Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một trong những làn điệu dân ca đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng Việt Nam. Quan họ Bắc Ninh được hình thành khá lâu đời tại vùng văn hóa Kinh Bắc, do cộng đồng người Việt(Kinh) ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay sáng tạo ra, và nó đã trở thành biểu tượng âm nhạc vùng đất này.
Dân ca quan họ Bắc Ninh (Nguồn ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trang tỉnh Bắc Ninh)
Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về thời điểm ra đời của Dân ca Quan họ Bắc Ninh nhưng đối chiếu lời của các bài quan họ trong sự phát triển của Tiếng Việt, có thể suy đoán rằng Quan họ Bắc Ninh phát triển đến đỉnh cao vào giữa thế kỉ XVIII, chủ nhân của quan họ là những người nông dân Việt (Kinh), chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước.
Người ta thường hát quan họ vào mùa xuân, mùa thu khi có lễ hội hay khi có bạn bè. Dân ca quan họ là hát đối đáp nam, nữ. Một cặp nữ của làng này hát với một cặp nam của làng kia một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Hát quan họ là hình thức hát đôi đồng giọng, gồm có: người hát dẫn và người hát luồn, hát đối đáp dẫn giọng, luồn giọng một cách điêu luyện. Giọng của hai người hát cặp với nhau phải tương hợp đến mức hai giọng trở thành một để tạo ra một âm thanh thống nhất.
Các liền anh, liền chị đang hát đối đáp tại lễ hội (Nguồn ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)
Có 4 kỹ thuật hát quan họ là: nền, rền, vang, nảy. Hát quan họ không chỉ đòi hỏi hát tròn vành, rõ chữ, mượt mà, duyên dáng, bằng nhiều kỹ thuật như: rung, ngân, luyến, láy mà còn phải hát nảy hạt. Quan họ có các hình thức: hát thờ, hát hội, hát thi lấy giải, hát canh và được hát theo 3 chặng: chặng đầu hát theo giọng lề lối, chặng giữa hát theo giọng sổng và chặng cuối hát theo giọng giã bạn.
Về trang phục hát quan họ thì có sự khác biệt giữa nam và nữ. Trang phục của các liền chị bao gồm: thường là áo dài mớ ba (3 chiếc áo lồng vào nhau) gồm có: áo yếm, áo cánh và áo năm thân, váy, thắt lưng, nón ba tầm hoặc nón thúng quai thao, khăn vấn tóc (khăn vấn và khăn mỏ quạ). Trang phục của các liền anh bao gồm: áo có hai loại: áo cánh bên trong và áo dài năm thân bên ngoài, quần, dép, khăn xếp, ô lục soạn.
Trang phục hát quan họ của các liền anh, liền chị (Nguồn ảnh: Internet)
Quan họ Bắc Ninh không chỉ là một hình thức biểu diễn âm nhạc mà còn là một hoạt động văn hóa truyền thống quan trọng, thể hiện lòng tôn kính và tình cảm đối với gia đình, bạn bè và cộng đồng. Đây cũng là một dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu và tạo dựng mối quan hệ xã hội. Trong các dịp lễ hội và cuộc gặp mặt, người dân thường hát quan họ để thể hiện lòng thân thiện và gửi lời chúc phúc đến nhau.
Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2009. Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian Việt Nam. Nó đã trở thành biểu tượng văn hóa của Bắc Ninh, được gìn giữ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ sau.
Thu Ngân