Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa, Móng vuốt - phim điện ảnh sinh tồn quái thú của đạo diễn Lê Thanh Sơn sẽ chính thức ra rạp. Đây là câu chuyện xoay quanh một nhóm bạn gồm 7 người lạc vào rừng sâu, không may bị một chú gấu tên là Mật tấn công. Cả nhóm phải tìm cách sinh tồn, cố gắng sống sót khi chạm trán với nhân vật phản diện đặc biệt này. Móng Vuốt tuy là dạng phim không mới với điện ảnh nước ngoài nhưng hoàn toàn là trào lưu mới lạ, lần đầu xuất hiện ở Việt Nam.
“Đứa con tinh thần" của đạo diễn Lê Thanh Sơn hứa hẹn mang đến cho khán giả các cảnh quay nghẹt thở khi ác thú xuất hiện và đe dọa cả nhóm bạn trong những tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Kể từ khi gấu Mật trình làng, nhiều tranh cãi trái chiều đã nổ ra, đa phần về phần kỹ xảo của nhân vật. Ê-kíp Móng Vuốt tiết lộ đã đầu tư kỹ lưỡng về mặt kỹ xảo CGI lẫn VFX, với riêng ngân sách CGI cho "phản diện chính" đã chiếm tới 30% tiền đầu tư.
Trước khi đi đến quyết định sử dụng mô hình gấu được làm từ kỹ xảo, phía ê-kíp Móng vuốt thực chất đã nghĩ đến cách thức "thủ công", tức là tạo nên nhân vật từ chất liệu có thật. Tổ thiết kế đã bắt tay may nên một bộ mascot gấu, và dự tính cho 1 diễn viên mặc lên mình để đóng vai phản diện. Tuy nhiên để đạt chiều cao của gấu hơn 2 mét thì người đóng giả phải cao hơn 1,8 mét, đồng thời bộ hóa trang phải dễ dàng chuyển đổi các tư thế ngồi, đi, đứng, di chuyển bằng 4 chân.
Do gặp nhiều trở ngại, ê-kíp Móng vuốt sau cùng đi đến quyết định sử dụng hiệu ứng hình ảnh. Đạo diễn Lê Thanh Sơn và ê-kíp đã mất nhiều tháng để tạo nên hình ảnh con gấu to lớn, hung tợn trên màn ảnh từ công nghệ tân tiến, đảm bảo sự tự nhiên, thân thuộc với khán giả từ hình dáng, bộ nanh, vuốt cho đến chuyển động khi rình hoặc săn mồi.
Theo số liệu thống kê toàn thế giới chỉ có 4 con gấu từng được làm có 1 bộ phận máy bên trong để điều khiển cơ mặt. Bộ suit lông gấu được may như thế nào, theo thiết kế của Úc hay Mỹ thì ê-kíp Móng vuốt đã phải tự tìm tòi nghiên cứu thông qua Internet. Đạo diễn Lê Thanh sơn cho biết đã phải gửi email hỏi ý kiến các chuyên gia về việc thực hiện kỹ xảo con gấu - kẻ phản diện chính của Móng vuốt để giúp diễn viên có một điểm nhìn và cảm hứng diễn xuất. Thế nhưng tất cả “bài toán” đó đều bể hết. “Đằng sau câu chuyện phức tạp khó khăn về mặt kỹ xảo, tôi hứa Móng Vuốt sẽ có những thăng hoa về mặt cảm xúc mà chúng ta sẽ ít khi gặp”, đạo diễn Lê Thanh Sơn khẳng định.
90% cảnh quay của Móng vuốt được bấm máy vào ban đêm. Cả ê-kíp đã phải nỗ lực để truyền đạt được đúng hành động của con gấu theo đúng kịch bản. CEO đơn vị phụ trách kỹ xảo cho Móng Vuốt chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm thể loại phim này. Con gấu là một trong những nhân vật chính, khác hẳn các dự án trước nên chúng tôi cần phải suy nghĩ khác đi. Chúng tôi phải thực sự quen thuộc với nhân vật bằng cách liên tục làm việc với đạo diễn. Điều này rất thú vị".
Nói về những khó khăn để “hô biến” Mật chân thật nhất, người giám sát hoạt hình phim Móng vuốt chia sẻ: “Vai trò của tôi là đảm bảo chất lượng của diễn hoạt mà chúng tôi đã làm với khách hàng. Gấu là 1 trong những nhân vật chính của bộ phim. Con gấu đôi khi mang 1 số cảm xúc mà nếu bạn làm điều đó quá nhanh có thể biến con gấu chẳng khác một con người hay nhân vật gấu hoạt hình có những biểu cảm ngạc nhiên, nổi điên.
Rõ ràng đó không phải là điều chúng tôi muốn. Chúng tôi muốn 1 cái gì đó thực tế. Gấu của Móng vuốt là 1 mô hình 3D, bên trong có bộ xương, gắn liền với bộ xương đó là lớp cơ bắp, trên cơ bắp là lớp da, trên lớp da sẽ có lớp lông. Chúng tôi không được tự do 100% để tạo hoạt ảnh cho con gấu như chúng tôi muốn mà cũng cần có những ràng buộc điều kiện để làm việc. Việc này rất khó, nhất là trong một số vấn đề mô phỏng”.
Ngoài việc ghi hình trong studio, ê-kíp Móng Vuốt còn có những cảnh quay trong rừng ở Thác Mai, Đồng Nai. “Có 2 bài toán đặt ra: có thể quay hoàn toàn ở studio cũng được, nhưng vào rừng quay để tạo cảm giác thật cho diễn viên khi bị nhốt trong chiếc xe giữa rừng”, đạo diễn Lê Thanh Sơn giải thích. Ê-kíp cũng rất có ý thức trong việc không xả rác hay chặt cây.
“Những cây mà chúng tôi dựng, tái tạo bằng nhiều kỹ thuật của thiết kế để có thể hòa vào bên trong tổng quan của bên đơn vị Thác Mai. Thứ chúng tôi dở duy nhất là lều xây ở chỗ đó để 100% thiên nhiên hóa khu vực, không có dấu ấn nào của con người. Rác hay rễ cây thiết kế quấn bằng dây cao su, phải chế biến, tô màu sao cho giống như thật mới đóng lên cây đó. Trong ngày premiere cây đó sẽ xuất hiện”, đạo diễn Lê Thanh Sơn “nhá hàng”.