Đào tạo từ xa – Tự học có hướng dẫn – Tại sao không?

Thứ ba, 12/05/2020 - 14:08

TNV - Thế kỷ XXI chứng kiến sự phát triển không ngừng của công nghệ giáo dục, nhiều phương thức giáo dục mới được đưa vào ứng dụng thực tiễn để đổi mới giáo dục và đào tạo.

Mô hình đào tạo từ xa E – Learning

Một trong những ứng dụng mới đó là: đưa E-LEARNING áp dụng vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng để phát huy tối đa hiệu quả của giáo dục – đào tạo, đưa phương thức giáo dục phi truyền thống vào áp dụng để khắc phục hạn chế của phương thức học tập truyền thống, đồng thời thay đổi mô hình quản trị nhà trường mà vẫn đảm bảo mục tiêu giảng dạy, đảm bảo chất lượng học tập.

Đào tạo trực tuyến thực chất là: sự ứng dụng công nghệ tin học và internet vào dạy và học tập nhằm làm cho việc tổ chức giáo dục trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Với sự tập hợp đa dạng các phương tiện, công nghệ kỹ thuật như văn bản, âm thanh, hình ảnh, thông qua một máy tính có kết nối mạng, người dạy và người học có thể giao tiếp với nhau dưới các hình thức như e-mail, thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum), hội thảo video…

Có hai hình thức giao tiếp giữa người dạy và người học: giao tiếp đồng bộ (Synchronous) và giao tiếp không đồng bộ (Asynchronous): Giao tiếp đồng bộ là hình thức giao tiếp trong đó có nhiều người truy cập mạng tại cùng một thời điểm và trao đổi thông tin trực tiếp với nhau như: thảo luận trực tuyến, hội thảo video…; Giao tiếp không đồng bộ là hình thức trong đó những người giao tiếp không nhất thiết phải truy cập mạng tại cùng một thời điểm, ví dụ như: các khoá tự học qua Internet, CD-ROM, e-mail, diễn đàn. Đặc trưng của kiểu học này là người học được tự do chọn lựa thời gian tham gia khoá học.

Th.s Nguyễn Hải Bằng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng tại Chung kết Cuộc thi Robocon lần thứ 3

Nhìn ra thế giới chúng ta thấy hình thức học trực tuyến rất phổ biến ở các nước có nền công nghệ phát triển, với nhiều môn học cũng như trung tâm đào tạo; tại Mỹ: Khoảng 80% trường ĐH sử dụng phương pháp đào tạo trực tuyến, có khoảng 35% các chứng chỉ trực tuyến được chính thức công nhận; tại Singapore: Khoảng 87% trường ĐH sử dụng phương pháp đào tạo trực tuyến; tại Hàn Quốc đến nay đã có 9 trường ĐH trực tuyến trên mạng.

Hiện nay có nhiều công ty lớn đầu tư vào đào tạo trực tuyến, nổi bật là các công ty như SAP, Click2Learn, Docent, Saba, IBM, Oracle, NTT, NEC. Năm 2002, thị trường này đã đạt 13,5 tỷ USD, năm 2006, Đào tạo trực tuyến đạt tới 100 tỷ USD. Người ta dự tính, đến năm 2010 Đào tạo trực tuyến trên toàn cầu đạt 500 tỷ USD. Ở các nước công nghiệp phát triển, điển hình là Mỹ, lĩnh vực này đang phát triển rất nhanh. Thị trường Đào tạo trực tuyến ở Mỹ đã đạt 10,3 tỷ USD vào năm 2002 và đạt 83,1 tỷ USD vào năm 2006. Tại châu Á, thị trường này tăng trưởng 25% mỗi năm (đạt 6,2 tỷ USD).

Trở lại với Việt Nam quan điểm và chính sách nhất quán của Đảng và Chính phủ luôn khẳng định rằng: giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu là một trong những ngành được ưu tiên cao nhất và được hưởng các nguồn đầu tư cao nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm tới. Với nỗ lực này, Việt Nam đã quyết định kết hợp công nghệ thông tin vào tất cả mọi cấp độ giáo dục nhằm đổi mới chất lượng học tập trong tất cả các môn học và trang bị cho lớp trẻ đầy đủ các công cụ và kỹ năng cho kỷ nguyên thông tin.

Những năm trước đây, website eLearning ở Việt Nam vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay và chúng thực sự chưa phải là những giải pháp eLearning tổng thể cũng như chưa tuân theo các chuẩn cho E - LEARNING trên thế giới do vậy chúng ta khó có thể chia sẻ tri thức cùng các nước khác trên thế giới, điển hình là một số website như sau: http://www.eLearning.com.vn (thuộc sở hữu của FPT và Englishtown, toàn bộ các nền tảng (platform) của hệ thống này dựa trên sản phẩm của Englishtown); http://www.cleverlear.com (thuộc sở hữu của công ty TNHH cleverlear), http://www.saigonctt.com (thuộc sở hữu của Trung tâm nghiên cứu công nghệ Kỹ thuật Sài Gòn - saigon CTT); http://www.truongthi.com.vn và http://www.khoabang.com.vn cho luyện thi đại học.

Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại được lựa chọn tham gia đào tạo
thí điểm theo 22 bộ chương trình đã chuyển giao từ Cộng hòa Liên Bang Đức.

Trong thời gian qua, tại Việt Nam, đào tạo trực tuyến đã hình thành và phát triển mạnh tại các trường đại học như: Đại học Bách khoa, Đại học sư phạm Hồ Chí Minh, đại học Huế, Đại học Ngoại thương... với đối tượng đào tạo chủ yếu trong mô hình đào tạo trực tuyến trên là: học sinh, người học và các tầng lớp trí thức.

Việc tiếp tục phát triển, mở rộng hơn nữa hình thức đào tạo trực tuyến cho khối cơ quan nhà nước trong thời gian tới sẽ là một công cụ hữu hiệu cho tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả quán lý nhà nước của Chính phủ.

Nắm bắt xu thế của công nghệ giáo dục tiên tiến BGH trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại đã mạnh dạn đi tắt đón đầu ứng dụng nhanh E - LEARNING vào giảng dạy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn: học mọi lúc mọi nơi của nhiều đối tượng người học, nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra một công cụ giáo dục mới làm thay đổi căn bản các mô hình đào tạo mà nhà trường đang triển khai. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nhìn thấy rất rõ ưu điểm của và sự khác biệt giữa đào tạo truyền thống so với đào tạo trực tuyến đó là:

BẢNG SO SÁNH ĐÀO TẠO TRUYỀN THỐNG VÀ ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN

Chức  năng

Đào tạo truyền thống

Đào tạo trực tuyến

ĐĂNG KÝ HỌC

Đăng ký tập trung ở một điểm

Đăng ký ở bất kỳ đâu

CHỌN LỚP HỌC& KHÓA HỌC

Mất thời gian đăng ký

Khó tổng hợp

Chỉ cần nhấn chuột một lần

Hệ thống tự động tổng hợp

THAM GIA ĐÀO TẠO

Mời giảng viên giảng dạy nhiều lần

Học một lần

Thời gian bài giảng hạn chế

Xây dựng nội dung một lần

Học nhiều lần

Thời gian bài giảng không hạn chế

THAM GIA THI CHUẨN HÓA KIẾN THỨC

Tốn kém giấy tờ

Mất nhiều công chấm bài

Hệ thống tự động chấm bài và đưa ra kết quả chi tiết

CHIA SẺ VÀ QUẢN LÝ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu không tập trung

Không được chuẩn hóa

Tài liệu tập trung cho toàn thể nhân viên

TRAO ĐỔI CHUYÊN MÔN

Quy mô nhỏ & ít người tham gia

Chủ đề giới hạn

Với forum, không giới hạn số người tham gia và phạm vi doanh nghiệp

Chủ đề đa dạng

QUẢN LÝ LỚP HỌC

Giới hạn ở quy mô lớp học nhỏ

Không thể quản lý tự động được

Không giới hạn quy mô lớp học

Hệ thống quản lý bán tự động, hỗ trợ người quản lý đến mức tối đa

QUẢN LÝ

BÀI GIẢNG

Khó khăn hệ thống và sắp xếp logic cả các tài liệu học lẫn kho đề thi

Phần mềm quản lý bài giảng, kho đề logic theo từng chuyên mục nên dễ dàng sử dụng và tìm kiếm

THEO DÕI HỌC TẬP

Khó theo dõi tiến độ học tập của từng người học

Phải lập bản thống kê bằng tay

Dễ dàng theo dõi tiến độ học tập của từng người học

Bản thống kê được phần mềm làm tự động ở nhiều mức độ từ đơn giản đến phức tạp

Nhận thức được việc phải áp dụng nhanh E – LEARNING vào giảng dạy và học tập, BGH nhà trường đã nhanh chóng hiện thực hóa quyết tâm đó thông qua việc kí với DES – công ty cung ứng dịch vụ đào tạo trực tuyến hàng đầu để có được giải pháp đào tạo hiệu quả. Bắt tay vào triển khai, vấn đề đặt ra có nhiều bài toán để lựa chọn nhưng COIT và DES lựa chọn những giải pháp có giá trị tổng thể và hiệu quả lâu bền. Có rất nhiều giải pháp công nghệ nhưng COIT mong muốn không chỉ tạo ra một phân hệ chức năng mà sẽ cung cấp cả một tổng thể giải pháp, đó là một sự lựa chọn hướng đi khác biệt tạo nên một trường học 4.0 mang tên "DIGITAL UNI": Không chỉ là 1 phòng học trực tuyến mà là cả 1 giảng đường trực tuyến; Không chỉ là 1 buổi thảo luận online mà là cả 1 hệ thống môn học số hóa chuẩn E - LEARNING; Không chỉ là 1 lớp học mà sự liên thông: Lớp học - Tổ bộ môn - Phòng Khoa - Ban Giám hiệu - Chuyên ngành - Năm học - Kỳ học...; Không chỉ là tương tác nhóm mà là cả một hệ sinh thái: giảng viên - giảng viên, giảng viên - sinh viên, sinh viên - sinh viên, giảng viên - nhà trường, nhà trường - sinh viên....; Không chỉ là học tập mà còn là tự học, tự đánh giá, thi cử trực tuyến, kho bài giảng phong phú, học không giới hạn thời gian, ở bất cứ đâu; Không chỉ đào tạo mà còn giám sát đào tạo, theo dõi tiến trình hoạt động của cả giảng viên và sinh viên, lưu trữ hồ sơ suốt quá trình học...

DES sẽ đồng hành cùng COIT trong một Giải pháp tổng thể "DIGITAL UNI" đảm bảo: Hệ thống độc lập và toàn diện; Sở hữu và quản lý kho dữ liệu riêng biệt; Đảm bảo chất lượng giáo dục; Bảo mật thông tin và xây dựng thương hiệu.

Với sự quyết tâm , nhất trí cao của tập thể Đảng ủy – BGH nhà trường, sự háo hức trải nghiệm công nghệ giáo dục mới mẻ của giảng viên và sinh viên, chúng ta tin rằng dự án áp dụng  E – LEARNING vào giảng dạy và học tập tại trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại bắt đầu với lớp Cao đẳng phiên dịch tiếng Nhật kinh tế thương mại sẽ thu lượm được thành công đầu tiên và trên cơ sở này sẽ áp dụng đồng bộ ở các khoa với những chuyên ngành đào tạo khác nhau. Và mục tiêu cuối cùng là vì một COIT: đổi mới, đoàn kết, phát triển bền vững.

Th.s Nguyễn Hải Bằng  Phó Bí thư Đảng ủy,  Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại