Đầu xuân trẩy hội Gầu Tào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu

Chủ nhật, 18/02/2024 - 16:15

TNV - Lễ hội Gầu Tào (Tsang Hâur Tox) dân tộc Mông huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái được tổ chức vào sáng ngày 18/2/2024 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024). Dọc con đường dài gần 40km từ thị xã Nghĩa Lộ vào trung tâm huyện Trạm Tấu chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn khách từ Hà Nội, Tuyên Quang, Thái Bình, Sơn La… cắm cờ đuôi nheo trên xe máy tấp nập nối đuôi nhau về Trạm Tấu trẩy hội.

Lễ hội Gầu Tào – nét đẹp văn hóa của dân tộc Mông huyện Trạm Tấu thường được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới hằng năm với quan niệm của sự sinh sôi, nảy nở.

Nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông

“Theo quan niệm của dân tộc Mông, việc tổ chức Lễ hội Gầu Tào là để tạ ơn thần Núi, thần Đất, thần Trời, thần Suối… đã cho đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu một năm có nhiều điều tốt lành, mùa màng bội thu và cầu xin các thần linh tiếp tục phù hộ độ trì cho đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu một nãm mới nhiều may mắn” - ông Khang A Chua, Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết. 

Ông Giàng A Su ôm gà trống cúng các vị thần.

Phó Chủ tịch Khang A Chua nhấn mạnh: Đây là lần thứ 2 huyện Trạm Tấu tổ chức Lễ hội Gầu Tào với mục đích bảo tồn, khôi phục các giá trị di sản văn hóa dân gian truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông. Qua đó tăng cường tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc; đồng thời là dịp để các cấp chính quyền cơ sở, dòng họ, nhân dân địa phương bày tỏ tình cảm, giao lưu, học hỏi và cam kết thực hiện những việc tốt, cầu một năm mới an khang, thịnh vượng. 

Sau nghi thức cúng, bầu trời trở nên lặng gió, trong xanh, tươi sáng và bừng nắng mới.

Trong đó, các hoạt động tổ chức lễ hội trang nghiêm, tiết kiệm và đảm bảo theo đúng như phong tục của đồng bào dân tộc Mông, không phô trương, hình thức. Quy mô tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện; đảm bảo, thiết thực, hiệu quả, an toàn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. 

 

Rượu cúng cầu may được rót từ ống bương và cốc tre tươi mời các vị khách quý, nhân dân và du khách cùng uống lấy may mắn.

Đặc biệt, Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống văn hóa có từ bao đời nay được đồng bào dân tộc Mông duy trì và gìn giữ, lễ hội thường được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới hằng năm với quan niệm của sự sinh sôi, nảy nở nên các hoạt động được tổ chức phải có sự gắn kết chặt chẽ, và tôn vinh được bản sắc văn hóa, tính độc đáo của dân tộc trên địa bàn huyện, vị Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định. 

Cầu cho mùa màng bội thu, ngô lúa đầy nhà, gia súc đầy chuồng

Theo Ban tổ chức Lễ hội gồm 03 phần chính. Phần Lễ là các nghi lễ cúng và dựng cây nêu bằng các lễ vật cúng gồm cây nêu, gà trống, giấy gió… để tạ ơn trời đất, thần linh, thổ địa trong những năm qua đã phù hộ độ trì cho người dân sức khỏe, hạnh phúc, có cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, ngô lúa đầy nhà, gia súc đầy chuồng và cầu cho năm mới mọi người được bình an, hạnh phúc. 

Vừa thổi khèn vừa vui vẻ nhảy múa quanh cây nêu.

Sau phần Lễ là phần Hội diễn ra đồng thời các trò chơi truyền thống như lảy pao, đánh cầu lông gà, hát giao duyên, múa khèn và thi đấu các môn thể thao dân tộc như đánh quay, đẩy gậy, kéo co và giã bánh giày… góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư; là dịp để mọi người gặp gỡ giao lưu, vui chơi, hát các điệu hát giao duyên và cùng nhau múa khèn, mời nhau uống chén rượu đầu xuân năm mới.

Kết thúc Lễ hội, là nghi lễ tạ và hạ cây nêu trên cánh đồng, khe suối; khi cây nêu được hạ xuống hướng về phía mặt trời lặn, đi ra sông suối, biển cả với quan niệm để ngăn những điều không may mắn, không tốt đối với người dân, giúp cho người dân trong năm mưa thuận, gió hòa, sản xuất phát triển, nhân dân được mạnh khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình an. 

Du khách người Đức hăng hái giã bánh giầy cùng người dân bản địa.

Trực tiếp có mặt tại sân vận động huyện – nơi diễn ra lễ hội, ngay từ sáng sớm ThanhnienViet.vn đã thấy dòng người từ các xã trong huyện nườm nượp đổ về, tiếng nói cười hòa cùng nhịp chân bước rộn ràng, hàng nghìn người xúng xính trong những bộ váy áo mới sặc sỡ sắc màu mang đậm văn hóa của dân tộc Mông. 

 

Đông đảo du khách miền xuôi vui thích thăm quan thi giã bánh giầy.

Ở vị trí trang trọng trước sân khấu chính là cây nêu được làm từ cây thân gỗ Tu Hạp có chiều cao trên 30m, đỉnh cây nêu cắm cờ đỏ được dựng chắc chắn. Trong lễ hội Gầu Tào, cây nêu là biểu tượng chính, tượng trưng cho mặt đất, bầu trời che chở cho con người, gắn liền với sự linh thiêng của Lễ hội.

Trong phần lễ, nghi thức cúng và dựng cây nêu do ông Giàng A Su - Nghệ nhân ưu tú dân tộc Mông và cũng là thầy cúng thực hiện được xem là quan trọng nhất, thu hút được sự quan tâm theo dõi của đông đảo bà con nhân dân địa phương, du khách và các cơ quan truyền thông.

Phơi phới niềm vui mong tới ngày trẩy hội lần sau

Không biết có phải thần Núi, thần Đất, thần Trời… linh thiêng hay sao, mà ngay trước khi bước vào khai mạc Lễ hội, một trận cuồng phong cuốn theo mây đen khói bụi vần vũ làm xiêu tấm phông sân khấu và uốn cong cây nêu như để thử thách lòng kiên cường của người dân Trạm Tấu. Nhưng cây nêu vẫn đứng vững chãi, hiên ngang giữa bốn bề rừng núi xanh tươi.

Và thật kỳ lạ sau phần nghi lễ cúng của nghệ nhân Giàng A Su, bầu trời trở nên lặng gió, trong xanh, tươi sáng và bừng nắng mới. 

 

 

 Sôi nổi các hoạt động thi đánh quay, lảy pao. Các vị khách và lãnh đạo huyện cùng hòa mình lảy pao với bà con.

Đáng chú ý, trong nghi thức cúng nghệ nhân Giàng A Su có ôm một ông gà  trống mào đỏ tươi vái 4 phương và khấn xin các vị thần cho nhân dân, du khách và các vị khách mời của huyện Trạm Tấu hôm nay được mạnh khỏe, công việc thuận lợi, quê hương ấm no, mọi người hạnh phúc! Sau đó ông gà được cắt tiết để tế các vị thần, rượu cúng cầu may đã rót sẵn vào các ống bương xanh được thầy cúng chia cho các vị khách quý, nhân dân và du khách cùng uống lấy may mắn.

Tiếp đến là phần hội với chương trình văn nghệ đặc sắc gồm khoảng 20 - 25 tiết mục văn nghệ chọn lọc do các nghệ nhân, diễn viên đến từ các xã, thị trấn trong huyện biểu diễn, như: hát giao duyên, múa khèn; biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống...

Những cặp vợ chồng trẻ từ các bản xa xôi cũng rủ nhau về trẩy hội.

Ngoài ra còn có các hoạt động thi đấu các môn thể thao: kéo co, đẩy gậy; đánh quay; thi giã bánh giầy. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian mang tính trình diễn như: lảy pao; đánh cầu lông gà ... và các trò chơi dân gian khác của dân tộc Mông. 

Có thể nói tất cả các tiết mục văn nghệ và các môn thể thao cùng trò chơi dân gian mạng đậm văn hóa bản địa đồng bào Mông huyện Trạm Tấu đã làm cho không khí lễ hội càng trở nên tưng bừng hơn, sôi động hơn, phá vỡ đi khoảng cách giữa chủ và khách, làm nên những tiếng cười giòn giã, tiếng hò reo tưng bừng cho ngày xuân thêm nghiêng ngả, vui tươi. Và rồi khi ra về tâm hồn ai cũng phơi phới niềm vui mong tới ngày trẩy hội lần sau.

Dưới đây là hình ảnh những thiếu nữ, chàng trai Mông cùng hàng nghìn bà các xã, thị trấn trong huyện xúng xính trong những bộ váy áo mới sặc sỡ sắc màu mang đậm văn hóa của dân tộc Mông trong ngày hội:


 

 

 

  

 

 

  Phạm Quỳnh