Đảo xanh nơi tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc

Thứ sáu, 20/05/2016 - 16:02

Mấy năm trở lại đây và nhất là từ khi có điện lưới quốc gia, diện mạo huyện đảo Cô Tô đang từng ngày đổi mới; dáng dấp về một huyện đảo xanh, đô thị sinh thái biển văn minh hiện đại đang từng ngày vươn mình hiện hữu rõ nét ở vùng biển tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc.

Dịch vụ và du lịch phát triển nhanh chóng

Huyện Cô Tô là một quần đảo với gần năm mươi đảo lớn nhỏ, trong đó có ba đảo lớn: đảo Cô Tô, đảo Thanh Lân và đảo Trần. Đảo Cô Tô cách đất liền khoảng 60 hải lý, gần ngư trường khai thác hải sản lớn của cả nước; Đảo Trần nằm ở vị trí Đông Bắc của huyện, cách khu kinh tế mở Móng Cái khoảng 35 km, nằm trong khu vực cửa khẩu, cách đường hàng hải quốc tế Hải Phòng - Bắc Hải 30 km.

Ở vị trí tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, huyện đảo Cô Tô có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa và phát triển dịch vụ cứu hộ cứu nạn trên biển cũng như kết nối tuyến du lịch, giải trí Hạ Long - Cửa Ông - Vân Đồn – Cô Tô. Đồng thời quần đảo Cô Tô còn có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng.

Để trở thành đô thị sinh thái biển, huyện đảo xanh , huyện Cô Tô đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới, cơ cấu kinh tế dần dịch chuyển theo hướng dịch vụ du lịch, tăng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với ngành nông nghiệp, khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, chế biến thủy hải sản và các dịch vụ hậu cần nghề biển.

Tàu Quang Minh đưa khách ra thăm đảo.

Nhiều hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả của nhân dân trên đảo được hình thành và phát triển. Đó là mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết: khai thác - nuôi trồng - chế biến - tiêu thụ (sản xuất sứa tại xã Thanh Lân) và tham gia cung ứng các dịch vụ trên biển như: nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm... tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày, giảm thiểu các chi phí.

Mô hình du lịch cộng đồng được khuyến khích và hỗ trợ phát triển; huyện đã  khuyến khích nhân dân tham gia đón khách du lịch về nghỉ ngơi và tham gia sinh hoạt, trải nghiệm cuộc sống ngay tại các gia đình. Hiện nay ở Cô Tô có trên 1.000 phòng ở theo mô hình homestay, góp phần thu hút khách du lịch ra đảo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu trên đảo của nông dân Vũ Văn Hữu ở thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến.

Dịch vụ - du lịch của huyện Cô Tô đang hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu cùng với phát triển kinh tế biển, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đã 5 năm liền huyện Cô Tô duy trì tổ chức "Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cô Tô" từ 28/4 đến 09/5 hàng năm nhằm quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch cũng như về mảnh đất, con người vùng biển đảo Cô Tô.

Theo đó, lượng du khách đến đảo không ngừng gia tăng. Năm 2010 có 3.500 lượt khách du lịch ra đảo, năm 2015 đạt trên 180.000 lượt tăng trên 50 lần so với năm 2010. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011 - 2015 đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng/năm, đã giải quyết cho trên 30% lao động của huyện trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động dịch vụ, du lịch.

Mấy năm gần đây, Cô Tô nổi lên là một điểm du lịch khá mới mẻ, hấp dẫn, hoang sơ và thu hút rất nhiều khách du lịch đến thăm quan, nghỉ mát; nhưng do các điểm du lịch còn nhỏ lẻ, chưa chuyên nghiệp và đồng bộ…nên chưa giữ được chân khách dài ngày và bền vững.

Thiên nhiên hoang sơ, trong lành được giữ gìn và cải thiện

Trong bối cảnh cơ cấu sản xuất đang có sự chuyển dịch nhanh chóng với sự phát triển vượt bậc của du lịch, chính quyền huyện Cô Tô luôn chú ý gìn giữ và cải thiện môi trường thiên nhiên hoang sơ và trong lành – lực hút du khách ra với đảo.

Thiên nhiên hoang sơ và trong lành…

 Hàng năm, huyện Cô Tô đều tổ chức tốt lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (05/6), Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01 - 08/6); tuyên truyền, vận động có hiệu quả tới đông đảo sinh viên các trường đại học và tuổi trẻ trong và ngoài tỉnh tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương”.

Ngoài ra, nhiều dự án góp phần cải thiện môi trường sống của người dân đã triển khai, như hệ thống kè chống sạt lở từ cảng đến tượng đài Bác Hồ, kè chống sói lở khu dân cư thôn 2, kè chống sói lở bảo vệ khu dân cư và đường xuyên đảo xã Thanh Lân; dự án sửa chữa, nâng cấp và xây mới một số cụm hồ chứa nước như hồ chứa nước Bắc Vàn, hồ ông Nội, hồ C22, hồ C21, hồ chứa nước Bà Gừng, hồ Hải Tiến, hồ Trường Xuân (xã Đồng Tiến), hồ chứa nước Chiến Thắng, hồ Bạch vân (xã Thanh Lân); đảm bảo đủ nước cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và khách ra thăm đảo.

Các cơ sở chế biến thuỷ, hải sản phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải để thu gom vào một hệ thống xử lý chung trước khi thải ra môi trường…Việc thu gom xử lý rác thải đang được triển khai tích cực, một khu xử lý rác thải tập trung công nghệ lò đốt rác Model EST-100S đang được tiến hành xây dựng. Công tác dọn vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn được duy trì thường xuyên đảm bảo thu gom lượng rác thải hằng ngày đạt trên 90%; tăng cường công tác thu gom rác thải vào những tháng du lịch cao điểm.

Với tỷ lệ che phủ rừng đạt 59%, bình quân đất cây xanh toàn đô thị là 14,95 m2/người , huyện đảo Cô Tô là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về độ che phủ rừng – lá phổi xanh thiết yếu cho sự sống con người. Cô Tô có hệ sinh thái rừng đa dạng và thảm thực vật phong phú; 100% rừng ở đây là rừng phòng hộ, chủ yếu là cây thông nhựa cây và chõi. Chõi là loài cây hiếm và đặc thù, được phân bố chủ yếu ở Cô Tô. Theo suy đoán của nhiều người dân, chõi là cây nước mặn đã tiến hóa lên cạn.

Đô thị sinh thái biển, điểm tựa vươn khơi của bà con ngư dân vùng biển Đông Bắc

Để trở thành đô thị sinh thái biển văn minh, hiện đại, điểm tựa vươn khơi của bà con ngư dân vùng biển Đông Bắc, huyện Cô Tô đang đẩy mạnh việc hoàn thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ; đầu tư nâng cấp các cảng cá, trung tâm thương mại, bến cập tàu, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tại các đảo Cô Tô, Thanh Lân và đảo Trần cùng các công trình lịch sử văn hóa để đưa vào khai thác; ổn định diện tích vùng nuôi và tập trung phát triển các hình thức nuôi trồng thủy sản như hải sâm, ốc hương, bào ngư,..

Đồng thời duy trì và phát triển sản phẩm đã xây dựng thương hiệu như mực một nắng, cá duội ; phát triển một số sản phẩm khác là lợi thế của địa phương như gà Đồng Tiến, sứa ăn liền, khoai lang tím, cam Thanh Lân. Đặc biệt, Cô Tô còn nổi tiếng với các loài san hô đẹp và quý hiếm, là mối quan tâm hàng đầu của những hoạt động du lịch nghiên cứu và khám phá của những nhà khoa học và du khách.

Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch. Tu bổ hệ thống kênh mương, hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu; triển khai thực hiện cơ cấu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; xây dựng các vùng chuyên canh, chuyển dịch diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu theo hướng “nông nghiệp sạch”, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tiên tiến.

Nhận rõ hạn chế của chất lượng nguồn nhân lực và văn hóa, văn minh du lịch, huyện Cô Tô đã liên kết với trường nghề mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý du lịch, lễ tân, quầy bar, buồng, ngoại ngữ, hướng dẫn viên; phấn đấu đến hết năm 2016 có 100% nhân viên các nhà nghỉ, nhà hàng có trình độ nghiệp vụ du lịch từ sơ cấp trở lên; năm 2018 cơ bản các nhà nghỉ, nhà hàng có nhân viên được đào tạo nghề, có trình độ ngoại ngữ đủ điều kiện giao tiếp với người nước ngoài; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch; từng bước nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, xây dựng thương hiệu du lịch Cô Tô.

Khách sạn Thái Hà – một trong số khách sạn đẹp nhất đảo cô Tô – trong đợt mưa bão
năm 2015 đã nấu cơm miễn phí mời hơn 700 du khách bị mắc kẹt trên đảo

Xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, ẩm thực, văn hóa tâm linh có bản sắc riêng độc đáo như khôi phục các làn điệu dân ca vùng biển, dịch vụ lặn biển khám phá đại dương; tổ chức các cuộc thi nấu ăn, các giải bơi trải, lướt ván ; liên kết phát triển các tour du lịch, tháo gỡ thủ tục cho người nước ngoài; đưa giá trị tăng thêm mỗi năm của ngành dịch vụ, du lịch 15% - 20%; đến năm 2020 đón 200.000 lượt khách du lịch, tỷ trọng chiếm 40% - 45% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Xây dựng các công trình lịch sử văn hóa như: khu di tích trận đánh Đồn cao Đại đội Ký con, Chùa Cô Tô, hệ thống khuôn viên cây xanh khu Quảng trường và di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, chỉnh trang khu nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa vào phục vụ người dân và khách du lịch.

Đầu tư xây dựng tuyến đường xuyên đảo Cô Tô, cầu cảng du lịch, sân bay trực thăng, các bến cảng đưa đón khách đi tham quan đảo Cô Tô con và các đảo khác. Thu hút các nhà đầu tư có năng lực đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi và bãi tắm đạt chuẩn, nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng cơ sở thiết yếu, quy mô lớn mang tính chiến lược đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

Một ngày trước ngày hội bầu cử Quốc hội khóa XIV (22/5/2016) và trước đó 3 tuần (30/4/2016) Cô Tô Hotel Group và Hoàng Trung Hotel là hai khách sạn đầu tiên và lớn nhất trên đảo tương đương tiêu chuẩn 3 sao đã được đưa vào đón khách du lịch. Mấy năm trở lại đây và nhất là từ khi có điện lưới quốc gia, diện mạo huyện đảo Cô Tô đang từng ngày đổi mới; dáng dấp về một huyện đảo xanh, đô thị sinh thái biển văn minh hiện đại đang từng ngày vươn mình hiện hữu rõ nét ở vùng biển tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc

Bia tưởng niệm nơi Bác Hồ ra thăm cánh đồng muối của bà con trên đảo ngày 9/5/1956.

 

Nhờ có Bộ đội biên phòng Cô Tô thường xuyên thăm hỏi, động viên, bà con ngư dân càng thêm yên tâm bám biển.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh