“Ngày và đêm, đen và trắng”
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, cách đối phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu của Tổng thống Trump thường là tweet trước, đặt câu hỏi sau. Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông được cho là đã cô lập Mỹ trên trường quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội cho những kẻ thù Nga và Trung Quốc.
Ông Joe Biden. Ảnh: Reuters
Chính sách đối ngoại của ông Joe Biden sẽ phá vỡ phong cách lãnh đạo "bất quy tắc" này của Tổng thống Trump song theo các nhà ngoại giao kỳ cựu và các chuyên gia về chính sách đối ngoại, hầu như không có điều gì đảm bảo hướng tiếp cận trái ngược của ông Biden sẽ đem lại thành công.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, ông H.R. McMaster nhận định với CNN hôm 24/11 rằng các đồng minh của Mỹ cảm thấy bị "xúc phạm" dưới thời Tổng thống Trump đang "thở phào nhẹ nhõm" về những thay đổi dưới thời ông Biden. Dù vậy, ông McMaster nhấn mạnh, ông Biden "vẫn còn rất nhiều việc phải làm" để vượt qua một loạt những thách thức cam go.
Aaron David Miller, một cựu quan chức ngoại giao hiện là học giả cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định với Business Insider rằng, sự khác biệt giữa ông Trump và ông Biden giống như "ngày và đêm, đen và trắng".
"Sẽ có những thông điệp về sự kiểm soát và các hình phạt. Chúng ta sẽ không còn thấy những dòng tweet hàng ngày và đôi khi là hàng giờ về những vấn đề chính sách đối ngoại nhạy cảm nữa", ông Miller cho biết, đồng thời đánh giá, Mỹ sẽ thực dụng hơn khi cân nhắc đến các quan điểm trong quá trình ra quyết định. Dù vậy, nhà quan sát này cũng thận trọng cho rằng "sự thông thạo và kinh nghiệm" ở Washington dưới thời ông Biden không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ nhận được những kết quả tích cực về đối ngoại.
"Bóng" vẫn ở "sân" của Trung Quốc
Ngoài việc phải đối phó với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nước - trong đó đại dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu, ông Biden còn ở trong khoảng thời gian Mỹ - Trung đang trên bờ vực của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, Trung Quốc sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu của ông Biden, Heather Heldman, đối tác của công ty tư vấn Luminae Group, đồng thời là cựu cố vấn thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá.
Là một phần trong chính sách "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc tiến hành các hoạt động thương mại bất bình đẳng và phát động cuộc chiến thương mại để giải quyết sự mất cân bằng này. Ông Trump cũng nhắm tới ngành công nghệ của Trung Quốc, đồng thời đổ lỗi cho Bắc Kinh về đại dịch Covid-19.
Đáp lại, Trung Quốc ngày càng củng cố giọng điệu chống Mỹ và mặc dù Bắc Kinh vẫn tiếp tục vấp phải sự chỉ trích từ một số quốc gia về một số vấn đề nhưng nước này vẫn có thể mở rộng ảnh hưởng toàn cầu theo các cách khác nhau.
Ông Heldman bày tỏ hy vọng, chính quyền ông Biden sẽ "công nhận rằng bản chất và đánh giá chung về Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump những năm gần đây là điều đáng chú ý".
Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung của Hội nghiên cứu châu Á cũng đồng quan điểm.
"Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc là không công bằng, đó không phải là sự ‘có đi có lại’ trong các vấn đề như công nghệ, thương mại, truyền thông", nhà phân tích Schell nhận định. Ông cũng cho rằng một trong những câu hỏi lớn nhất của chính quyền ông Biden là những động lực để Trung Quốc sẵn sàng tái định hình quan hệ với Mỹ.
Nói cách khác, "bóng" đang ở trên "sân" của Trung Quốc.
"Một trong những sai lầm lớn khi đánh giá về mối quan hệ Mỹ - Trung là mọi người đều chỉ chú ý đến ông Biden mà quên rằng bất kỳ mối quan hệ song phương nào cũng cần nhìn từ hai phía", ông Schell đánh giá.
"Nếu không có sự thay đổi trong quan điểm ngoại giao chiến lang và các chính sách ngày càng quyết đoán hơn của Trung Quốc, sẽ rất khó để thay đổi đáng kể mối quan hệ này mặc dù ông Biden là một người có chiến lược ngoại giao nhất quán hơn. Nói một cách đơn giản, mối quan hệ này không chỉ được định hình lại bởi ông Biden".
Cây gậy và củ cà rốt với Nga
Ông Joe Biden đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc xây dựng lại niềm tin vào nước Mỹ sau 4 năm Tổng thống Trump rút khỏi các thỏa thuận quốc tế và xa cách các đồng minh.
Khi trở thành Tổng thống, ông Biden được cho là sẽ đảo ngược các chính sách của ông Trump, từ việc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 cho tới tham gia lại thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu hay tái thiết lập quan hệ giữa Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Về vấn đề Iran, các chuyên gia cảnh báo, việc quay trở lại thỏa thuận nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra cần đến những chiến thuật ngoại giao khéo léo để hoàn thành.
"Chính trị trong nước ở cả 2 quốc gia và những tính toán khu vực sẽ khiến việc quay trở lại thỏa thuận ngay lập tức dường như trở nên khó khăn hơn. Quay lại JCPOA có thể phải trả bằng một cái giá đắt", Henry Rome, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group cho biết trong một bài bình luận trên Washington Post.
JCPOA không phải mối quan tâm phổ biến với đảng Cộng hòa trong Quốc hội, vốn là lý do giúp Tổng thống Trump thúc đẩy việc rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018. Nếu ông Biden chấm dứt trừng phạt kinh tế với Iran, ông có thể đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Động thái này cũng có thể làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ với Israel và Saudi Arabia, cả hai nước đều coi Iran là mối đe dọa và nhìn nhận Washington như một lực lượng để cân bằng và đối phó với Tehran.
Về phía Nga, ông Biden đã cho thấy ông sẽ tiến hành một hướng tiếp cận cứng rắn hơn so với ông Trump.
Nhà quan sát Heldman chỉ ra rằng vị trí Ngoại trưởng Mỹ đã được ông Biden giao cho ông Antony Blinken, vốn là người "rất có kinh nghiệm" và có "con mắt tinh tường" khi đối phó với Nga.
"Ông ấy sẽ tiếp cận mối quan hệ này với một sự hoài nghi lớn hơn và giàu kinh nghiệm hơn so với chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden cũng sẽ tập trung việc thúc đẩy những vấn đề mà 2 bên có sự nhất quán và hợp tác được. Do đó, tôi cho rằng, hướng tiếp cận của họ với Nga cũng giống như sự kết hợp giữa cây gậy và củ cà rốt", ông Heldman đánh giá.
Nhìn chung, “từ Iran, Syria, những điều cần làm với mối quan hệ đang rơi tự do với Trung Quốc hay một số vấn đề khó nhằn trong quan hệ với Nga, dự đoán về đại dịch tiếp theo cho tới quan hệ giữa thế giới Arab và Israel, không có một câu trả lời rõ ràng nào cho từng vấn đề kể trên", chuyên gia Miller cho hay.
Nội các mới với những nhà ngoại giao kỳ cựu
Để đối phó với các vấn đề về chính sách đối ngoại, ông Biden đã lên danh sách một đội ngũ gồm các quan chức và các cựu quan chức ngoại giao khác nhau từng làm việc dưới thời Tổng thống Obama.
Ông Joe Biden đã giới thiệu các thành viên chủ chốt trong Nội các và đội ngũ an ninh quốc gia trong một sự kiện ở Wilmington, Delaware chiều 24/11 với tuyên bố: "Nước Mỹ sẽ trở lại".
Ngoài việc chọn ông Blinken trở thành Ngoại trưởng, ông Biden còn chọn ông Jake Sullivan cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, bà Linda Thomas-Greenfield cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Avril Haines cho vị trí giám đốc tình báo quốc gia và ông John Kerry cho vị trí đặc phái viên về biến đổi khí hậu.
Ở tuổi 43, ông Sullivan sẽ là một cố vấn an ninh quốc gia trẻ nhất trong hàng thập kỷ qua. Ông Sullivan đã đóng vai trò đáng kể trong các cuộc đàm phán dẫn đến thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, cũng như từng là cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden khi ứng viên đảng Dân chủ là Phó Tổng thống.
Trong khi đó, bà Thomas-Greenfield là một quan chức ngoại giao kỳ cựu với hàng chục năm kinh nghiệm. Nicholas Burns, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO đã gọi bà Thomas-Greenfield là một người được "ngưỡng mộ rộng rãi và được tôn trọng trong Cơ quan Ngoại giao", cũng như là người "sẽ giúp hỗ trợ làm mới chính sách ngoại giao của nước Mỹ".
Quyết định của ông Biden khi đưa ông John Kerry trở thành một đặc phái viên về biến đổi khí hậu đã cho thấy sự quan tâm của chính quyền ông đối với các kế hoạch ứng phó với vấn đề này. Ngoài việc từng là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, ông Kerry còn là một người ủng hộ mạnh mẽ việc cắt giảm khí thải carbon và sử dụng năng lượng có thể tái tạo nhằm ngăn chặn những tác động của sự ấm lên toàn cầu.
Thượng nghị sĩ Angus King làm việc trong Ủy ban Tình báo Thượng viện cũng khen ngợi việc ông Biden bổ nhiệm bà Haines là Giám đốc Tình báo quốc gia. Thượng nghị sĩ này cho rằng bà Haines là một người "thông minh, làm việc chuyên nghiệp khi sẵn sàng lên tiếng về mức độ nguy hiểm của việc chính trị hóa công việc của cộng đồng tình báo.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Colin Powell, một thành viên đảng Cộng hòa cho biết ông rất "vui mừng" khi ông Blinken được ông Biden lựa chọn cho vị trí này.
Ông Powell đã gọi ông Blinken là "một nhà ngoại giao có khả năng cân bằng các vấn đề với danh tiếng tuyệt vời", người sẽ "đại diện cho nước Mỹ bằng các kỹ năng và sự chuyên nghiệp".
Ông Heldman cũng nhận định: "Ông Blinken đảm nhiệm vị trí này với nhiều sự chuẩn bị và kinh nghiệm. Ông ấy sẽ rất được tôn trọng trong Bộ Ngoại giao. Đó là người mà tôi hoàn toàn mong ông Biden lựa chọn"./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: Business Insider