Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay

Thứ năm, 04/07/2024 - 16:05

NCKH - Tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa của dân tộc và của địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng, góp phần bảo vệ Đảng, chống lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch hiện nay.

Từ khóa: biên soạn tài liệu lịch sử đảng bộ cấp xã; tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc hay văn hóa, truyền thống, lịch sử địa phương là tài liệu vô cùng quan trọng để dựng lại quá khứ về lòng yêu nước, về truyền thống dựng nước và giữ nước, là những nét văn hóa truyền thống đoàn kết, tinh thần nhân văn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc của đất nước, địa phương đến cán bộ, đảng viên, nhân dân là một nội dung quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, bản thân mỗi người sẽ có động lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời tự bản thân mỗi người đã sẵn có trong mình sức đề kháng chống lại các luận điệu xuyên tạc về văn hóa lịch sử, truyền thống của dân tộc của các thế lực thù địch hiện nay.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, văn hóa lịch sử của địa phương (cơ sở) hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

1. Công tác biên soạn Lịch sử Đảng bộ địa phương cấp xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Ngày 28/8/2002, Ban Bí thư TW Đảng ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 18/01/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng. Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Chỉ thị số 40 - CT/TU, ngày 25/11/2019 về tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Lào Cai[1]. Trên cơ sở Quy định của Tỉnh ủy, các cấp ủy xây dựng và triển khai kế hoạch nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử ngành, địa phương[2]. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, thị uỷ, đảng ủy đã có sự quan tâm đến công tác lịch sử Đảng bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 300 ấn phẩm lịch sử, truyền thống đã được biên soạn và phát hành, nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng bản thảo, thành lập ban chỉ đạo, ban biên soạn ấn phẩm lịch sử. Cấp xã đã có có hơn 90% số xã của Lào Cai đã biên soạn xong cuốn tài liệu lịch sử đảng bộ xã.

2. Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương cấp xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay

Công tác tuyên truyền giáo dục: Sau khi các tài liệu lịch sử ngành, địa phương được xuất bản, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương đã được chú ý, nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, sự biết ơn đối với các anh hùng liệt sỹ, các bậc tiền nhân là cội nguồn, là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong những năm qua, công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, học viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đã được các cấp, các ngành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội quan tâm tuyên truyền, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, tổ chức các cuộc về nguồn, nói chuyện truyền thống, các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm, đưa các nội dung tuyên truyền về lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, văn hóa truyền thống địa phương vào bài giảng[3]; tổ chức cho cán bộ, học sinh, học viên về những địa chỉ đỏ, tham quan bảo tàng, di tích; trong sinh hoạt chi bộ định kỳ thực hiện phổ biến, quán triệt chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, trong sinh hoạt chuyên đề tổ chức tìm hiểu về các sự kiện của đất nước, truyền thống văn hóa địa phương; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, về quê hương cách mạng.

Đối với học sinh trung học cơ sở: Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương là một bộ phận không thể tách rời, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, truyền thống, địa lý, kinh tế, chính trị xã hội, môi trường của địa phương; bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Từ đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lào Cai. Qua kết quả nghiên cứu khảo sát, chúng tôi thấy cuốn Tài liệu trên được biên soạn khá đầy đủ những nét chính về lịch sử, địa lý, văn hóa từ quá trình hình thành đến tình hình kinh tế- xã hội của Lào Cai hiện nay. Thời gian dành cho khối kiến thức địa phương là 1 tiết/tuần. Những tri thức cụ thể được trình bày trong tài liệu không chỉ mở mang hiểu biết cho các em về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn giáo dục ý thức bảo vệ, trân quý, tự hào về văn hóa địa phương; ý thức lan tỏa, quảng bá những giá trị đẹp đẽ của quê hương đến bạn bè gần xa. Các trường đều khẳng định công tác giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa địa phương cho học sinh là rất quan trọng. Các bộ môn Lịch sử, Văn học, Giáo dục công dân luôn chú trọng đến giáo dục Đức, Trí, Thể, Mỹ, Nhân. Các trường đều có ý thức trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước nên đã chủ động đưa nội dung này vào kế hoạch công tác hàng năm. Bởi vậy, nội dung các bài học được giáo viên cập nhật, tích hợp vào giảng dạy những kiến thức mới, trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục chủ nghĩa yêu nước, đạo đức cách mạng, bản sắc văn hóa người Việt Nam nói chung và của tỉnh Lào Cai nói riêng.

Nhận thức của cán bộ, đảng viên, học sinh về lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng bộ địa phương và một số truyền thống văn hóa của địa phương.

Để làm rõ nội dung này, chúng tôi tiến hành khảo sát đối với 200 cán bộ ở 35 xã trên địa bàn tỉnh[4] và phỏng vấn trực tiếp hơn 400 cán bộ, đảng viên và nhân dân gồm nhiều dân tộc ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Kết quả cho thấy, đối với phiếu khảo sát: câu hỏi Ý nghĩa về tên xã của đồng chí đang công tác, số trả lời biết về nguồn gốc của địa danh xã là 86/200 người (42,9%); Trả lời câu hỏi về thành phần dân tộc, số dân trong xã, những sắc thái văn hóa, truyền thống trên địa bàn xã…số người biết và kể được tên 176/200 người (88%); Về ngày thành lập Đảng bộ xã hoặc ngày truyền thống của Đảng bộ xã là 45/200 người (22,5%). Kể tên lãnh đạo xã qua các thời kỳ 195/200 người kể tên được ít nhất tên một lãnh đạo chủ chốt cấp xã

Với câu hỏi “Đồng chí biết được những truyền thống trên qua những kênh thông tin nào”. Kết quả: Hội nghị 146/200 người (73%); Sinh hoạt Đảng 150/200 người (75,4%); Họp thôn là 110/200 người (54,9%); Tự nghiên cứu 78/200 người (39%) . Với kết quả này cũng cho thấy công tác tuyên truyền đã được cấp ủy, các tổ chức ở cấp xã quan tâm thực hiện

Đối với phỏng vấn trực tiếp cán bộ, đảng viên và nhân dân thì kết quả biết chỉ đạt tỷ lệ trung bình từ 33-54%, cao nhất là 95%[5].

Đánh giá kết quả học tập Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lào Cai, tỷ lệ đạt yêu cầu 100%, trong đó có nhiều học sinh đạt tỷ lệ khá, giỏi.

Từ một vài số liệu nêu trên, có thể đánh giá cơ bản cán bộ, đảng viên, học sinh ở địa phương (cấp xã) đã có những kiến thức cơ bản về truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương, lịch sử đảng bộ địa phương. Những kiến thức đó là cơ sở quan trọng để hun đắp tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào, biết ơn đối với các vị tiền nhân…từ đó chuyển hóa thành những hành động thiết thực, hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; đồng thời tạo ra hệ miễn dịch trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đang ra sức tuyên truyền chống phá sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Về nội dung, phương pháp và chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử đảng bộ địa phương đã được cấp ủy, hệ thống chính trị ở cơ sở quan tâm. Hình thức tuyên truyền có nhiều đổi mới. Qua khảo sát thực tế, cơ bản các xã đều có pa no, áp phích tuyên truyền về những ngày lễ, ngày truyền thống của đất nước, địa phương và treo ở những nơi dễ quan sát như cổng chào, khu vực trường, ngã ba, các khu đông dân cư…với các nội dung dễ nhớ, dễ hiểu. Ngoài ra, thông qua hình thức hội nghị, họp thôn, qua các trang fanpage của xã, huyện…Trong các trường học, việc đổi mới phương pháp giáo dục ở địa phương được các thầy cô thực hiện nghiêm túc như tổ chức hội thảo và kết nối đến điểm trường[6], nhiều trường xây dựng kế hoạch cho học sinh đi tham quan các địa danh, bảo tàng tỉnh sau đó hướng dẫn cho học sinh viết bài thu hoạch… 

Những hạn chế, bất cập…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử đảng bộ địa phương còn một số hạn chế, bất cập nhất định: nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử địa phương còn hạn chế[7]; nhiều địa danh lịch sử chưa được giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, học sinh ít hiểu biết về văn hóa, lịch sử và truyền thống cách mạng của địa phương; phương pháp giới thiệu về lịch sử, văn hóa địa phương cho các đối tượng tính hấp dẫn chưa cao…Đối với tài liệu lịch sử đảng bộ địa phương (cấp xã), qua khảo sát tại nhiều đơn vị cấp xã thấy rằng, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn chưa biết, chưa hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương, lịch sử đảng bộ địa phương. Trong sinh hoạt chi bộ của các tổ chức đảng trực thuộc cơ bản chỉ đề cập đến nội dung tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp, nội dung sinh hoạt chuyên đề chưa thấy đề cập đến việc nghiên cứu, tìm hiểu cuốn lịch sử đảng bộ của xã[8]. Trong hệ thống trường học, nội dung tuyên truyền giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử đảng bộ địa phương cơ bản mới chỉ dừng lại ở việc giáo viên nêu ví dụ minh chứng trong các tiết học.

Nguyên nhân của những hạn chế trên do: đối với các trường THCS thì trong Chương trình giáo dục chỉ bổ sung thêm nội dung giáo dục lịch sử đảng bộ huyện vào chương trình giảng dạy, thời lượng giảng dạy cho môn giáo dục địa phương còn ít (1 tiết/tuần); đa phần cấp ủy chưa xây dựng kế hoạch để tuyên truyền, quán triệt cuốn lịch sử đảng bộ địa phương đến cán bộ đảng viên, nhân dân trên địa bàn[9]; do tài liệu còn hạn chế (do số lượng bản in còn ít, chưa biên tập thành sách điện tử; tài liệu rút gọn để tuyên truyền giảng dạy đã thực hiện nhưng chưa thực sự khoa học); việc tự học, tự nghiên cứu của nhiều cán bộ, đảng viên còn chưa tự giác; hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục chưa sinh động, phong phú…

3. Một số giải pháp đề xuất, kiến nghị

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương. Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, cấp ủy địa phương cấp xã cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện; đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết; Khi ban hành nghị quyết, cấp ủy cơ sở phải chú ý làm tốt công tác sơ, tổng kết nghị quyết. Việc ban hành nghị quyết đến công tác sơ, tổng kết nghị quyết chuyên đề sẽ giúp cấp ủy tiếp tục định hướng công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử đảng bộ địa phương được tốt hơn

Hai là, đổi mới hình thức tuyên truyền giáo dục theo hướng thành lập nhóm hoặc tổ biên tập thành tài liệu (truyền thống văn hóa địa phương, lịch sử địa phương, lịch sử đảng bộ) đưa lên các nền tảng, trong đó có trang fanpege của cơ sở. Trên các trang fanpege của địa phương cần thành lập chuyên mục để giới thiệu, đồng thời yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm nghiên cứu, chia sẻ lên các trang cá nhân…từ đó lan tỏa thông tin đến nhân dân trên địa bàn.

Trong công tác tuyên truyền, giáo dục cần chú ý mời các nhân chứng lịch sử nói chuyện chuyên đề tại các buổi sinh hoạt của đoàn thanh niên, họp thôn, trong các hoạt động ngoại khóa của học sinh... Đoàn thanh niên có thể tổ chức tìm hiểu về lịch sử bằng hình thức sân khấu hóa; sinh hoạt chuyên đề của chi bộ có thể tổ chức bằng hình thức tọa đàm, trắc nghiệm…Đối với các trường, khi thực hiện nhiệm vụ dạy học các môn khoa học xã hội (môn Lịch sử, Văn học, Giáo dục công dân) cần chú ý gắn kết giữa lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương, gắn kết thời gian, giai đoạn, hoàn cảnh để học sinh có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn. Cần tạo niềm say mê, hứng thú trong học tập để các em yêu thích, quan tâm đến lịch sử địa phương và cho các em thấy rằng lịch sử dân tộc hay lịch sử địa phương có vai trò quan trọng với cuộc sống hiện tại.

Ba là, hoàn thiện việc biên soạn, bổ sung lịch sử đảng bộ địa phương (cấp xã). Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã phải tiến hành thu thập được các thông tin, các minh chứng, tư liệu, tài liệu lịch sử; phối hợp với các cơ quan tham mưu của cấp ủy cấp huyện, các cơ quan chuyên môn như phòng Văn hóa, phòng Dân tộc…[10] để tìm thêm các tư liệu nhằm hoàn thiện bộ tài liệu lịch sử đảng bộ địa phương. Đồng thời cần tích cực tìm hiểu, sưu tầm trong cộng đồng dân cư trên địa bàn những công cụ sản xuất, phim ảnh, sách báo…giúp cho việc bảo tồn, minh chứng sự phát triển của địa phương qua các thời kỳ.

Bốn là, tăng cường nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, đặc biệt là trong giới trẻ, học sinh trên địa bàn để kịp thời điều chỉnh, định hướng dư luận xã hội. Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp, Ngành giáo dục địa phương, cấp ủy Đảng ở cơ sở cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động tuyên truyền giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương. Từ đó kịp thời biểu dương những đơn vị, địa phương làm tốt để tạo động lực và nhân rộng sang các đơn vị, địa phương khác; Đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém để khắc phục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục trong lĩnh vực này.

Năm là, cấp ủy cấp xã cần chú ý xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp cơ sở có kiến thức, kỹ năng truyền đạt; tổ chức các cuộc thi báo cáo viên giỏi cấp cơ sở với chủ đề về tuyên truyền lịch sử, truyền thống, văn hóa đồng báo các dân tộc trên địa bàn.

Một số kiến nghị, đề xuất

Đề nghị Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp: Tiếp tục quan tâm chỉ đạo nội dung giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương đến hệ thống các trường học trên địa bàn theo Hướng dẫn số 40-HD/BTG TW ngày 01/9/2017 về thực hiện Chương trình bồi dưỡng chuyên đề “Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam”. Theo đó, ngoài nội dung 4 chuyên đề quy định thống nhất chung, tùy theo đối tượng, yêu cầu và điều kiện của địa phương, cơ sở tổ chức nghe một số báo cáo về: Lịch sử địa phương, những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thông tin thời sự, chính sách mới. Tổ chức cho người học đi tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, danh lam, thắng cảnh, để bổ sung thêm những hiểu biết về đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Chú ý xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyên viên đủ năng lực, đổi mới phương pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục.

Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo cấp ủy cùng cấp tăng cường biên soạn và bổ sung các tài liệu, các băng đĩa, các tiết dạy minh họa để giáo viên, học sinh tham khảo; chỉ đạo nghiên cứu có thể tăng thời lượng giảng dạy cho môn giáo dục lịch sử truyền thống địa phương phù hợp với tình hình hiện nay (thời lượng như hiện nay  đang thực hiện là còn ít); tổ chức tập huấn chuyên môn về phương pháp, hình thức sử dụng, khai thác tài liệu trong dạy học tài liệu địa phương; bồi dưỡng trực tiếp cho đội ngũ giáo viên, tổ chức hội giảng…giúp giáo viên được cập nhật các kiến thức về lịch sử truyền thống địa phương đầy đủ nhằm để giảng dạy phần kiến thức theo tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lào Cai được tốt hơn.

Đề nghị địa phương cấp xã, Đảng ủy cơ sở chỉ đạo biên tập ngắn gọn truyền thống, văn hóa, lịch sử địa phương đưa những nội dung trên vào trong các hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội, trong đó tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh ở cơ sở làm nòng cốt; đối với các đơn vị trường học yêu cầu đưa vào các hoạt động ngoài trời, hoạt động ngoại khóa hoặc giáo viên tích hợp vào nội dung tiết giảng trên lớp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử đảng bộ, lịch sử địa phương cho cán bộ, đảng viên, học sinh và nhân dân là một nhiệm vụ, công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài. Hiệu quả của công tác này là kết quả của những chủ trương đúng, của nhóm giải pháp phù hợp, nhằm tác động toàn diện đến tất cả các khâu, các quá trình của công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, lịch sử dân tộc, lịch sử đảng bộ địa phương. Để nâng cao chất lượng của công tác này, phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, của gia đình, nhà trường, xã hội và chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, học sinh và người dân. Sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử truyền thống văn hóa của địa phương, đất nước là cơ sở quyết định việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo hệ miễn dịch để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vững vàng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động trong tình hình mới./.

ThS Lê Bích Thủy



[1]  Lào Cai là tỉnh duy nhất trong cả nước ban hành một chỉ thị riêng về công tác này

[2] Báo cáo số 395- BC/TU ngày 30/12/2022: Tỉnh ủy Lào Cai ban hành 43 văn bản; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành 189 văn bản, các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy ban hành 601 văn bản

[3] Trường Chính trị tỉnh Lào Cai biên soạn thành giáo trình giảng dạy trong Chương trình TCLL-CT gồm những nội dung Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai; Tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai; Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai; Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới ở tỉnh Lào Cai;…

[4] Phiếu khảo sát của nhóm nghiên cứu có 12 câu hỏi. Phiếu trả lời không cần điền thông tin cá nhân

[5] Đối với câu trả lời về văn hóa, phong tục, tập quán địa phương

[6] Trong năm học 2022 - 2023 huyện Bảo Yên thực hiện Hội thảo cấp tỉnh môn Giáo dục địa phương lớp 7 được tổ chức tại Trường Trung học cơ sở (THCS) số 2 Phố Ràng kết nối với điểm cầu Trường Trung học cơ sở số 1 Bảo Hà tại thực địa đền Bảo Hà khi dạy về di tích lịch sử địa phương “Giới thiệu về Đền Bảo Hà”. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT Bảo Yên, các đơn vị trường học đã tổ chức có hiệu quả các cuộc hội thảo cấp huyện, cấp cụm về nội dung giáo dục địa phương.

 [7] Tạp chí Thanh niên Việt; Lê Bích Thủy Tăng cương công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Ngày 3/11/2023. Khảo sát 2780 học sinh, sinh viên tham gia trả lời. Những kiến thức về Lào Cai thì tỷ lệ trả lời chính xác chiếm từ 40-51%. Điều đó cho thấy công tác giáo dục về lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, về quê hương đất nước và Lào Cai bước đầu đã được các trường rất quan tâm. Ví dụ: với câu hỏi “Tỉnh Lào Cai được thành lập ngày tháng năm nào” có 1160/2780 trả lời đúng (41,7%); câu hỏi “Tỉnh Lào Cai được tái lập ngày tháng năm nào” có 1317/2780 (47,4%) trả lời đúng;  “ Ngày tháng năm Bác Hồ lên thăm Lào Cai” có 1416/2780 trả lời đúng(50,9%) “ Đảng bộ Lào Cai được thành lập ngày tháng năm nào” có 1264/2780 em trả lời đúng (45,5)%.

[8] Nghiên cứu 1 số sổ ghi cuộc họp của một số chi bộ

[9] Một số cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được thông tin thông qua buổi ra mắt cuốn lịch sử đảng bộ địa phương

[10] Ví dụ nghiên cứu hồ sơ đảng viên qua các thời kỳ do Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện lưu giữ; các báo cáo, chương trình, kế hoạch công tác được lưu trữ tại Văn phòng cấp ủy cấp cấp huyện hoặc văn phòng UBND các huyện

Trưởng khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị tỉnh Lào Cai