I. Mở đầu
Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới dạy học các môn khoa học Mác-Lênin ở các trường cao đẳng, đại học, thời gian qua việc dạy và học triết học đã đạt được kết quả nhất định. Giảng viên ứng dụng phương tiện dạy học hiện đại, biết cách thức tổ chức lớp học lấy người học làm trung tâm; sinh viên tích cực, chủ động hơn thông qua hoạt động thảo luận và làm việc theo nhóm. Tuy nhiên phần triết học vẫn chưa thực sự là một môn học được nhiều sinh viên yêu thích. Nguyên nhân của thực tế này bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Về phía giảng viên, phương pháp dạy học phổ biến vẫn là thầy thuyết trình, trò nghe giảng và ghi bài, ít kiến thức thực tiễn làm cho giờ học căng thẳng, mệt mỏi. Về phía nhà trường chưa có đầu tư đồng bộ trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giảng dạy. Về phía sinh viên, các em chưa thực sự tập trung nghe giảng, chưa biến quá trình học thành quá trình tự học, tình trạng học vẹt, học đối phó đã và đang mang tính phổ biến. Thực trạng đó đòi hỏi cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về cách dạy, cách học và cách kiểm tra đánh giá, trong đó, đổi mới phương pháp giảng dạy có ý nghĩa trực tiếp, quyết định đến chất lượng dạy học triết học. Giảng dạy triết học bằng phương pháp tình huống, giải quyết vấn đề là một cách tiếp cận mới nhằm khắc phục một số nhược điểm của phương pháp truyền thống, có tác dụng kích thích tính tích cực, sáng tạo của sinh viên trong quá trình học tập, nghiên cứu.
-
II. Nội dung
-
1. Phương pháp dạy học triết học hiện nay
-
Ở Việt Nam, đổi mới phương pháp dạy học triết học theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo của sinh viên đã được vận dụng ở các trường cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, phổ biến vẫn là phương pháp dạy học truyền thống, giảng viên thuyết giảng sinh viên nghe và ghi chép lại. Trong các phương pháp truyền thống, dạy học triết học hiện nay chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình và phương pháp hỏi đáp. Sở dĩ, hai phương pháp này thường được các giảng viên giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin do tính chất và đặc thù bộ môn là mang tính lý luận, trừu tượng, khó so với mức độ nhận thức của sinh viên năm thứ nhất.
Điều mà các giảng viên dạy triết học đều dễ dàng nhận thấy là khi thuyết trình trong một khoảng thời gian dài sẽ làm cho sinh viên cảm thấy mệt mỏi vì phải ngồi lắng nghe mà không được chủ động tham gia vào bài học. Giảng viên cũng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi do áp lực về thời gian và nội dung cần truyền tải. Phần lớn sinh viên đều e ngại, tỏ ra không hào hứng khi học môn này, nhất là khi giảng viên không có khả năng thuyết giảng nhưng chỉ sử dụng thuần tuý phương pháp thuyết trình. Sinh viên không có cơ hội để chia sẻ, hợp tác, trình bày chính kiến của mình, vì vậy giảng viên cũng không biết được nội dung nào sinh viên đã hiểu, nội dung nào cần điều chỉnh. Trên thực tế, sử dụng phương pháp truyền đạt một chiều, sinh viên không thể ghi nhớ hết những nội dung triết học mà giảng viên trình bày, thậm chí nhớ rất ít, nhớ mơ hồ. Khả năng ghi nhớ - hiểu - vận dụng của sinh viên, giảng viên chưa khai thác hiệu quả do chỉ có trình bày một chiều mà không có phản hồi hoặc có phản hồi thì cũng là số ít sinh viên tích cực
Ngoài phương pháp thuyết trình, hỏi đáp cũng là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến trong dạy học triết học hiện nay. Thực chất của phương pháp hỏi đáp là hình thức trao đổi trên lớp, giảng viên nêu câu hỏi, sinh viên trả lời và giảng viên nhận xét, phản hồi lại. Sử dụng phương pháp này có tác dụng làm cho sinh viên tích cực chú ý lắng nghe, chú tâm vào bài học; giảng viên giảm bớt gánh nặng phải thuyết trình. Nhưng sử dụng câu hỏi như thế nào để phù hợp với nội dung, mục tiêu của bài học, đặt câu hỏi như thế nào cho đúng lúc, đúng chỗ và đảm bảo nguyên tắc tính vừa sức, tính nâng cao trong dạy học là điều đáng bàn. Thực tế hiện nay, có nhiều giảng viên chưa đầu tư xây dựng hệ thống câu hỏi khi thiết kế bài dạy dẫn đến lên lớp đặt câu hỏi tùy tiện, không phù hợp với đối tượng người học như câu hỏi quá dễ hoặc quá khó, câu hỏi quá dài, nội dung nào cũng nêu ra câu hỏi dẫn đến nhàm chán, lớp học căng thẳng. Nếu trong một buổi dạy, giảng viên sa vào hỏi đáp quá nhiều sẽ dẫn đến “cháy bài giảng” do mất nhiều thời gian, nhất là những câu hỏi gây tranh cãi. Mặt khác, khi sinh viên trả lời câu hỏi, giảng viên không có thói quen nhận xét, đánh giá, khích lệ, động viên do đó, không phát huy được hiệu quả trong dạy học.
Vận dụng các phương pháp truyền thống không đúng cách, giảng viên là trung tâm và dường như chịu trách nhiệm chính về thành công và chất lượng của bài giảng triết học. Hậu quả là làm triệt tiêu tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong học tập. Sinh viên không rèn luyện được thói quen tự học, tự nghiên cứu, không có tư duy phản biện triết học, không có khả năng giao tiếp. Đặc biệt là sinh viên không có kỹ năng vận dụng và kỹ năng giải quyết các vấn đề triết học đặt ra trong cuộc sống. Một số nguyên lý, phạm trù triết học rất dễ vận dụng trong cuộc sống của sinh viên như nguyên nhân, kết quả; bản chất, hiện tượng; mối liên hệ phổ biến và phát triển...nhưng giảng viên không khai thác được cách hiểu và cách vận dụng của sinh viên. Các giờ thảo luận cũng chỉ mang tính hình thức vì sinh viên luôn có tư tưởng “thầy làm thay cho trò”, ngồi chờ, ỷ lại, xuề xoà, có thói quen ngồi nghe mà không có chính kiến. Chẳng hạn, sau khi nhóm trưởng trình bày, đa số sinh viên đều tán thành, không có thói quen đặt câu hỏi chất vấn để làm sáng tỏ vấn đề. Vì thế, kiến thức ghi nhớ không bền vững.
Theo tôi, thuyết trình và hỏi đáp là phương pháp cơ bản phù hợp với tính chất, đặc thù của môn học. Tuy nhiên, không nên xem đây là phương pháp độc tôn mà cần linh hoạt vận dụng các phương pháp dạy học tích cực khác như phương pháp trò chơi, phương pháp thảo luận và làm việc theo nhóm, phương pháp tình huống, giải quyết vấn đề... Có như vậy kiến thức sinh viên lĩnh hội được mới bền vững hơn và quan trọng là biết ứng dụng, biết thể hiện quan điểm của mình trước một vấn đền triết học đặt ra trong cuộc sống.
-
2. Vận dụng phương pháp tình huống, giải quyết vấn đề vào giảng dạy triết học
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy bên cạnh sử dụng phương pháp dạy học truyền thống cần áp dụng phương pháp giảng dạy khích lệ tính chủ động, tích cực, sáng tạo của sinh viên trong học tập. Phương pháp giảng dạy bằng tình huống (phương pháp tình huống) là một trong những phương pháp có thể giảm lối học thụ động, sách vở, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện cho sinh viên.
Theo Từ điển tiếng Việt “Tình huống là toàn thể những sự việc xảy ra tại một nơi, trong một thời gian hoặc một thời điểm”. Từ khái niệm trên cho thấy, tình huống được nảy sinh trong đời sống thực tiễn, nó đặt ra yêu cầu cho con người cần phải suy nghĩ, đối phó hoặc giải quyết để mang lại hiệu quả trong công việc, trong cuộc sống.
Tình huống trong giảng dạy là một câu chuyện miêu tả một sự kiện, hoàn cảnh có thật hay hư cấu để đạt được mục tiêu bài giảng đã đề ra. Tình huống bao giờ cũng mang tính gay cấn, xung đột mở ra nhiều cách liên tưởng, giải quyết khác nhau. Do đó, hình huống trong giảng dạy thường là câu chuyện chưa hoàn chỉnh. Bản chất của phương pháp dạy học bằng tình huống ở bậc đại học là thông qua việc giải quyết những tình huống, sinh viên có được kỹ năng đối phó, tự tin và xử lý linh hoạt các vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Triết học là một khoa học về quy luật vận động và phát triển chung nhất của tự nhiên-xã hội và tư duy, nhưng các quy luật chung đó phải được thể hiện trong những cái cụ thể. Vì vậy, giảng dạy triết học cần phải gắn với đời sống thực tiễn, lấy lý luận để soi rọi thực tiễn và lấy thực tiễn để kiểm chứng tính khoa học của lý luận. Sử dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy triết học khắc phục được tính lý thuyết, trừu tượng, sinh viên không phải tiếp nhận những nguyên lý, quy luật triết học chung chung mà đi thẳng vào giải quyết những vấn đề thực tế. Trên cơ sở đó làm tăng thêm sự hiểu biết và khả năng áp dụng các nguyên lý, quy luật, phạm trù triết học vào cuộc sống thực tiễn. Đồng thời sử dụng phương pháp tình huống làm cho giờ học sinh động hẳn lên, thúc đẩy sự quan tâm chú ý của sinh viên và tăng cường sự say mê yêu thích của sinh viên đối với môn học này.
Để thực hiện tốt phương pháp tình huống, khâu quan trọng đối với giảng viên là bước chuẩn bị. Trong bước chuẩn bị, giảng viên phải lựa chọn tình huống có sẵn do sưu tầm hoặc tự xây dựng. Tùy theo mục tiêu bài dạy mà lựa chọn tình huống cho phù hợp. Tình huống phải mang tính thời sự và sát thực tế; tạo khả năng để sinh viên đưa ra nhiều giải pháp; nội dung tình huống phải đúng và phù hợp với trình độ của sinh viên, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của môn học.
Sau khi đã chuẩn bị tình huống cụ thể và các câu hỏi liên quan đến tình huống, giảng viên lập kế hoạch chia nhóm, phân công nhiệm vụ, xác định thời gian và định hướng cách xử lý tình huống. Bước tiếp theo là tổ chức thực hiện. Muốn thực hiện thành công phương pháp tình huống, ngoài những hiểu biết sâu về tình huống giảng dạy, giảng viên cần có các kỹ năng dạy học theo nhóm, kỹ năng tổ chức lớp học.
Giảng viên giới thiệu tình huống và cung cấp thông tin về tình huống cho từng cá nhân hoặc từng nhóm sinh viên. Có nhiều cách cung cấp thông tin về tình huống (phát tài liệu, qua băng video, nói trên lớp, yêu cầu các học viên đóng vai). Giảng viên dành thời gian để từng học viên đọc, tìm hiểu về tình huống. Tuỳ theo thời lượng, nội dung của bài giảng, độ phức tạp của tình huống, quy mô lớp học để quyết định thời gian. Giảng viên cần phải đảm bảo rằng tất cả sinh viên trong lớp đã hiểu rõ tình huống. Giảng viên chia thành các nhóm sinh viên để thảo luận tình huống. Nêu rõ nhiệm vụ mà nhóm phải hoàn thành, thời gian và cách thức làm việc nhóm. Khi các nhóm bàn bạc, trao đổi, thảo luận, giảng viên cần đi đến từng nhóm để theo dõi xem các nhóm có đi đúng hướng không? Có cần trợ giúp không? Sau khi hết thời gian thảo luận, các nhóm trình bày kết quả xử lý tình huống của nhóm mình bằng hình thức đóng vai, cả lớp đóng góp ý kiến. Sự thành công của cuộc thảo luận mở này (cả lớp cùng trao đổi trao đổi, thảo luận) sẽ quyết định thành công của phương pháp tình huống. Khi các sinh viên thảo luận, giảng viên có thể ghi chép lại, tóm tắt những gì đã đạt được, đưa ra những nhận xét, đánh giá và chốt lại vấn đề.
Thứ nhất, xây dựng mục tiêu tình huống.
Thông qua việc giải quyết tình huống “Cách xem xét các sự vật, hiện tượng” để trang bị cho sinh viên những kiến thức, hiểu biết về phương pháp biện chứng, phương pháp siêu hình. Sinh viên biết vận dụng nội dung phương pháp biện chứng, phương pháp siêu hình để lý giải, phân tích các vấn đề thực tiễn đặt ra trong cuộc sống và có quan điểm biện chứng khi xem xét các sự vật hiên tượng.
Thứ hai, cung cấp thông tin về nội dung tình huống.
Hoàn thành công việc đồng áng, ông H tranh thủ đi cắt tóc. Sau khi cắt tóc xong, ông hỏi anh thợ cắt tóc: “Hết bao nhiêu tiền để chú trả”.
Anh thợ cắt tóc vừa dọn dẹp vừa lễ phép trả lời: “Dạ, ba mươi ngàn đồng thưa chú”. Ông H giãy nảy: “Sao đắt thế? Cách đây vài tháng chú lấy hai mươi ngàn đồng thôi mà”. Anh thợ cắt tóc phân trần: “Thưa chú, dạo này mọi chi phí đều tăng lên gấp đôi, từ lương thực, xăng dầu, tiền điện, tiền nước, tiền thuê cái quán này cũng tăng lên chú à”. Ông H tỏ vẻ bực bội: “Giá lương thực, điện nước, xăng dầu, thuê quán đúng là tăng cao nhưng mà có liên quan gì đến việc cắt tóc đâu? Chú mày “chém” đắt quá!”. Nói vậy nhưng ông H vẫn móc ví trả tiền. Ông ra về mà trong lòng vẫn ấm ức. Chứng kiến câu chuyện của ông H từ đầu tới cuối, sinh viên A cho rằng lập luận của anh thợ cắt tóc rất biện chứng còn lập luận của ông H thì mang tính siêu hình. Anh (chị) có đồng ý với ý kiến của sinh viên A không? Tại sao?
Thứ ba, nêu nhiệm vụ của sinh viên
Sinh viên phải vận dụng kiến thức triết học về phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình để xác định quan điểm của anh thợ cắt tóc và ông H là mang tính biện chứng hay siêu hình? Xem xét quan điểm nào là hợp lý và cần rút ra kết luận gì về cách xem xét các sự vật hiện tượng?.
Thứ tư, hướng dẫn thực hiện
Giảng viên tổ chức theo các bước sau:
+ Bước 1: Sinh viên tìm hiểu tình huống
+ Bước 2: Chia nhóm để thảo luận: Tuỳ theo số lượng sinh viên và lượng thời gian để chia nhóm.
+ Bước 3: Sinh viên thảo luận theo nhóm.
+ Bước 4: Mỗi nhóm cử đại diện trình bày.
+ Bước 5: Thảo luận cả lớp về các ý kiến đã trình bày.
+ Bước 6: Giảng viên kết thúc thảo luận, chốt lại vấn đề.
Đối với tình huống trên, sau khi tranh luận, giảng viên phải giúp sinh viên nhận thức được:
- Nhận định của sinh viên A cho rằng: Lập luận của ông H là mang tính siêu hình còn lập luận của anh thợ cắt tóc mang tính biện chứng là chính xác. Đồng ý với ý kiến của sinh viên A. Cụ thể:
- Anh thợ cắt tóc lý giải giá cắt tóc tăng lên là do sự ảnh hưởng, tác động của các chi phí như giá lương thực, xăng dầu, điện nước, tiền thuê quán tăng lên. Trong trường hợp này, anh thợ cắt tóc đã xem xét sự vật, hiện tượng trong sự liên hệ, tác động, ràng buộc và quy định lẫn nhau. Nên quan điểm của anh thợ cắt tóc là thể hiện quan điểm biện chứng. Ngược lại, ông H lại cho rằng giá lương thực, thực phẩm, điện nước, xăng dầu, tiền thuê quán tăng không phụ thuộc, không liên quan đến giá cắt tóc. Trong trường hợp này, ông H đã xem xét sự việc trong sự tách rời, cô lập nên lập luận của ông H thể hiện quan điểm siêu hình.
- Trong cuộc sống chúng ta cần có quan điểm biện chứng khi xem xét, đánh giá các sự vật hiện tượng. Bởi vì, tất cả các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan đều liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau, không có sự vật nào là đứng yên một chỗ. Do đó, khi xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng cần đặt nó trong mối quan hệ với sự vật khác. Vì vậy, việc anh thợ cắt tóc tăng giá cắt tóc là đúng nhưng anh đã lợi dụng giá xăng dầu tăng để thu lợi bất chính bằng cách đẩy giá cắt tóc lên quá cao là không nên.
Dạy học triết học bằng tình huống có một số ưu điểm như nâng cao tính thực tiễn của triết học, gắn các nguyên lý, quy luật, phạm trù triết học vào giải quyết các sự vật, hiện tượng cụ thể trong cuộc sống. Góp phần làm sáng tỏ các nguyên lý, quy luật, phạm trù triết học. Bằng những tình huống cụ thể, kiến thức triết học được cũng cố và nâng cao, sinh viên ghi nhớ bền vững hơn và có khả năng thích ứng trước cuộc sống thực tiễn đầy biến động. Mặt khác, thông qua cách trình bày xử lý tình huống của sinh viên sẽ giúp cho giảng viên tiếp thu được nhiều ý kiến hay làm phong phú thêm bài giảng của mình và rút ra nhiều kinh nghiệm khi vận dụng phương pháp tình huống. Bên cạnh đó, dạy học triết học bằng tình huống gặp phải một số thách thức, khó khăn như làm gia tăng khối lượng kiến thức, thời gian của giảng viên. Những tình huống triết học không sẵn có, giảng viên phải đầu tư thời gian, công sức để viết, sưu tầm, nghiên cứu. Phương pháp tình huống đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn so với phương pháp thuyết trình (truyền thống) như cách thức tổ chức lớp học, bố trí thời lượng, đặt câu hỏi, dẫn dắt cả lớp thảo luận, phản biện, nhận xét. Ngoài ra, để giải quyết tình huống có hiệu quả, đòi hỏi giảng viên phải nắm vững kiến thức chuyên môn, vốn hiểu biết rộng, luôn cập nhật thông tin mới, nhuần nhuyễn kỹ năng sư phạm. Đây thực sự là một thách thức lớn cho giảng viên khi ứng dụng phương pháp này. Bên cạnh đó, tư tưởng “thầy làm thay cho trò”, ngồi chờ, ỉ lại, ít hợp tác vẫn tồn tại phổ biến trong cách học của sinh viên. Khả năng lập luận và giải quyết các tình huống triết học của sinh viên năm thứ nhất còn hạn chế. Phần lớn sinh viên đều e ngại và cho rằng đây là môn học khó nên tỏ ra mất tự tin khi giải quyết tình huống.
III. Kết luận
Nâng cao chất lượng giảng dạy triết học cần có nhiều yếu tố trong đó việc đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo một cách bền vững. Dạy học triết học bằng phương pháp tình huống góp phần rèn luyện và phát triển các kỹ năng quan trọng cho sinh viên như kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng biểu cảm qua đóng vai... Qua đó, sinh viên hiểu sâu hơn về nội dung, mục tiêu của bài học, tránh lối học vẹt, thụ động, ngồi chờ, ỉ lại trong học tập và nghiên cứu triết học. Để đạt được kết quả tốt, giảng viên cần phải tích cực tự học, tự nghiên cứu, nhuần nhuyễn kỹ năng sư phạm, linh hoạt trong sử dụng các phương pháp dạy học. Phương pháp tình huống chỉ là một trong các phương pháp giảng dạy, vì vậy, giảng viên giảng dạy triết học cần kết hợp với các phương pháp sư phạm khác để nâng cao hiệu quả của bài giảng
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Giáo trình Triết học Mác-Lênin (2019), Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội.
[2] Mạnh Tuấn (2005) Những kỹ năng học tập hoàn hảo dành cho sinh viên , Nxb Văn hoá thông tin.
[3] GS Jan (2007) Bài giảng cho lớp Bồi dưỡng Sau đại học tại Trường Đại học New England-New South Wales-Australia.
[4] Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (2001), Từ điển Tiếng Việt , Nxb Thanh niên.
[5] Bộ GD&ĐT (2013) Tài liệu tập huấn Dạy học theo mô hình trường học mới ở Việt Nam
Nguyễn Thị Lan Minh - Đại học Hải Phòng