Đánh thức phiên bản tốt hơn cùng Thạc Sĩ Emma Tạ Uyên

Thứ hai, 16/06/2025 - 17:49

“Hơn cả những bài học, cô Emma Tạ Uyên là người chỉ dẫn em trên hành trình thấu hiểu và nâng cấp bản thân.” Bài viết dưới đây được viết từ những trải nghiệm cá nhân, như một lời tri ân sâu sắc gửi đến người giảng viên đặc biệt đã gieo mầm thay đổi tích cực trong em – cả trong tư duy lẫn hành trình trưởng thành.

Em là Nguyễn Nhật Minh, sinh viên năm 3 ngành Quan hệ công chúng tại trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong suốt hành trình học tập tại trường, em may mắn có cơ hội được học tập và đồng hành cùng cô Emma Tạ Uyên – giảng viên bộ môn “Phát triển tổ chức và quan hệ cộng đồng”. Từ những tiết học trên lớp đến các hoạt động bên lề như workshop, dự án phi lợi nhuận, cô không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người dẫn lối, giúp em thấu hiểu giá trị cá nhân và định hình rõ hơn con đường phát triển của chính mình.

BẬT CÔNG TẮC TƯ DUY CÙNG MÔN HỌC: “PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC VÀ QUAN HỆ CỘNG ĐỒNG”:

Khi mới bắt đầu môn học, em chỉ nghĩ đơn giản là hoàn thành đầy đủ bài tập và cố gắng đạt điểm tốt. Vì đã có chút kinh nghiệm làm việc, em cũng nghĩ môn học này sẽ không quá mới mẻ hay khó khăn với mình. Lúc đó, em chưa thực sự hình dung được những điều mới mẻ và khác biệt mà môn học sẽ mang lại.

Mang tâm trạng không quá kỳ vọng, khi thấy cô Emma Tạ Uyên bước vào lớp với phong cách chỉn chu và nghiêm túc, em khá lo lắng vì nghĩ rằng: “Ôi, chắc môn này sẽ khó nhằn lắm!”. Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra sau đó hoàn toàn khác so với tưởng tượng của em.

Cô là một giảng viên khá “kì lạ”, cô không dành nhiều thời gian để giới thiệu những thành tựu sự nghiệp của bản thân mà chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức. Những kiến thức cô giảng dạy hoàn toàn khác, từ cách cô truyền đạt đến cách cô đạt câu hỏi. Không đi theo cách giảng dạy “đọc – chép” truyền thống, cô hệ thống hóa kiến thức bằng các sơ đồ, các mô hình đầy tính khoa học, giúp cho em hiểu được những kiến thức chuyên sâu một cách dễ dàng. Không chỉ vậy, cô còn liên tục đặt ra các câu hỏi mở, yêu cầu sự phản xạ tức thì và các câu hỏi xoáy sâu về kiến thức, giúp cho chúng em được rèn luyện về phản xạ và tư duy suốt cả buổi học.

Bên cạnh đó, khi cô hoàn thành kiến thức của buổi học, cô không vội vã kết thúc buổi học ngay mà cô sẽ yêu cầu sinh viên tự hệ thống lại kiến thức trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó chia sẻ lại với cô về những kiến thức mà chúng em đã tiếp thu được trong suốt buổi học, giúp cho các bạn sinh viên có thể nhớ bài tốt hơn.

Thêm vào đó, khi tham gia lớp học cùng cô Emma Tạ Uyên, cô sẽ không bao giờ phán xét các bạn về việc ý kiến của bạn là đúng hay sai, bạn giỏi hay dở, cô chỉ hay nói vui: “Lủng chỗ nào, cô vá chỗ đó!” Cô không ngần ngại giúp chúng em hệ thống hóa lại kiến thức, đưa ra những ví dụ minh họa thực tế đầy trực quan. Nhờ những điều đó, cô giúp em không chỉ tiếp thu được kiến thức mới mà còn rèn luyện được cách suy nghĩ, phân tích và phản biện. Hơn nữa, em cũng được tăng thêm sự tự tin, không ngần ngại khi tự nhìn nhận lại những kiến thức, kinh nghiệm rời rạc mà mình đã từng có trước đây. Từ đó, bản thân em biết cách để phát triển và hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng của chính mình hiệu quả hơn.

Đánh thức phiên bản tốt hơn cùng Thạc Sĩ Emma Tạ Uyên- Ảnh 1.

TIẾP BƯỚC PHÁT TRIỂN BẢN THÂN CÙNG DỰ ÁN PHI LỢI NHUẬN: IT’S TIME (MIND U):

May mắn tiếp theo của em chính là cơ duyên được học với cô Emma Tạ Uyên trong buổi hội thảo Design Personal Career – Thiết kế sự nghiệp cá nhân thuộc dự án phi lợi nhuận: It’s Time (Mind U).

Ấn tượng đầu tiên của em về buổi hội thảo Design Personal Career – Thiết kế sự nghiệp cá nhân, thuộc dự án phi lợi nhuận It’s Time (Mind U), là sự chuẩn bị cực kỳ chỉn chu, chuyên nghiệp nhưng cũng rất ấm áp và đầy yêu thương. Ngay từ khi bước vào lớp, em đã cảm nhận được sự quan tâm tỉ mỉ qua những chi tiết nhỏ như phần ăn nhẹ, nước uống đã được chuẩn bị sẵn, hay thẻ tên cá nhân được đặt đúng vị trí từng người. Những điều ấy tạo cho em cảm giác được sự chào đón đầy trân trọng dù rằng cô mới chính là người trao kiến thức cho chúng em.

Cô vô cùng tâm huyết với lớp học, từ phần thiết kế slide, các tờ giấy ghi chú và cả giấy chứng nhận cuối mỗi buổi học hay nhãn dán trên từng chai nước, từng phần ăn, cô đều tự tay thiết kế, với mong muốn đem đến một lớp học vô cùng chỉn chu và chuyên nghiệp. Không dừng lại ở đó, cô còn đầu tư cho chúng em về mặt hình ảnh và truyền thông , những câu hỏi phỏng vấn mang tính gợi mở, kích thích chúng em thể hiện cá tính bản thân, hay những hình ảnh, video được cô biên tập, chỉnh sửa được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội của cô như một dự án chuyên nghiệp. Tất cả những sự đầu tư đầy tinh tế ấy khiến em cảm thấy đây không chỉ là một buổi học thông thường, mà giống như một hành trình nhỏ mà mỗi người đều được tôn trọng và đồng hành thực sự.

Về phần nội dung buổi học, cô hoàn toàn không cố gắng nhồi nhét thật nhiều kiến thức cao siêu để chứng tỏ bản thân, cũng không phải là một buổi định hướng mang tính "truyền cảm hứng" sáo rỗng mà em thường thấy trên mạng xã hội. Thay vào đó, cô đi từ những điều tưởng như rất gần gũi, rất đơn giản nhưng lại là nút thắt trong lòng của mỗi người. Điều đầu tiên mà chúng em được học chính là: “Hiểu chính mình”. Bất kỳ ai khi nghe thấy cụm từ này đều sẽ cảm thấy bình thường, “mình là người hiểu mình nhất” nhưng khi được cô đào sâu vào các khái niệm, em nhận ra việc dám thừa nhận bản thân mình là một việc rất ít ai có thể làm được. Cần phải học từ cách nhận diện cảm xúc, thấu hiểu giá trị cá nhân cho đến việc tự vấn: "Mình muốn gì?", "Mình giỏi điều gì?", "Điều gì khiến mình cảm thấy có ý nghĩa?" và cuối cùng là chấp nhận chính mình và từ đó học được cách khai thác những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu của bản thân.

Không dừng lại ở đó, cô còn chia sẻ về tầm quan trọng của việc yêu thương chính mình một cách có trách nhiệm, sống có lý tưởng và định hướng rõ ràng, đồng thời không đánh mất sự tự do trong chính cá tính của bản thân. Em đặc biệt ấn tượng với cách cô gợi mở về những yếu tố rất đời thường — từ môi trường sống, các mối quan hệ, thói quen nhỏ — cũng có thể âm thầm ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động và cả tương lai của mỗi người. Làm sao có thể phát triển bản thân nếu cứ dung túng bản thân chấp nhận năng lượng thiếu tích cực, cuộc sống thiếu gọn gàng, tư duy thiếu định hướng, bản thân thiếu kiên định?

Từ những điều đó, em nhận ra rằng: việc phát triển bản thân không phải là một điều xa xôi, mà bắt đầu từ việc hiểu chính mình và biết cách chọn lọc những điều được xuất hiện trong cuộc sống mình. Đây là điều đã khiến em thay đổi trong hành trình cuộc sống của chính mình. Em bắt đầu học được cách sắp xếp lại cuộc sống, trò chuyện với bản thân nhiều hơn và đặt ra cho mình những mục tiêu để nỗ lực và trên hết, học cách để bản thân hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Đánh thức phiên bản tốt hơn cùng Thạc Sĩ Emma Tạ Uyên- Ảnh 2.

GIEO MẦM TRƯỞNG THÀNH QUA NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỊNH HƯỚNG CUỘC SỐNG:

Cô Emma - Bình oxy của em:

Ban đầu, em nghĩ mình chỉ có thể chia sẻ với cô những chuyện thật sự “to tát” hay nghiêm trọng. Những chuyện nhỏ nhặt, những cảm xúc vẩn vơ hay sự lạc lối tạm thời – em từng nghĩ chúng quá vụn vặt để được lắng nghe. Nhưng tiếp xúc với cô một thời gian, em nhận ra rằng với cô, không có nỗ lực nào là quá nhỏ, không có câu chuyện nào là không xứng đáng để được lắng nghe một cách trọn vẹn và đầy tôn trọng.

Với em, cô Emma Tạ Uyên không chỉ đơn thuần là một giảng viên – mà là một người hướng dẫn đáng tin cậy. Là người không chỉ sẵn sàng lắng nghe em mà còn răn dạy em để em phát triển hơn trong cuộc sống của mình. Những buổi chia sẻ, những dòng tin nhắn lại mở ra cho em cả một khoảng không gian để nhìn lại bản thân, sắp xếp lại cảm xúc, thậm chí là tự chữa lành những điều mà chính em cũng chưa kịp gọi tên.

Cô Emma Tạ Uyên, với em, giống như một “bình oxy” ấm áp giữa những ngày ngột ngạt vì áp lực. Cô mang theo tri thức, năng lượng, sự tử tế và cả một tinh thần cực kỳ nghiêm túc với việc giáo dục. Nhưng không phải kiểu nghiêm túc tạo áp lực – mà là nghiêm túc vì tin rằng chúng em xứng đáng được học tập và phát triển trong một môi trường chỉn chu, chất lượng nhất.

Những lời dạy của cô luôn rất thẳng thắn và thực tế – không màu mè, không tô hồng – nhưng lại chạm đến đúng điều em đang cần. Cô giúp em nhìn lại những giới hạn của chính mình, từ cách em điều chỉnh cảm xúc và hành động, cách em dùng từ ngữ, đến cả việc lựa chọn mục tiêu sống. Cô cũng cho em biết rằng, thay vì trông chờ vào các “tín hiệu vũ trụ”, các cách thức “manifest” suông thì hãy học cách điều chỉnh bản thân mỗi ngày, vì em chính là những gì em đang nghe, đang nhìn, đang cảm và đang làm mỗi ngày”. Chính những lời răn dạy của cô giúp em nhận ra: Trưởng thành không phải là việc có một kế hoạch hoàn hảo được viết suông trên giấy, mà là việc dám nhìn thẳng vào bản thân mỗi ngày.

Đánh thức phiên bản tốt hơn cùng Thạc Sĩ Emma Tạ Uyên- Ảnh 3.

 Nhật Minh


Emma Tạ Uyên