Quang cảnh buổi tiêm vaccine tập trung tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP. Hồ Chí Minh) vào cuối tháng 6 năm 2021.
Trong những ngày qua, tình hình đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 6 năm 2021, trên thế giới ghi nhận gần 183 triệu ca dương tính COVID-19, riêng tại Việt Nam cũng đang điều trị hơn 10.000 ca nhiễm, chưa kể gần 7.500 trường hợp đã được điều trị khỏi.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, nếu việc tiêm chủng đạt tỷ lệ bao phủ từ 70% đến 85% trên tổng số dân, thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.
Do đó, để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 được căn cơ, hiệu quả, thì chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được Bộ Y tế tung ra với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và được triển khai thần tốc trong cả nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong quá trình thực hiện tiêm ngừa tại các địa phương, gần đây, xuất hiện không ít dư luận trái chiều về việc một số người đăng hình cá nhân được tiêm vaccine lên mạng xã hội. Có ý kiến cho rằng đây là hành vi “khoe mẽ”, đáng lên án; cũng có người lại nhận định, việc này nên khuyến khích, nhằm cổ vũ cho chiến dịch tiêm ngừa COVID-19 trong cộng đồng được diễn ra đúng kế hoạch. Đứng trước những luồng ý kiến trái chiều đó, mỗi chúng ta hãy bình tĩnh, xin đừng vội a dua, phán xét, mà cần cần phân tích, nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ khách quan và khoa học.
Trước hết, cần hiểu đúng, hành vi “khoe mẽ” được Từ điển Việt Nam giải thích là việc khoe khoang, phô bày cái hình thức bề ngoài, nhưng với thực chất bên trong là không tốt. Như vậy, chỉ riêng với định nghĩa này cũng cho chúng ta một thông tin quan trọng về cách dùng từ “khoe mẽ” trong trường hợp này chưa phù hợp với bản chất của vấn đề.
Cụ thể, đối với trường hợp một số người đăng hình ảnh tiêm ngừa trên trang cá nhân, là một nhu cầu cơ bản, họ muốn được chia sẻ những trải nghiệm chân thật của mình khi đi tiêm vaccine COVID-19 với gia đình, bè bạn. Dĩ nhiên, vấn đề cần quan tâm ở đây là việc đăng hình ảnh cá nhân phải tuân thủ quy tắc sử dụng mạng xã hội và các quy định của pháp luật liên quan; nội dung đăng tải cũng cần hướng đến việc khuyến khích cộng đồng tham gia tiêm ngừa, hoặc chia sẻ trải nghiệm, cung cấp những thông tin, kiến thức cần thiết cho những người sắp được tiêm, để có sự chuẩn bị tốt hơn, tránh đăng các nội dung gây hoang mang, hay làm phát sinh tư tưởng đố kỵ, so sánh trong cộng đồng.
Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vaccine cho cán bộ, nhân viên của Viện để tiếp tục xung phong ra tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ hai, có ý kiến cho rằng, việc đăng hình ảnh cá nhân khi tiêm ngừa sẽ gây nên sự mâu thuẫn cực độ về những đối được được tiêm và chưa được tiêm ngừa. Đây là quan điểm mang tính phiến diện, chủ quan, áp đặt và rất nguy hiểm. Chính nhận định này đã gieo rắc nên những suy nghĩ lệch lạc, ấu trĩ không đáng có trong cộng đồng về chính sách ưu tiên tiêm ngừa COVID-19 theo Nghị quyết số 21/NQ-CP đã được Chính phủ thông qua vào ngày 26 tháng 2 năm 2021.
Cụ thể, trong Nghị quyết 21/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021.
Đồng thời, Nghị quyết 21/NQ-CP cũng quy định rõ, những đối tượng được ưu tiên tiêm và miễn phí gồm: Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch;Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Người cung cấp dịch vụ thiết yếu; Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; Người sinh sống tại các vùng có dịch; Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Có thể thấy, các đối tượng được ưu tiên tiêm ngừa là những người do đặc thù công việc phải tiếp xúc với nhiều người, hay có nguy cơ nhiễm và lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng xã hội. Như vậy, việc ưu tiên tiêm ngừa cho các đối tượng này là hoàn toàn hợp lý, nhân văn, phù hợp với độ cấp thiết của yêu cầu công việc và thực tế cuộc sống, chứ hoàn toàn không có sự thiên vị, phân biệt đối xử hay phụ thuộc vào cơ chế xin cho, như ý kiến chủ quan, phiến diện của một số người có nêu.
Mặt khác, khi người trong diện ưu tiên được tiêm ngừa, bên cạnh quyền lợi cá nhân, họ còn gánh vác một trọng trách to lớn, phải căng mình cùng với cộng đồng phòng, chống dịch, hay phải tiếp tục duy trì lao động, sản xuất, chung tay phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép của Đảng và Nhà nước ta.
Hơn nữa, phần đông chúng ta đều hiểu việc tiêm vaccine không đồng nghĩa với việc bảo vệ 100% cơ thể không nhiễm bệnh, mà chỉ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chống lại virus gây bệnh; trường hợp sau khi tiêm, nếu vẫn mắc COVID-19 thì các triệu chứng lâm sàng thường nhẹ hơn, không để lại biến chứng, di chứng nặng nề, không tạo thêm gánh nặng cho ngành Y tế và làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, không lý do gì những người đi tiêm ngừa lại cố tình “khoe mẽ”, vì sau khi tiêm xong, họ đều được các y, bác sĩ giải thích cặn kẽ việc này.
Saigon Co.op là một trong các đơn vị được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 trong đợt cuối tháng 6 năm 2021.
Ở một góc nhìn khác, một số cá nhân thuộc diện ưu tiên, đã đăng hình của mình khi tiêm vaccine, bởi họ muốn giải tỏa cảm giác lo lắng khi sắp đối mặt trước những phản ứng phụ của vaccine, muốn chia sẻ trải nghiệm đặc biệt này với người thân vào một thời điểm cụ thể, là một nhu cầu chính đáng, cần được xã hội đón nhận một cách tích cực, khách quan và bớt thành kiến cá nhân.
Chia sẻ về nguyên nhân người lao động đơn vị được chọn trong danh sách tiêm ngừa vaccine COVID-19, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức cho biết: “Cán bộ, nhân viên Saigon Co.op trong diện ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 vì đơn vị được giao nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân xuyên suốt trước, trong và sau cao điểm của dịch bệnh, để đảm bảo tuyến phòng thủ lương thực toàn Thành phố luôn được vững vàng. Để đạt được kết quả trên 80% người lao động tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh được tham gia tiêm vaccine đợt này, nhờ vào sự quyết liệt đeo bám của ban lãnh đạo đơn vị, kết hợp với sự quan tâm, thấu hiểu của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với nhiều rủi ro mà đội ngũ lao động trực tiếp chúng tôi đang phải ngày đêm đối mặt. Dịch bệnh càng phức tạp, chúng tôi càng dấn thân, xã hội càng giãn cách, thì hàng hóa thiết yếu của Saigon Co.op phải càng đến gần dân hơn. Đó là trọng trách cao cả mà chính quyền và Nhân dân Thành phố giao cho những “Saigon Co.opers” chúng tôi trong mùa dịch”.
Thứ ba, trên thực tế, tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đều tồn tại một số phần tử trong diện ưu tiên nhưng chưa mạnh dạn đi tiêm ngừa, vì sợ kim tiêm, sợ nhiễm chéo, hay còn hoài nghi, chưa tin tưởng về độ an toàn của vaccine COVID-19; thậm chí, một số người còn có những biểu hiện, hành vi phản đối lại chiến dịch tiêm vaccine của Chính phủ ta.
Đối với những trường hợp này, rất cần những nhân chứng sống gần gũi, tin cậy, tại chính nơi làm việc, cùng chung địa bàn cư trú, có thể đưa ra những lời khuyên, những hướng dẫn, thuyết phục bằng những hình ảnh, câu chuyện thật, trải nghiệm thực tế của chính mình, thường sẽ mang lại hiệu quả tuyên truyền cao hơn.
Và chính mạng xã hội là phương tiện hiệu quả để mọi người thực hiện mục đích tuyên truyền, cổ vũ tinh thần tiêm vaccine trong cộng đồng, đặc biệt, rất phù hợp với bối cảnh xã hội giãn cách ngày càng sâu rộng như hiện nay. Điều này không những không có biểu hiện gì của việc “khoe mẽ”, mà còn rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, bởi lẽ, chiến lược tiêm vaccine của Bộ Y tế chỉ phát huy tác tác dụng đối đa, khi phần đông cộng đồng (trên 70% người dân) tham gia hưởng ứng.
Mỗi chúng ta, đừng vì sự ích kỷ, hèn nhát hay thành kiến ấu trĩ của bản thân mà làm phá vỡ đi nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị đang ngày đêm quyết tâm thực hiện thắng lợi chiến dịch chống “giặc” COVID-19 thông qua giải pháp phủ vaccine thần tốc trong toàn dân.
Điều quan trọng hơn hết, dù chúng ta được tiêm ngừa vaccine hay chưa, thì việc thực hiện theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế vẫn phải được tuân thủ nghiêm ngặt trong mọi lúc, mọi nơi. Vì đây chính là giải pháp để toàn xã hội cùng chung tay phòng, chống COVID-19 hữu hiệu nhất trong giai đoạn hiện nay và “chỉ có vaccine mới cho phép chúng ta bỏ dần các K trong 5K để trở lại cuộc sống bình thường”, theo như Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 từng chia sẻ.
Lê Thanh