Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội tiếp thu góp ý cua đoàn công tác. (Ảnh:TH) Bí thư Thành ủy Hà Nội tiếp thu góp ý cua đoàn công tác. (Ảnh:TH)

Vị trí, vai trò công tác dân vận ngày càng được nâng cao

Thành ủy Hà Nội cho biết, công tác dân vận của hệ thống chính trị Thành phố đã bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố, tập trung quyết liệt, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về công tác dân vận và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác dân vận của các cấp chính quyền Thành phố có chuyển biến tích cực.

Công tác tôn giáo, dân tộc được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, giải quyết kịp thời nhiều việc mới, việc khó, phức tạp về tôn giáo, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung trên địa bàn Thủ đô được cải thiện, nâng cao.

Hệ thống dân vận từ Thành phố đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn; vị trí, vai trò ngày càng được nâng cao. Việc phối hợp công tác giữa khối dân vận Thành phố với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận và củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở trong việc triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Kết quả nổi bật trong công tác dân vận của hệ thống chính trị Thành phố trong những năm qua là việc tuyên truyền, vận động, huy động sức dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2010 - 2015, tổng nguồn huy động đầu tư cho khu vực nông thôn trên 63,5 nghìn tỷ đồng, (trong đó gần 11 nghìn tỷ là huy động từ sức dân), thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 77 nghìn ha, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2015, toàn Thành phố có 201/386 xã đạt nông thôn mới (chiếm 52,07%), 1 huyện nông thôn mới (Đan Phượng) và 3 huyện đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận. Kết quả đó đã đưa Hà Nội là một trong những điểm sáng của cả nước về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Về kết quả thực hiện Kết luận 80-KL/TW ngày 29/7/2010 về “tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đồng thời cụ thể hóa các nội dung của Kết luận 80 bằng việc ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình của Thành phố.

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy, tính đến ngày 30/6/2016, toàn Đảng bộ Thành phố đã thành lập mới 748 tổ chức đảng, đạt 82,74% chỉ tiêu kế hoạch, kết nạp mới 4.880 đảng viên, nâng tổng số tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực ngoài Nhà nước lên 1.535 tổ chức đảng. Toàn Thành phố cũng thành lập mới 1.778 tổ chức công đoàn cơ sở, kết nạp mới trên 173 nghìn đoàn viên; thành lập mới 525 tổ chức đoàn, hội thanh niên, kế nạp mới trên 18 nghìn đoàn viên, hội viên và thành lập mới 133 tổ chức cơ sở hội phụ nữ với 4.905 hội viên tham gia…

Tuy nhiên, công tác xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận ở một số cấp ủy chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc cụ thể hóa một số chủ trương, chính sách còn chậm, có việc chưa sát với thực tế; nhiều bức xúc của người dân chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng. Chỉ đạo triển khai xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi còn mang tính hình thức, cá biệt có địa phương còn vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Tình hình tôn giáo ở một số nơi trên địa bàn Thành phố còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo có lúc, có nơi còn bị buông lỏng…

Trao đổi tại buổi làm việc, nhiều ý kiến trong đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương đánh giá Hà Nội nhiều năm nay đều đi đầu cả nước trong công tác dân vận. Riêng về công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, một số ý kiến lưu ý Hà Nội cần rà soát làm rõ, so sánh xem ở doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức đảng và không có tổ chức đảng khác nhau như thế nào để thấy rõ hiệu quả của việc triển khai chính sách này.

Tránh hình thức, tạo đồng thuận cao trong công tác dân vận

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh:TH) Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh:TH)

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao, ghi nhận sự nỗ lực của Thành ủy Hà Nội trong chỉ đạo thực hiện công tác dân vận và thực hiện Kết luận số 80-KL/TW. Theo đồng chí Trương Thị Mai, Hà Nội đã có nhiều nghị quyết, kết luận để cụ thể hóa các văn bản của Trung ương về công tác dân vận và tổ chức thực hiện bằng những giải pháp phù hợp đặc thù của Hà Nội. Hiện toàn thành phố có tới trên 5.000 tổ dân vận và qua theo dõi cho thấy cả hệ thống chính trị của thành phố làm công tác dân vận chứ không khoán trắng cho đội ngũ làm công tác dân vận như một số địa phương khác. Điều này khẳng định sự vào cuộc nhịp nhàng, tạo hiệu ứng lan tỏa trong công tác dân vận.

Chỉ ra những hạn chế của công tác dân vận mà Hà Nội chưa khắc phục được, đồng chí Trương Thị Mai lưu ý công tác dân vận của Thành phố cần đi vào thực chất hơn, đặc biệt phải tìm những biện pháp để khắc phục, nhất là trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở phải tránh hình thức, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân thì công tác này mới ngày càng lan tỏa.

Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, đổi mới công tác dân vận cần có 2 yếu tố quan trọng nhất là đổi mới công tác cán bộ và thể chế hóa đường lối, quan điểm chính sách của Đảng để giải quyết các vấn đề của nhân dân. Đây cũng chính là những vấn đề cấp thiết để củng cố lòng tin của dân đối với Đảng. Đặc biệt phải nâng cao chất lượng công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước. Bởi nếu nhà nước không làm tốt công tác dân vận thì các cơ quan đoàn thể cũng không thể làm tốt. Dân vận trong nhà nước là công tác đầu tiên trong giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và dân.

Đề cập đến việc thực hiện kết luận 80 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho chủ doanh nghiệp và người lao động về vai trò, lợi ích của xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp. Đồng thời hoàn thiện các mô hình, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ, quan tâm đến mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động với mục đích là phải xây dựng các mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế tối đa tranh chấp. “Nếu có tranh chấp thì phải giải quyết bằng đối thoại. Biện pháp cuối cùng mới để đình công, khiếu kiện. Muốn vậy, vai trò vận hành của công đoàn cần phải được nâng cao để thực hiện được các mục đích này” – đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Tiếp thu các ý kiến góp ý của đoàn công tác, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục khắc phục các hạn chế, tồn tại hiện nay để làm tốt hơn công tác dân vận. Riêng về thực hiện kết luận 80, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, quan điểm của thành phố là không chạy theo số lượng phát triển cơ sở đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn mà quan tâm đến chất lượng, tập trung vào xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh thì tổ chức đảng mới phát triển bền vững./.

Theo Dangcongsan