Đắk Lắk : Tập trung hỗ trợ giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho hàng trăm người lao động

Thứ hai, 16/08/2021 - 10:35

TNV - Sau khi TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chuyển từ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ xuống Chỉ thị 15, rất đông lao động thất nghiệp đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk để hoàn tất hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp và nhận thẻ ATM để rút tiền.

Nhân viên Trung tâm hỗ trợ người lao động hoàn thiện hồ sơ.

Sáng 16/8, theo ghi nhận của phóng viên rất đông người lao động thất nghiệp ở các huyện, thị xã, thành phố ở Đắk Lắk đã kéo đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhận kết quả giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp (nhận quyết định) và thẻ ATM để rút tiền trợ cấp tháng đầu tiên.

Hiện, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho phép TP.Buôn Ma Thuột áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 + (trong đó, siết chặt hơn một số nội dung) kể từ 0h ngày 15.8, thay vì Chỉ thị 16 đã áp dụng trong 21 ngày vừa qua.

Chính vì lẽ đó, rất nhiều người lao động thất nghiệp ở địa phương này trong nhiều tuần vừa qua không thể tiến hành các thủ tục như đã nêu ở trên trong sáng nay, đã di chuyển về Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh xin đăng ký làm việc.

Trong số đó, không ít lao động vừa trở về từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam, làm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở địa phương.

Toàn bộ nhân viên của Trung tâm tập trung giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Theo phóng viên tìm hiểu, đa phần người dân đến để nhận kết quả giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp vì những khó khăn do dịch bệnh Covid – 19, đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Anh V.V.T (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Tôi chạy xe vài chục cây số từ sáng sớm lên TP.Buôn Ma Thuột để rút tiền trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên. Trước đây, tôi làm việc ở một doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương nhưng do dịch COVID-19 bùng phát nên cuối tháng 4 vừa qua phải trở về quê nhà. Thời gian qua, kinh tế gia đình quá khó khăn, tôi phải làm nông sống tạm qua ngày. Khi đến trung tâm, tôi cũng phải chờ nhiều giờ đồng hồ mới đến phiên được làm thủ tục.

Ông Nguyễn Văn Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk –cho hay, sau khi thành phố gỡ giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, người lao động sáng này đến trung tâm đăng ký làm việc khá đông. Số lao động này chủ yếu đến nhận kết quả giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp (nhận quyết định) và thẻ ATM để rút tiền trợ cấp tháng đầu tiên. Bởi, việc nhận thẻ không thể làm theo hình thức trực tuyến được.

Tuy nhiên, với số lượng người quá đông trung tâm không thể kiểm soát hết nên chỉ chấp nhận phân bổ người theo từng đợt để đảm bảo an toàn chống dịch. Đơn vị đã nhanh chóng chủ động điện thoại và nhắc nhở cho họ đến theo từng ngày để giãn số lượng người ra, tránh việc lại xảy ra tình trạng quá tải.

Để đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19, Trung tâm đã phân công nhiệm vụ cho cán bộ, nhân viên hướng dẫn quét mã QR cho người lao động, khai báo y tê, đo thân nhiệt. Bố trí rửa tay sát khuẩn, tư vấn phân luồng lao động, bố trí sắp xếp ghế cho lao động ngồi chờ làm thủ tục đảm bảo khoản cách trong thời gian giải quyết chế độ… Phía trung tâm đã phải đóng cổng, cắt cử người đứng trực bên ngoài, nhắc nhở người dân giữ khoảng cách, sát khuẩn kết hợp đeo khẩu trang chờ đến lượt. Bố trí từng lượt người vào để được giải quyết hồ sơ.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong tháng 7, đã có 652 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, số người làm việc ở địa phương khác chuyển về là 388 người chiếm 60% trên tổng số người nộp hồ sơ.

Tính đến ngày 2/8, toàn tỉnh đã có hơn 5 ngàn người nộp hồ sơ để giải quyết các chế độ trợ cấp thất nghiệp. Hiện tỉnh đã chi gần 13 tỷ đồng bao gồm tiền trợ cấp thất nghiệp hơn 12,8 tỷ và tiền hỗ trợ học nghề hơn 131 triệu đồng cho tổng cộng hơn 4.200 người.

Do ảnh hưởng trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Trung tâm tiếp tục triển khai các biện pháp hạn chế tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, đẩy mạnh tiếp nhận thủ tục hồ sơ bằng các hình thức gián tiếp để hỗ trợ người lao động và thực hiện nghiêm các quy định theo Chỉ thị 15/CT-TTg đang được áp dụng trên địa bàn tỉnh.

PV