TNV - Với mong muốn đồng hành cùng mẹ bầu trên hành trình mang thai trọn vẹn hạnh phúc, BỆNH VIỆN PHỤ SẢN MÊKÔNG sáng 24/06/2023 đã tổ chức lớp học tiền sản chuyên đề: “Thai giáo – Đánh thức 5 giác quan của trẻ trong giai đoạn mang thai”. Lớp học diễn ra trong bầu không khí vô cùng sôi nổi, đem đến những kiến thức hữu ích và vô cùng ý nghĩa cho các ba mẹ trong việc “dạy con từ trong bụng mẹ”.
CNHS. Nguyễn Thị Ngọc Hương – NHS Phó khoa Khám bệnh đã cung cấp các kiến thức khoa học cần thiết mà mỗi mẹ bầu: Kích thích phát triển 5 giác quan cho con trẻ từ khi còn trong bụng mẹ.
Ngoài ra, CNHS. Nguyễn Thị Ngọc Hương đã cùng trao đổi và giải đáp rất nhiều các thắc mắc của các ông bố, bà mẹ liên quan đến chủ đề của buổi học cũng như những thắc mắc liên quan đến quá trình mang thai, sinh con….
Biết được quá trình phát triển các giác quan của thai nhi, mẹ bầu càng thuận lợi trong việc bảo vệ và chăm sóc bé hơn.
1. Giai đoạn phát triển xúc giác
Vào tuần thứ 8 của thai kỳ, thai nhi có thể chạm tay quanh môi và má. Đến tuần thứ 11, bé bắt đầu khám phá cơ thể và bụng mẹ bằng miệng, bàn tay và bàn chân. Đến tuần thứ 32 của thai kỳ, bé đã có thể cảm nhận khá đầy đủ các cảm giác nóng, lạnh, đau đớn…
Ở giai đoạn này, con liên tục cử động, ví dụ như đạp, nắm giữ dây rốn, chạm vào má, quay tròn... Trong môi trường được bao quanh bởi nước ối, bé sẽ khám phá và tìm tòi. Khi mẹ chạm vào bụng, con có thể cảm nhận được và phản ứng lại. Không những thế, bé còn phản ứng lại theo những cung bậc cảm xúc khác nhau của người mẹ. Khi mẹ xem phim buồn, bé di chuyển ít hơn. Thế nhưng khi mẹ cười, những hình ảnh siêu âm cho thấy bé được kích động nhiều hơn. Điều đó thật kỳ diệu phải không?
2. Giai đoạn phát triển vị giác
Khẩu vị của con bắt đầu được định hình dựa vào chế độ ăn của mẹ. Từ tuần thứ 16, con bắt đầu làm quen với hương vị của thức ăn thông qua việc nuốt dịch nước ối trong bụng mẹ. Vào tam cá nguyệt thứ hai, vị giác của thai nhi gần giống như người trưởng thành. Bé có xu hướng nuốt nhiều nước ối hơn khi mẹ ăn đồ ngọt. Khi mẹ đói, thai nhi cũng có phản ứng bằng cách đạp mạnh vào bụng mẹ. Khi mẹ thích thú với một món ăn ngon, bé cũng có thể cảm nhận được.
Chính vì vậy, mẹ bầu nên tạo thói quen ăn uống lành mạnh, ngon miệng và đa dạng khẩu vị để có phát triển vị giác tốt nhất..
3. Giai đoạn phát triển của thính giác
Ở tuần thứ 8, bé đã cảm nhận được nhịp tim đập của mẹ. Thính giác của thai nhi được phát triển tốt ở khoảng 20 tuần tuổi. Vào tuần tuổi thứ 26 hoặc 27, trẻ phản ứng lại âm thanh và rung động từ bụng mẹ. Từ 30 đến 32 tuần, bé nghe được tiếng nói hoặc âm nhạc ở bên ngoài. Vì vậy ở giai đoạn này, khi mẹ mở nhạc lên con có thể phản ứng lại. Bé cũng bị giật mình bởi những tiếng động mạnh, bất ngờ. Bé cũng thể hiện sự thân thuộc với giọng nói của mẹ. Khi mẹ bầu ở môi trường có âm thanh náo nhiệt ví dụ như bật nhạc sôi động, con sẽ đạp liên tục. Ngược lại, khi nghe những giai điệu du dương, con cũng sẽ nằm im và lắng nghe.
Ngoài ra, mọi âm thanh được phát ra từ nhịp tim của mẹ, sự trao đổi máu qua các mạch máu, tiếng ầm ĩ của dạ dày và quan trọng nhất là những âm thanh được lọc qua các mô, xương và nước ối... bé đều có thể cảm nhận.
Nhiều người tin rằng, khi mang bầu thường xuyên cho con nghe nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển, loại nhạc nhẹ nhàng du dương, hoặc có âm điệu trầm bổng... bé sinh ra sẽ thông minh và có năng khiếu về âm nhạc. Thậm chí con sẽ có khuynh hướng thích thú và cảm thấy thân quen với một đoạn nhạc nào đó mà mẹ thường nghe.
4. Giai đoạn phát triển thị giác
Thai nhi bắt đầu phân biệt được sáng tối ở tuần thứ 20. Mặc dù không nhìn thấy nhiều nhưng con đang phát triển và hoàn thiện chức năng thị giác mỗi ngày. Từ 23 đến 25 tuần, đôi mắt của bé được hình thành và bé bắt đầu nháy mắt. Sau khoảng 5 tuần hoặc hơn, thai nhi có biểu hiện phản ứng trước ánh sáng. Trong bụng mẹ, trẻ không ngừng "rèn luyện" thị giác để chuẩn bị nhìn mọi vật. Mắt của bé sẽ có nhiều chuyển động. Ở khu vực não bộ chi phối khả năng nhìn của bé cũng không ngừng phát triển.
5. Giai đoạn phát triển khướu giác
Đây là vấn đề còn gặp nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng bé sống trong bụng mẹ, không có không khí thì không thể nhận biết mùi hương. Nhưng một vài nghiên cứu gần đây thì thấy rằng, bé có phản ứng khi mẹ ở trong căn phòng kín có mùi tinh dầu bạc hà. Do đó để tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho bé, mẹ bầu nên ở trong không gian thoáng đãng có mùi hương thơm nhẹ nhàng sảng khoái.
Mẹ bầu nên làm gì để kích thích quá trình phát triển các giác quan thai nhi?
Theo CNHS. Nguyễn Thị Ngọc Hương – NHS Phó khoa Khám bệnhBỆNH VIỆN PHỤ SẢN MÊKÔNG :
- Để con phát triển tốt xúc giác, trước hết mẹ bầu cần tìm giải pháp cho mình để ổn định cả thể chất lẫn tinh thần. Mẹ có thể ngồi thiền, đi dạo hoặc tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng. Ngoài ra mẹ có thể tham khảo bài luyện tập để bé có phản xạ tốt hơn thông qua massage bụng bầu. Thực hiện từ tuần thứ 12 của thai kỳ, mẹ bầu tự mình hoặc với sự giúp đỡ của người thân để thực hiện massage nhẹ nhàng bụng bầu. Chắc chắn bé sẽ cảm thấy thích thú với hành động đó của mẹ.
- Bé thường có xu hướng thích ăn những món mẹ yêu thích, vì thế mẹ bầu nên tạo thói quen ăn uống ngon miệng, lành mạnh, đa dạng khẩu vị để giúp con phát triển vị giác tốt nhất. Chị em nên tránh xa những món ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đường, đồ uống có ga, chất kích thích... Tuy nhiên mẹ cũng đừng quá căng thẳng và gò ép bản thân nếu thực sự không thể ăn nổi một món nào đó được xem là tốt cho sức khỏe.
- Để con phát triển thính giác, mẹ chỉ cần thường xuyên trò chuyện với bé, nghe những bản nhạc mình yêu thích. Không có quá nhiều sự khác biệt khi cho bé nghe nhạc giao hưởng thay vì nhạc rock. Chính vì vậy mẹ không phải quá gò ép bản thân phải nghe nhạc cổ điển, nhạc thính phòng.. nếu không thích đâu nhé!
- Bé trong bụng mẹ có thể cảm nhận sáng tối nếu mẹ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Trong giai đoạn này, mẹ bầu nên thường xuyên tắm nắng sớm để bé nhận biết ánh sáng. Mẹ nên hở phần bụng ra gần ánh sáng cho bé dễ cảm nhận. Hoặc luyện tập cho con phân biệt sáng tối bằng cách dùng một miếng vải đen phủ kín trước bụng của mẹ rồi lại bỏ ra, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Hoặc mẹ có thể sử dụng đèn pin 2 lần/tuần để chiếu sáng rồi dí vào thành bụng vài giây sau đó tắt đi. Lặp lại vài lần thay đổi ở các vị trí khác nhau trên thành bụng. Tuy nhiên, việc kích thích bé bằng ánh sáng chớp tắt có thể khiến bé khó chịu hoặc hoảng loạn, khi đó bé sẽ phản ứng bằng cách đạp mạnh.
- Để con có một khướu giác nhanh nhạy, mẹ có thể nằm thư giãn trong một không gian phòng ngủ thơm mùi tinh dầu. Khi đó mẹ vừa sảng khoái tinh thần và biết đâu lại giúp đánh thức khướu giác đang ngày một hoàn thiện của con yêu.
Bệnh viện Phụ sản MêKông với hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ y bác sỹ nhiều kinh nghiệm chuyên môn, là một trong những địa chỉ đáng tin cậy về lãnh vực sản phụ khoa của cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Những hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo chuyên môn thường xuyên được bệnh viện tổ chức là tiền đề cho các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… phát huy được năng lực và nâng cao trình độ chuyên môn.
Tấn Tài