TNV - Trong khi cả hệ thống chính trị và mọi người dân đang ra sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại đưa ra những luận điệu hết sức sai trái, ngụy tạo để xuyên tạc, kích động.
Họ ra sức bóp méo các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta xung quanh vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Số tổ chức, đối tượng phản động, cơ hội chính trị đã tự gán cái mác “học giả”, “nhà phản biển” hay nhân danh “những người Việt Nam yêu nước” để đả phá, họ cho rằng mọi đường lối, chính sách về biển hiện nay đã “lỗi thời” , “không còn phù hợp” , từ đó hô hoán rằng Việt Nam sẽ “không giữ được chủ quyền biển, đảo” . Mặt khác, trước những diễn biến phức tạp, căng thẳng tại Biển Đông trong đó có các hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền biển, đảo của một số nước các tổ chức, đối tượng phản động vu cáo như: “Chính quyền Việt Nam nhu nhược, hèn nhát” , “Chính quyền Việt Nam làm ngơ về Biển Đông” .
Các thế lực thù địch còn tiến hành phỏng vấn số đối tượng chống đối, bất mãn gắn với cái mác là các “chuyên gia” , “nhà hoạch đinh” để đưa ra những đánh giá khập khiễng, sai lệch về năng lực, khả năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, kích động việc “sử dụng vũ lực” của lực lượng vũ trang trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Những thủ đoạn mà các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo tuy không mới nhưng được lặp đi lặp lại nhiều lần theo kiểu thẩm thấu dần dần, từ ngoài vào trong, mặt khác, dưới danh nghĩa “đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, nhân danh các “nhà yêu nước” hay thông qua các hoạt động “hướng về biển, đảo” họ đã hô hoán, tán dương, kích động cho lối yêu nước “cực đoan”, “mù quáng”; đối tượng các thế lực thù địch hướng đến để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc là các tầng lớp nhân dân, nhưng trọng tâm, trọng điểm là giới trẻ. Bởi, đây là lực lượng nhạy bén với cái mới, lực lượng lao động chủ yếu của xã hội cũng như là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tuy nhiên do sự trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều, chiều sâu trong nhìn nhận, phân tích, đánh giá các vấn đề thời sự chính trị, xã hội còn hạn chế nên dễ trở thành đối tượng trọng tâm, “con bài” trong các hoạt động chống phá sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở nước ta hiện nay.
Âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc chính sách quốc phòng “4 không”, phủ nhận những nỗ lực và kết quả mà toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân đạt được trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Mặt khác, họ kích động một bộ phận nhân dân biểu tình, tuần hành gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, từ đó tác động tiêu cực tới nhận thức, tư tưởng, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Mưu đồ sâu xa của các thế lực là thông qua vấn đề biển, đảo để chống phá chế độ, gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện “diễn biến hòa bình”; chia rẽ quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước có liên quan, làm cho Việt Nam rơi vào tình trạng đối đầu, bị cô lập hoặc là lệ thuộc vào nước ngoài.
Hiện nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, biển đảo và kinh tế biển càng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Biển, đảo Việt Nam có vị trí địa lý kinh tế quan trọng, nằm án ngữ tuyến đường hảng hải và hàng không huyết mạch của thế giới và các nước trong khu vực. Vận tải biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, khai thác khoáng sản, chế biến dầu khí và điện lực, phát triển du lịch và dịch vụ biển, công nghệ thông tin cáp quang,… là những lợi thế, nội lực quan trọng cho đất nước ta tiến về tương lai mà nhiều quốc gia không có được. Bên cạnh đó, biển, đảo Việt Nam có vị trí, vai trò trọng yếu về quốc phòng - an ninh; hình thành phên giậu, pháo đài, chiến lũy nhiều tầng, lớp, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn vững chắc bảo vệ Tổ quốc.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã thấy rõ tầm quan trọng, vị trí, vai trò của biển, đảo và động viên mọi người ra sức bảo vệ. Ngày 15-3-1961, nhân dịp đến thăm Bộ đội Hải quân lần thứ hai, Người chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Theo đó, bảo vệ biển, đảo chính là bảo vệ một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển, đảo sẽ góp phần giữ vững chủ quyền của đất nước. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là điều kiện, nội dung giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Trước yêu cầu của tình hình mới hiện nay, Đảng ta thể hiện rõ quan điểm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” [1] . Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc. Kiên quyết thể hiện quyết tâm dứt khoát, sự đồng thuận cao hơn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước; kiên quyết giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc, bảo vệ đến cùng lợi ích quốc gia - dân tộc, với quyết tâm cao nhất. Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, kiên trì hợp tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bảo vệ lợi ích chính đáng của ta, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Việt Nam luôn nỗ lực ra sức duy trì hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982. Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển tại các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước. Khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử chủ quyền đối với cả Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam được xác lập.
Đảng, Nhà nước ta và các tầng lớp nhân dân đang ra sức thực hiện việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là tại địa bàn chiến lược, vùng đặc biện khó khăn, biên giới, hải đảo. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tư tưởng này được hình thành dựa trên kinh nghiệm quốc tế, dự báo tình hình trong nước và trên thế giới, thực tiễn Việt Nam và phù hợp với xu thế thời đại. Các thành tựu ta đạt được trong thời gian qua đã cho thấy sự vận dụng đúng đắn quan điểm, đường lối của Đảng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tiếp nối truyền thống và trách nhiệm đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Mục tiêu mà Đảng ta luôn hướng tới trong giải quyết các tranh chấp trên vùng biển, đảo là duy trì khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển. Chủ quyền quốc gia là không thể từ bỏ và đây cũng là nguyên tắc bất di, bất dịch trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Thực tế cho thấy, mỗi khi chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng các biện pháp hòa bình, đó là thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao. Điều này đã được nêu rõ trong các Nghị quyết của Đảng và được chứng minh qua việc giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam, với tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Có thể khẳng định, những quan điểm, chủ trương, đối sách của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề Biển Đông là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Những quan điểm trên chính là căn cứ chính trị, pháp lý quan trọng để chúng ta cần kiên trì, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Mục đích của việc đấu tranh này là làm cho nhân dân Việt Nam hiểu rõ về lập trường, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền là nhất quán và đều vì lợi ích của dân tộc và nhân dân Việt Nam; đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay; từ đó góp phần làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên khu vực Biển Đông, qua đó tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thanh niên cần tỉnh táo, sáng suốt, biết chắt lọc thông tin, kiên quyết đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, những thông tin, luận điệu phản động, vu cáo, bịa đặt của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; nâng cao trách nhiệm công dân, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.157.
Bùi Minh Phúc - Đại học Công nghiệp Hà Nội