Suzuki là một thương hiệu khá lâu đời tại Việt Nam, nhưng dù là mảng xe máy hay ô tô, hãng xe Nhật Bản vẫn luôn đem tới cảm giác không chăm chút. Những sản phẩm cộp mác Suzuki đều được đánh giá cao về chất lượng, độ bền bỉ nhưng trang bị và thiết kế có phần không theo kịp xu thế chung của thị trường.
Điều này thể hiện rõ rệt ở phân khúc ô tô du lịch từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Ví dụ như ở tháng 7, gần như toàn bộ dải sản phẩm của Suzuki Việt Nam (4 mẫu) đều góp mặt trên danh sách xe bán chậm nhất toàn thị trường. Riêng Ciaz không xuất hiện, nhưng mẫu sedan hạng B này đang có tin đồn “khai tử”, doanh số bán hàng cũng không được thống kê trong nhiều tháng gần đây.
Tuy nhiên, dường như hãng xe Nhật Bản đã thay đổi, khi giới thiệu mẫu XL7 Hybrid vào ngày 20/8 vừa qua. Suzuki XL7 không phải là một cái tên mới, hãng chỉ đơn thuần trang bị cấu hình hybrid cho mẫu xe này, nhưng đáng chú ý, sản phẩm này sẽ thay thế cho mẫu Ertiga Hybrid đã dừng bán tại Việt Nam.
Trước đây, việc hãng xe Nhật phân phối cùng lúc Ertiga Hybrid và XL7 không khỏi khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu, do 2 mẫu xe này có phần “dẫm chân” nhau khi có giá bán lẻ đề xuất chênh lệch không quá nhiều. Bên cạnh đó, XL7 được phát triển trên nền tảng của Ertiga, với thiết kế lai SUV nhiều hơn MPV.
Với mức giá dưới 600 triệu đồng, cả 2 mẫu xe này đều cạnh tranh ở phân khúc xe 7 chỗ cỡ nhỏ. Theo chia sẻ của nhiều tư vấn bán hàng, số đông người dùng đến showroom tham khảo Ertiga Hybrid thường có xu hướng chuyển sang XL7.
Vậy Suzuki XL7 Hybrid có gì để xứng đáng với kỳ vọng cải thiện doanh số của hãng xe Nhật Bản? Hãy cùng tìm hiểu với chúng tôi thông qua bài đánh giá Suzuki XL7 hybrid này.
Ngoại thất bắt mắt hơn nhờ những thay đổi nhỏ
Trước đây, các dòng xe MPV thường sở hữu những đường nét mềm mại. Nhưng theo thị hiếu của khách Việt chuyển dịch dần sang những mẫu xe gầm cao, các mẫu MPV dần thay đổi thiết kế theo hướng SUV nhiều hơn, góc cạnh hơn.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Suzuki Ertiga Hybrid không được số đông ưa chuộng, còn XL7 thu hút hơn. Dù được phát triển dựa trên nền tảng của Ertiga, nhưng Suzuki XL7 có thể xem là một trong những mẫu xe 7 chỗ giá rẻ có thiết kế giống SUV nhất.
Ngoại thất của Suzuki XL7 Hybrid so với bản thuần xăng chỉ thay đổi ở cách lựa chọn màu sắc. Hãng bổ sung thêm một màu mới, và sơn đen nhiều chi tiết như: lưới tản nhiệt, la-zăng, ốp gương chiếu hậu. “Chiêu bài” này cũng được nhiều hãng xe áp dụng, không phải yếu tố quá đột phá nhưng đủ để cải thiện phong cách, giúp chiếc xe đem lại cảm giác thể thao hơn và mới mẻ hơi chút đỉnh. Ngoài ra là một số thay đổi tuy nhỏ nhưng rất "lắng nghe người dùng", ví dụ như gương chiếu hậu gập điện hay trang bị sẵn giá nóc.
Nội thất không quá bắt mắt, không gian ngồi vẫn là điểm cộng lớn
Khoang cabin của Suzuki XL7 Hybrid vẫn có thiết kế y hệt bản thuần xăng. điểm mới là ốp trang trí giả vân gỗ có màu tối hơn. Trang bị tiện nghi của xe chỉ có 2 điểm mới: tính năng ga tự động (cruise control) và màn hình giải trí (vẫn 10 inch) có kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây.
Ga tự động không phải là một tính năng quá mới với người dùng Việt và vẫn luôn thiết thực trên một mẫu xe ô tô. Đây cũng là điểm trừ ở XL7 thuần xăng, nhưng đã được hãng khắc phục và đưa vào bản mới hybrid.
Về màn hình giải trí, Suzuki XL7 Hybrid hiện đang là mẫu xe duy nhất trong phân khúc có tính năng kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây. Tuy nhiên theo trải nghiệm thực tế của chúng tôi, kết nối này không quá mượt, có độ trễ (lag) trong quá trình sử dụng.
Bù lại, kết nối không dây đem lại khả năng kết nối điện thoại thông với màn hình giải trí một cách nhanh chóng. Nếu ưu tiên sự mượt mà, người dùng vẫn sẽ cần phải cắm dây.
Điểm cộng lớn nhất của Suzuki XL7 Hybrid vẫn nằm ở không gian ngồi, điều đã thể hiện rõ từ mẫu Ertiga. Hàng ghế thứ 2 của xe có khoảng để chân rộng rãi, đệm êm cùng độ ngả sâu, cho cảm giác dễ chịu khi di chuyển trong thời gian dài.
Hàng ghế thứ 3 của XL7 Hybrid cũng cho không gian ngồi ở mức tốt, do phần đệm ngồi cách sàn xe một khoảng, không yêu cầu người ngồi phải gập chân nhiều. Bên cạnh đó, hàng ghế này cũng có thể ngả nhẹ, và có hộc đựng cốc 2 bên.
Nhìn chung, không gian của Suzuki XL7 Hybrid đáp ứng được nhu cầu chở 7 người, phù hợp với tiêu chí của nhiều gia đình. Một số chi tiết khác trong nội thất:
Vận hành không quá khác biệt, nhưng đủ đáp ứng nhu cầu của số đông
Dù có tên gọi là Suzuki XL7 Hybrid nhưng thực tế, cơ cấu truyền động xăng lai điện của mẫu xe này chỉ là mild-hybrid, tương tự Ertiga Hybrid. Cụ thể, bên dưới nắp ca-pô vẫn là khối động cơ xăng 1.5L đảm nhận vai trò vận hành, kết hợp với một máy phát điện có tác dụng gia tăng sức kéo nhẹ và hỗ trợ xe dừng/khởi động tự động.
Điều này có nghĩa, Suzuki XL7 Hybrid không có chế độ chạy thuần điện (EV Mode) như các mẫu xe hybrid khác đang bày bán trên thị trường. Việc trang bị thêm máy phát điện giúp xe cải thiện nhẹ mức tiêu thụ nhiên liệu, cũng như tăng sự mượt mà cho xe khi vận hành, do động cơ có tính năng dừng và khởi động lại tự động.
Trải nghiệm thực tế, máy phát điện quả thực có hỗ trợ tăng tốc nhưng không quá nhiều và mạnh, nhưng vẫn có thể xem là một cải tiến đáng kể, đặc biệt khi xe không thay đổi giá bán. Bản thân những gì mô tơ điện mang lại cũng là những cải thiện rất giá trị so với khối động cơ có phần đuối và hộp số ít cấp của dòng xe này. Việc chở hành khách trên xe cũng sẽ trở nên dễ chịu và thoải mái hơn.
Ngồi vào vị trí cầm lái, người dùng sẽ nhận tầm quan sát của Suzuki XL7 Hybrid không quá tốt, nguyên nhân là do cột A của mẫu xe này khá dày, đồng thời gương chiếu hậu không được đặt xuống thân xe như những mẫu xe hiện đại gần đây.
Khả năng cách âm môi trường của Suzuki XL7 Hybrid chỉ ở mức tạm ổn. Di chuyển ở tốc độ cao, xe không có tiếng gió 2 bên nhưng vẫn có tiếng ồn dội lên từ khung gầm, đây là yếu tố cần đánh đổi ở một mẫu xe giá rẻ dưới 600 triệu đồng.
Khi đạp ga, xe sẽ cần thời gian để tăng tốc do sức mạnh động cơ không phải thế mạnh của mẫu xe này, thêm vào đó hộp số tự động 4 cấp chuyển số khá chậm, nhất là trong trường hợp cần tăng tốc đột ngột ở vị trí tĩnh. Trong những trường hợp cần vượt xe hay bứt tốc, người dùng có thể chủ động gài số thấp (L). Khi đó, máy phát điện sẽ hỗ trợ cải thiện sức kéo.
Hệ thống treo của Suzuki XL7 Hybrid khá cứng, nhưng phù hợp khi chở “full tải” (7 người). Khi đi qua các ổ gà hay con lươn, giảm xóc có khả năng dập tắt dao động nhanh nhưng vẫn tạo nên những tiếng cộc cộc. Bù lại, phần đệm ghế êm giúp người ngồi không phải gánh chịu những tác động của mặt đường.
Cơ hội cải thiện doanh số
Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, cả Suzuki XL7 và Ertiga Hybrid đều nằm tầng cuối phân khúc MPV cỡ nhỏ, với lũy kế doanh số lần lượt đạt 1.800 xe và 1.200 chiếc, chỉ hơn Toyota Avanza (1.115 xe). Với việc thay thế bằng mẫu XL7 Hybrid, hãng xe Nhật Bản có cơ hội cải thiện thị phần ở phân hạng này.
Xét về công nghệ, Suzuki XL7 Hybrid chưa thể ganh đua cùng Toyota Veloz Cross hay Honda BR-V. Tuy nhiên, xe đã có nhiều trang bị thiết thực hơn, đặc biệt là bổ sung mild hybrid, dù không ít thì nhiều, vẫn sẽ cải thiện được mức tiêu hao nhiên liệu, vận hành mượt hơn, giúp mẫu xe này trở thành lựa chọn mang tính kinh tế lâu dài, trong tầm giá 600 triệu đồng.
Cộng tác viên Long NG