Đảng Cộng hòa “chia năm xẻ bảy” vì Tổng thống Trump

Thứ sáu, 08/01/2021 - 09:10

Đảng Cộng hòa bắt đầu một ngày bằng thất bại ở Thượng viện và kết thúc ngày này bằng sự phẫn nộ trước cuộc bạo loạn của những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump ở Tòa nhà Quốc hội.

Suy nghĩ lại về chủ nghĩa Trump

Ngày 6/1/2021 sẽ được ghi nhớ là ngày diễn ra cuộc chiến nội bộ trong đảng Cộng hòa về việc liệu có xác nhận chiến thắng của ông Biden hay không và việc ai là người đáng bị đổ lỗi cho những thất bại của đảng ở Georgia. Tuy nhiên, bên cạnh việc đi vào lịch sử như một ngày chia rẽ của đảng Cộng hòa, ngày 6/1 vừa qua còn là thời điểm để đảng Cộng hòa bắt đầu cân nhắc về chủ nghĩa Trump.

Biểu tình ở Tòa nhà Quốc hội tại Washington DC ngày 6/1 (giờ Mỹ). Ảnh: Getty

Cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội khiến nhiều thành viên đảng Cộng hòa cuối cùng đã chấp nhận đối đầu với Tổng thống Trump. Sau khi những người ủng hộ Tổng thống gây náo loạn và phá phách cơ quan này, ngay cả những đồng minh trung thành nhất cũng quay lưng với ông Trump.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton, một trong những đồng minh ủng hộ Tổng thống mạnh mẽ nhất đã khẳng định rằng: "Đã đến lúc Tổng thống phải chấp nhận kết quả bầu cử, dừng dẫn dắt những thông tin sai lệch cho người dân Mỹ và chấm dứt những cuộc biểu tình bạo lực". Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roy Blunt thì khẳng định ông không muốn nghe thêm bất kỳ điều gì từ Tổng thống Trump: "Đây là một ngày tồi tệ và ông ấy là một phần gây nên điều đó".

"Tôi đã ở đây một thời gian dài. Nhưng đây có lẽ là ngày tôi lo ngại nhất về những điều nước Mỹ sẽ dẫn dắt phần còn lại của thế giới ngày nay", cựu Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Blunt cho hay.

Chủ tịch Nhóm đại biểu Cộng hòa tại Hạ viện Liz Cheney, người luôn cẩn trọng với việc chỉ trích Tổng thống Trump, cũng đã lên tiếng: "Rõ ràng Tổng thống đã tạo nên đám đông này, kích động và lợi dụng họ. Ông ấy đã châm ngòi cho đám cháy này", bà Cheney nhận định trên Fox News sau khi sơ tán đến một nơi an toàn sau khi những người biểu tình bao vây Tòa nhà Quốc hội.

Tình trạng bạo lực ngày 6/1 (giờ Mỹ) là kết quả của 2 tháng Tổng thống Trump liên tục đưa ra những tuyên bố chưa có bằng chứng về gian lận bầu cử và từ chối chấp nhận kết quả. Mặc dù hầu hết thành viên đảng Cộng hòa không ủng hộ những tuyên bố của ông Trump nhưng phần lớn trong số họ đều chờ tới cuộc bỏ phiếu đại cử tri ngày 14/12, thừa nhận ông Biden là Tổng thống đắc cử. Thậm chí vài tuần sau đó, hầu hết đảng Cộng hòa đều từ chối chỉ trích những phát ngôn của Tổng thống Trump, cũng như từ chối kêu gọi ông chuyển giao quyền lực hòa bình.

Ngày 6/1/2021, điều đó cuối cùng đã thay đổi.

"Ngày hôm nay, chúng ta đã thấy rằng sự phá hủy có thể xảy ra khi những người chịu trách nhiệm và nắm quyền lực từ chối chấp nhận sự thật. Chúng ta đã chứng kiến đổ máu bởi người thủ lĩnh chính trị này chọn cách lan truyền thông tin sai sự thật và gieo rắc vào người dân Mỹ sự thiếu tin tưởng", Thượng nghị sĩ Pat Toomey, một người từng ủng hộ ông Trump, giận dữ bày tỏ.

Đảng Cộng hòa “trắng tay”

4 năm sau khi ông Trump đắc cử, đảng Cộng hòa hiện đã mất Nhà Trắng, Hạ viện và Thượng viện. Ông Trump từng cho thấy ông vẫn là một nhân tố có tầm ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa nhưng hiện nay, đảng này sẽ phải quyết định liệu có tiếp tục chấp nhận một tổng thống sắp mãn nhiệm hay tiến về phía trước theo con đường riêng.

Vào những ngày cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đã biến mọi vấn đề thành phép thử lòng trung thành và hầu như có rất ít thành viên đảng Cộng hòa, những người vẫn muốn tiếp tục sự nghiệp chính trị, sẵn sàng thách thức ông.

Tuy nhiên, kế hoạch phản đối việc xác nhận kết quả bầu cử ở Quốc hội được cho là vượt quá sức chịu đựng với nhiều thành viên đảng Cộng hòa. Hạ nghị sĩ Chip Roy bang Texas, cựu chánh văn phòng của Thượng nghị sĩ Ted Cruz, thừa nhận rằng động thái của ông nhằm chống lại Tổng thống có lẽ "sẽ ký vào bản án tử hình cho sự nghiệp chính trị của tôi. Vậy thì cứ để mọi việc diễn ra như thế đi". Bài phát biểu này ngay sau đó đã nhận được sự hưởng ứng và những tràng pháo tay từ các nghị sĩ đảng Dân chủ.

Thượng nghị sĩ Cotton cũng đề nghị các thành viên đảng Cộng hòa trong Thượng viện rút lại việc phản đối kết quả phiếu đại cử tri. Với thông báo này, lập trường của ông Cotton phần nào giống với thượng nghị sĩ bang Utah Mitt Romney. Ông Romney có lẽ thuộc về một thế hệ khác trong đảng Cộng hòa và cũng không phải là người ủng hộ Tổng thống Trump nhưng về vấn đề này, ông và ông Cotton có cùng quan điểm.

"Những người ủng hộ Tổng thống Trump trong đảng Cộng hòa tìm cách ngăn chặn xác nhận chiến thắng của ông Biden "sẽ mãi mãi bị coi là kẻ đồng lõa trong một cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ vào nền dân chủ của chúng ta", ông Romney cho hay, đồng thời nhấn mạnh: "Vai trò của họ sẽ được ghi nhớ trong chương đáng xấu hổ này của lịch sử nước Mỹ".

Ông Romney và ông Cotton đã đạt được ý nguyện. Những người ban đầu có ý định phản đối việc xác nhận chiến thắng của ông Biden đã thay đổi suy nghĩ sau một ngày hỗn loạn, kinh hoàng và sợ hãi ở Tòa nhà Quốc hội. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ron Johnson cũng cho biết, "rõ ràng bởi vì những diễn biến này mà họ đã thay đổi thái độ một chút".

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Mike Braun thì cho rằng: "Ngày hôm nay đã thay đổi mọi thứ một cách mạnh mẽ. Dù bạn có quan điểm như thế nào trước đó, những gĩ diễn ra cũng là quá đủ. Hãy để ngày xấu xí này lại phía sau".

Cuối cùng, chỉ có 6 thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ nỗ lực thách thức việc xác nhận kết quả ở bang Arizona trong khi con số này được dự đoán cao gấp đôi trước khi cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội xảy ra.

Trên thực tế, việc những người ủng hộ Tổng thống Trump gây náo loạn ở Quốc hội đã làm thay đổi nhanh chóng lập trường của đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ Kelly Loeffler, người vừa thất bại trong cuộc đua vào Thượng viện ở Georgia, đã rút lại kế hoạch phản đối việc xác nhận chiến thắng của ông Biden. Các thành viên khác trong đảng Cộng hòa như Steve Daines, Bill Hagerty, Marsha Blackburn và James Lankford cũng có quyết định tương tự.

“Chia năm xẻ bảy” vì Trump

Ông McConnell đã trải qua một ngày mệt mỏi nhưng những gì diễn ra cuối ngày dường như còn tồi tệ hơn nhiều so với tưởng tượng của ông. Tháng trước, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện đã cảnh báo, việc thách thức kết quả bầu cử ngày 6/1 sẽ là "một cuộc bỏ phiếu tồi tệ", đồng thời gọi đây là cuộc bỏ phiếu của lương tâm.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa vẫn không thể chối bỏ sự ảnh hưởng của Tổng thống Trump. Trong phiên họp chung ở Tòa nhà Quốc hội, Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy và Phó Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Steve Scalise đều bỏ phiếu thách thức kết quả đại cử tri ở bang Arizona, cùng với đa số thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện. Thậm chí trước khi bạo loạn xảy ra ở Tòa nhà Quốc hội, một số thành viên đảng Cộng hòa đã nghe được rằng ông McCarthy đang thuyết phục một số thành viên mới cùng tham gia vào nỗ lực đảo chiều bầu cử.

Ông McCarthy khẳng định, ngày 6/1 là "ngày buồn nhất tôi từng trải qua với tư cách là một thành viên trong cơ quan này”, song ông không đổ trách nhiệm cho Tổng thống Trump.

Hạ nghị sĩ Matt Gaetz còn đi xa hơn khi nhận định chưa có bằng chứng rằng, một số kẻ bạo động đã "cải trang thành những người ủng hộ Tổng thống Trump và trên thực tế, đó là những thành viên của nhóm khủng bố bạo lực antifa".

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Adam Kinzinger, người từ lâu đã chỉ trích những phát ngôn nguy hiểm của Tổng thống Trump, đã kêu gọi ông McCarrthy và McConnell "chỉ trích mạnh mẽ" những hành động của ông Trump. Ông cũng nhận định trong một dòng tweet rằng: "Tất cả các lãnh đạo để điều này xảy ra nên từ chức để những người trưởng thành và những người nói sự thật có thể khôi phục đảng Cộng hòa của chúng ta".

Làn sóng chỉ trích Tổng thống Trump không chỉ đến từ những nhân vật quen thuộc trong đảng Cộng hòa. Hạ nghị sĩ Brian Fitzpatrick, người thường ít khi tạo ấn tượng hoặc gây rắc rối ở Quốc hội, cũng cho rằng Tổng thống Trump "đang nói dối" những người ủng hộ và “phải chịu trách nhiệm" cho "nỗ lực đảo chính" ngày hôm nay.

Hạ nghị sĩ bang Ohio Brad Wentsrup cũng đánh giá: "Không có ai ở vị trí lãnh đạo, bao gồm cả Tổng thống, có thể đưa ra bất kỳ lời biện minh nào cho hành vi phá hoại và bạo lực này".

Thậm chí thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh thân cận của Tổng thống Trump cũng cho rằng cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội vừa qua là quá đủ để chấm dứt những nỗ lực thách thức bầu cử.

"Tôi, thay mặt tất cả những người khác trong cơ quan này, cần phải khẳng định rằng Joe Biden và Kamala Harris đã được bầu hợp pháp và sẽ trở thành Tổng thống, Phó Tổng thống của nước Mỹ từ ngày 20/1”./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: Politico