Ảnh minh họa
Khởi nghiệp sáng tạo trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up) được hiểu là quá trình khởi nghiệp dựa trên ý tưởng sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới; hoặc sản phẩm cũ nhưng có điểm khác nổi trội, ưu việt hơn so với những sản phẩm, dịch vụ đã từng có trên thị trường và được phát triển nhanh chóng vượt bậc.
Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và vươn ra quốc tế.
Hệ thống giáo dục, trong đó có giáo dục nghề nghiệp có vai trò thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc cung cấp cho xã hội những nhân lực được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cùng các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng.
Xác định được tầm quan trọng này, hiện nay, các trường dạy nghề ở Việt Nam bên cạnh việc đào tạo chất lượng đã luôn quan tâm, chú trọng xây dựng môi trường khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên như: Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động sáng tạo - khởi nghiệp cho toàn thể học sinh, sinh viên cũng như cán bộ trong nhà trường; khuyến khích các khoa hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp; xây dựng quỹ tài chính, tạo nguồn kinh phí nhằm khuyến khích, hỗ trợ học sinh sinh viên sáng tạo - khởi nghiệp...
Trong hoạt động thông tin tuyên truyền, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, sinh viên sử dụng, khai thác nguồn thông tin, học liệu từ cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia trên các phương tiện thông tin của nhà trường đồng thời được lồng ghép vào các giờ sinh hoạt, giờ học ngoại khóa, bảng tin.
Trong hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều cơ sở dạy nghề đã khuyến khích các cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp tình nguyện tham gia công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên tại các trường; xây dựng các chuyên đề về khởi nghiệp và đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn để khơi dậy các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giáo viên có ứng dụng công nghệ; thí điểm xây dựng kỹ năng mềm cũng như đổi mới sáng tạo thành mô đun môn học riêng hoặc được lồng ghép trong nội dung giảng dạy của từng môn học...
Bên cạnh những kết quả trên, công tác đào tạo kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn những tồn tại hạn chế như: Cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ học viên khởi nghiệp sáng tạo còn thiếu; công tác tổ chức bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên hướng nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí tổ chức; công tác tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm, giao lưu, hội thảo, trao đổi, học tập kinh nghiệp về đào tạo khởi nghiệp cho đội ngũ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp chưa được tổ chức thường xuyên; lực lượng cán bộ, giáo viên làm công tác khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa phần là kiêm nhiệm...
Hiện nay, Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức mới trên toàn cầu. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), thế giới có hơn 1,8 tỷ thanh niên đang thiếu kỹ năng đáp ứng công việc trong tương lai. Do đó, việc đẩy mạnh đào tạo kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Theo đó, khởi nghiệp sáng tạo không chỉ trang bị kỹ năng làm việc cho sinh viên, học sinh mà cần trang bị kỹ năng mềm để sinh viên, học sinh có thể tự tìm việc làm và đáp ứng công việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Thúc đẩy đào tạo khởi nghiệp sáng tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Để thúc đẩy đào tạo khởi nghiệp sáng tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay, cần lồng ghép đào tạo chuyên môn với đào tạo kỹ năng để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác giáo dục và đào tạo; tăng cường các hoạt động bổ trợ, giáo dục và nâng cao kĩ năng hỗ trợ nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Với việc đưa vào giảng dạy khởi nghiệp trong các trường dạy nghề, thanh niên có thể học cách tự kinh doanh, làm hợp đồng phụ và kinh doanh nhỏ trong tất cả các lĩnh vực này.
Đào tạo giáo viên cũng là nội dung quan trọng cần tập trung triển khai. Giáo viên có vai trò quan trọng trong việc truyền đạt các kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo đến học sinh. Do đó, cần tăng cường đào tạo kỹ năng giảng dạy cũng như tăng cường bổ sung kiến thức, kỹ năng mới về khởi nghiệp sáng tạo, kiến thức thực tiễn và kỹ năng giảng dạy phù hợp với xu hướng mới.
Giảng viên của các khóa học khởi nghiệp cần thể hiện được các kỹ năng kinh doanh, dẫn dắt bằng ví dụ cụ thể, đóng vai trò như một hình mẫu và người cố vấn kinh doanh cho sinh viên. Giáo viên có thể mời các doanh nhân và học viên hỗ trợ trong lớp học cũng như trong các hoạt động ngoại khóa và đóng vai trò là hình mẫu, người cố vấn hoặc huấn luyện viên.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố thành công quan trọng đối với giáo dục khởi nghiệp là sự tham gia hiệu quả của khu vực tư nhân, có cơ chế thu hút các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu góp vốn hình thành quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Nhà trường cùng cần tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Ở phương diện quản lý nhà nước, Nhà nước cần tạo dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, đặc biệt là cần có đạo luật dành riêng cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và của sinh viên nói riêng. Đồng thời, cần có chính sách cho sinh viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đất đai hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có quỹ hỗ trợ để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên.
Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến khởi nghiệp và phát triển nghề nghiệp nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của học sinh, sinh viên. Tăng cường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nguyễn Thị Thu