Đào tạo nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động
Tình hình đào tạo nghề chất lượng cao tại Việt Nam
Nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Theo đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đòi hỏi cần có: Kiến thức chuyên môn; có kỹ năng, kỹ thuật, tìm và tự tạo việc làm, làm việc an toàn, làm việc hợp tác; có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm với công việc.
Khi chuyển dần sang nền kinh tế tri thức và trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định. Các lý thuyết tăng trưởng cũng đã chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: áp dụng công nghệ mới, phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tại Việt Nam hiện nay, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động ngày càng lớn đến công tác đào tạo nghề. Các nhân tố, như thị trường quốc tế rộng lớn và có tiêu chuẩn cao, sự dịch chuyển tự do của lao động có tay nghề trong khu vực, sự xuất hiện của nhiều ngành, nghề mới, tự động hóa nhiều công đoạn sản xuất... đã và đang tác động trực tiếp, đòi hỏi các giải pháp đột phá về đào tạo nghề.
Từ đổi mới khung pháp lý, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến đổi mới và hội nhập quốc tế về đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề và cả nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về lộ trình học nghề và cơ hội việc làm đối với nhân lực nghề.
Công tác đào tạo nghề chất lượng cao đã đạt được một số chuyển biến tích cực, có khoảng 75% số học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp; Số lượng tuyển sinh tăng hằng năm; Các trường đã tiếp nhận chuyển giao đào tạo trên 34 nghề trọng điểm quốc tế; Các chương trình đào tạo chất lượng cao đã có thời lượng đào tạo tại doanh nghiệp trên 30%, thời lượng thực hành đạt trên 50% chương trình...
Hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã quan tâm và trực tiếp tham gia đào tạo nghề, như Vingroup, Sungroup, FPT, Samsung, Mường Thanh, Thaco, FLC... Các dự án đầu tư có nhu cầu nhân lực chất lượng cao đã cơ bản được đáp ứng.
Cùng với đó, để đạt được hiệu quả đào tạo nghề chất lượng cao, trong khuôn khổ các dự án ODA, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với chuyên gia, các tổ chức quốc tế thí điểm xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận năng lực theo tiêu chuẩn của Pháp, Bỉ, Hàn Quốc; thí điểm đào tạo theo mô hình “đào tạo nghề kép” của Đức, Thụy Sỹ...
Đến nay, đã có khoảng hơn 400 chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được ban hành, đáp ứng cơ bản cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế và các ngành nghề phổ biến, làm căn cứ cho các cơ sở GDNN chỉnh sửa chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực người học và yêu cầu của thị trường lao động.
Do vậy, các chương trình đào tạo hiện nay đã được phát triển dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và chuẩn đầu ra. Cấu trúc chương trình đào tạo được xây dựng theo mô đun, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và thái độ nghề nghiệp..., đảm bảo sự liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo.
Nhiều cơ sở GDNN đã chủ động đổi mới phương pháp dạy và học, giảm thời gian lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề chất lượng cao.
Bên cạnh đó, đào tạo nghề chất lượng cao cũng đứng trước những thách thức. Theo đó, để hình thành các trường nghề, các cơ sở GDNN đào tạo chất lượng cao, cần phải có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hoàn chỉnh, trang thiết bị máy móc hiện đại và chương trình giảng dạy theo kịp sự phát triển của khoa học, kỹ thuật. Trên thực tế, đa số trường nghề còn thiếu những yếu tố này.
Ngoài ra, hệ thống cơ sở GDNN rất khó tuyển sinh đầu vào do việc phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề chưa được triển khai cụ thể; bản thân người học và xã hội chưa coi trọng việc học nghề. Đội ngũ giáo viên dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề chất lượng cao cần được quan tâm đúng mức cả về trình độ chuyên môn và các chế độ đãi ngộ. Mối liên kết đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ…
Định hướng đào tạo nghề chất lượng cao thích ứng nhanh với thị trường lao động
Để công tác đào tạo nghề chất lượng cao tại Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những khó khăn, thách thức, cần xác định các định hướng cơ bản trong thời gian tới. Cụ thể:
Một là , đổi mới đào tạo nghề chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo; tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo nghề; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; chuẩn hóa đào tạo nghề theo hướng hội nhập quốc tế; tạo sự đột phá về chất lượng nhân lực nghề. Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện thể chế cho đào tạo nghề phát triển. Trong đó, tập trung hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo nghề và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Hai là, phát triển hệ thống đào tạo nghề theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo để đáp ứng nhu cầu của cả người lao động và người sử dụng lao động; chú trọng kỹ năng nghề suốt đời nhằm nâng cao năng suất lao động. Đầu tư cho các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao và các ngành, nghề trọng điểm. Trong đó, chú trọng rà soát, sắp xếp các cơ sở đào tạo nghề công lập theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng tỷ lệ các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế.
Ba là, đổi mới đào tạo nghề, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và năng suất của nhân lực nghề. Gắn kết đào tạo nghề với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; chú trọng gắn kết đào tạo với đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về cơ hội và lộ trình học nghề, cơ hội việc làm...
Bốn là, đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên nghề chất lượng cao. Tập trung hỗ trợ đào tạo đội ngũ giáo viên nghề chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo giáo viên nghề; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo giáo viên nghề; khuyến khích, hỗ trợ hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề trong việc sử dụng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Nguyễn Thị Hải