêm không khí phấn khởi, hăng hái vươn lên hoàn thành Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ dựng lên "sự kiện vịnh Bắc Bộ", mở đường cho quá trình tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa bằng không quân và hải quân. Dưới bom đạn ác liệt, chủ trương chuyển hướng xây dựng kinh tế đã được thực hiện khẩn trương và có hiệu quả. Trong điều kiện cả nước có chiến tranh, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đảng không chỉ vận dụng quy luật của chủ nghĩa xã hội mà còn cả quy luật của chiến tranh cách mạng. Miền Bắc đã tổ chức quản lý nền kinh tế bằng kế hoạch với chế độ tập trung cao độ và bao cấp ở mức độ thích hợp nhằm đáp ứng yêu cầu vừa chiến đấu, vừa sản xuất, vừa đảm bảo chi viện cho chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, quân và dân miền Bắc không chỉ kiên cường chiến đấu, đánh bại mọi hành động chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mà ở hậu phương, nhân dân miền Bắc luôn nêu cao khẩu hiệu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". " Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt". Sau 21 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc đạt nhiều thành tựu lớn, chính sức mạnh của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã tạo ra tiềm lực to lớn để miền Bắc vừa đánh thắng các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa chi viện vào miền Nam đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, những thành tựu đó đã tạo tiền đề quan trọng để cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội sau này.
Ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Nam đã phát huy cao độ tinh thần dân tộc, anh dũng đấu tranh. Trước tình hình chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách "tố cộng", "diệt cộng", lê máy chém đi khắp miền Nam, thẳng tay đàn áp các chiến sĩ cách mạng và quần chúng nhân dân, phong trào cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn. Tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị mở rộng lần thứ 15, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam. Nghị quyết Trung ương 15 chỉ rõ: con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân; ngoài ra không có con đường nào khác. Chủ trương đúng đắn đó của Đảng đã tạo ra khí thế mới, trở thành động lực thúc đẩy cách mạng miền Nam vững bước tiến lên. Mở đầu là phong trào Đồng khởi vào cuối năm 1959, sau đó nhanh chóng phát triển thành cao trào Đồng khởi trên khắp miền Nam. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã tạo bước ngoặt, đưa cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Đây là sự mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước rất độc đáo, sáng tạo; đồng thời, là cơ sở để Đảng ta tiếp tục phát triển chiến tranh toàn dân, toàn diện. Đảng ta cũng đã kịp thời chuyển cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng; kết hợp nhuần nhuyễn giữa khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng; đưa cuộc chiến tranh của nhân dân ở miền Nam phát triển phù hợp với tình hình mới; đánh địch bằng cả quân sự và chính trị, bằng cả ba mũi giáp công; trên cả ba vùng chiến lược. Nhờ đó đã đánh bại các chiến lược: "Chiến tranh đặc biệt" (1961 - 1965), "Chiến tranh cục bộ" (1965 - 1968), "Việt Nam hóa chiến tranh" (1969 -1973) của đế quốc Mỹ, "đánh cho Mỹ cút", tiến tới "đánh cho ngụy nhào".
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân miền Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò của tiền tuyến lớn trong việc đánh đuổi đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam và góp phần bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Dựa vào sức mạnh của chế độ mới được thiết lập ở vùng giải phóng miền Nam và chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đi đến thắng lợi cuối cùng - hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ để cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Việc thực hiện đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng là một nét độc đáo của Đảng trong kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với đường lối đó đã giúp cho Đảng giải quyết đúng đắn được hàng loạt các mối quan hệ trong chiến tranh cách mạng như mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương; giữa kháng chiến và kiến quốc; giữa dân tộc và thời đại....tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn của cách mạng để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đánh giá tầm vóc và ý nghĩa thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12-1976) khẳng định:"Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc"[4].
Như vậy, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của cả hai chiến lược cách mạng được tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ với nhau và không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng và là ngọn cờ bách chiến bách thắng của cách mạng Việt Nam.
Lê Hải Yến
Trường chính trị tỉnh Thanh Hoá
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị Đại hội IV, Nxb Sự thật, H, 1997, tr.40
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. H.2002, t.37, tr.916
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. Sự thật, H.2022,t.21, tr.835 – 836
4.Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. H.2002, t. 37, tr.979