Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần phát triển bền vững ở tỉnh Bình Dương hiện nay - Nhìn từ góc độ lý luận và thực tiễn

Thứ sáu, 22/11/2024 - 08:57

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là động lực phát triển kinh tế - xã hội trọng yếu, góp phần đáng kể vào sự thịnh vượng chung của đất nước. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của nguồn lực này, tỉnh Bình Dương trong suốt 26 năm qua đã kiên định mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, coi đây là công cụ then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy bài viết này tập trung phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến việc đẩy mạnh thu hút đầu tư tại tỉnh Bình Dương hiện nay.

1. Cơ sở lý luận về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một dạng đầu tư xuyên biên giới, trong đó một nhà đầu tư cư trú tại một quốc gia này thiết lập mối quan hệ lâu dài và ảnh hưởng đáng kể đối với một doanh nghiệp cư trú ở quốc gia khác. Việc sở hữu từ 10% quyền biểu quyết trở lên của doanh nghiệp trong quốc gia này bởi một nhà đầu tư ở quốc gia khác được coi là bằng chứng cho mối liên kết như vậy. FDI là yếu tố then chốt trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, do tạo ra sự liên kết ổn định và lâu dài giữa các nền kinh tế. Nó cũng là phương tiện chính để chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia, thúc đẩy thương mại thông qua tiếp cận thị trường nước ngoài và có thể là công cụ để phát triển kinh tế. Các chỉ số trong nhóm này bao gồm giá trị hướng nội và hướng ngoại của cổ phiếu, dòng vốn và thu nhập, theo quốc gia đối tác, theo ngành...

Quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Bình Dương về thu hút đầu tư nước ngoài đã được xác định rõ ràng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thể hiện ở nhiều chủ trương, quyết sách thu hút FDI từ các tổ chức hay cá nhân như: Nghị Quyết số 10-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII năm 2017 đã chỉ ra: "Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ"[1]. Ngoài ra, Bộ Chính trị còn ban hành Nghị quyết số 23 - NQ/TW ngày 23/03/2018 về Định hướng xây dựng chính sách phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 23 đưa ra những mục tiêu tổng quát "Về định hướng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong thời kỳ mới, đặc biệt là thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0"[2], Nghị quyết số 23 cũng thể hiện quyết tâm định hướng thu hút đầu tư nước ngoài "chất lượng cao", chuyển dịch từ số lượng sang chất lượng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thân thiện với môi trường, tăng cường chuyển giao công nghệ và kết nối với doanh nghiệp Việt Nam thông qua 03 định hướng ưu tiên: (i) về công nghệ; (ii) về hình thức đầu tư; và (iii) về nhà đầu tư. Và tiếp đó Bộ chính trị ban hành thêm Nghị quyết số 50 - NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó có nhiều định hướng, giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh thu hút và phát huy hiệu quả của đầu tư nước ngoài, sẽ tạo điều kiện tốt hơn để thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng trong giai đoạn tới.

Trên những định hướng cũng như chính sách chung về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Bình Dương luôn nỗ lực không ngừng trong việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu trở thành một thành phố thông minh. Tỉnh xác định sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả cho các chính sách và năng lực của bộ máy hành chính. Bước tiến đáng chú ý là Tỉnh đưa vào hoạt động Trung tâm Kiểm soát và Điều hành Thông minh (IOC), cung cấp cho lãnh đạo Tỉnh một cái nhìn toàn diện và cập nhật kịp thời về mọi hoạt động kinh tế - xã hội.

Song song đó, Đề án xây dựng Thành phố Thông minh Bình Dương đã tạo dựng được nền tảng cho mô hình 03 nhà (nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà trường) góp phần mạnh mẽ vào quá trình thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và trường học, tạo điều kiện cho nhiều ý tưởng có giá trị thiết thực về phát triển hệ sinh thái nghiên cứu khoa học công nghệ và khởi nghiệp.

2. Thực tiễn đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh Bình Dương góp phần phát triển bền vững trong thời gian qua

Theo thống kê đầu năm 2023 toàn tỉnh đã thu hút đầu tư trực tiếp từ nhà đầu tư từ nước ngoài 1 tỷ 467 đô la Mỹ (hoàn thành 81% kế hoạch, bằng 48% so với cùng kỳ); bao gồm 127 dự án mới (619 triệu đô la Mỹ), 37 dự án điều chỉnh tăng vốn (188 đô la Mỹ), 138 dự án góp vốn (808 triệu đô la Mỹ) và 10 dự án điều chỉnh vốn (148 triệu đô la Mỹ). Luỹ kế đến nay cả tỉnh có 4.211 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 40,3 tỷ đô la Mỹ[3]. Đến hết 6 tháng đầu năm 2024 Bình Dương đã thu hút thêm hơn 824,6 triệu đô la Mỹ. Trong nước, có 96 dự án mới với tổng vốn đầu tư hơn 464,6 triệu đô la Mỹ; 66 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng thêm hơn 264,8 triệu đô la Mỹ và 62 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng trị giá góp vốn là 95,1 triệu đô la Mỹ[4].Các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh thu hút 74 dự án đầu tư mới, 46 dự án điều chỉnh tăng vốn, 33 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký là 684,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 93% tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh. Bên ngoài các KCN thu hút 22 dự án đầu tư mới, 16 dự án điều chỉnh tăng vốn, 29 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký là 61,2 triệu đô la Mỹ, chiếm 17% tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành thu hút được đông đảo sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài với 71 dự án đầu tư đăng ký mới, 54 dự án điều chỉnh tăng vốn, 41 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư là 779,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 94,54% tổng số vốn đầu tư đăng ký[5].

Với vị trí thuận tiện, mặt bằng rộng lớn, và những chế độ, chính sách thông thoáng, Bình Dương vẫn đang tạo được sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư. Ngoài những dự án mới, 6 tháng đầu năm 2024, nhiều nhà đầu tư tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ mới hiện đại hơn, mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp để tăng công suất. Mới đây, thương hiệu nữ trang nổi tiếng nhất hành tinh Pandora (Đan Mạch) đã khánh thành nhà máy Pandora Production Việt Nam ở KCN VSIP 3. Đây là nhà máy sản xuất thứ ba của Pandora và cũng là cơ sở đầu tiên của Pandora được đặt ở Thái Lan, có tổng vốn đầu tư hơn 150 triệu đô la Mỹ (tương đương 3.800 tỷ đồng).

Song song với việc tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Bình Dương cũng tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các địa phương nước ngoài cùng các đối tác khu vực. Vừa qua, sự kiện "Gặp gỡ Hàn Quốc 2024" đã diễn ra ở Bình Dương. Đây cơ hội để các địa phương phía Nam và tỉnh Bình Dương nói riêng với các đối tác Hàn Quốc đánh giá tình hình hợp tác. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa các công tác đối ngoại kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hàn Quốc xếp thứ 5 về vốn đầu tư với gần 800 dự án có tổng vốn đầu tư 3,4 tỷ USD.

Tính đến nay, tỉnh Bình Dương có mối quan hệ hợp tác hữu nghị với 13 địa phương nước ngoài, trong đó có hai địa phương của Hàn Quốc là thành phố Daejeon từ năm 2005 và quận Gangnam (thành phố Seoul) vào đầu năm 2022[6].

Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao như dịch vụ vận tải, logistics cùng các dịch vụ hiện đại khác; phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp khoa học công nghệ trên nền tảng công nghiệp 4.0 tại các quốc gia phát triển, đối tác chiến lược trên toàn cầu với trình độ quản trị hiện đại, công nghiệp công nghệ cao, trong đó có các đối tác châu Âu và Canada.

3. Giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới

Thứ nhất, xây dựng chính sách ưu đãi cạnh tranh, vượt trội, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút các dự án tầm cỡ quốc gia, dự án công nghệ cao, đồng thời thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Thứ hai, ngoài việc hoàn thiện thể chế pháp luật, tỉnh Bình Dương cần tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn và chuyên nghiệp. Cải cách hành chính, đặc biệt ở cấp địa phương, là yếu tố then chốt.

Thứ ba, bên cạnh việc cung cấp môi trường đầu tư hấp dẫn, việc áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư là yếu tố quan trọng, việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và phát triển với các doanh nghiệp nước ngoài cũng đóng vai trò then chốt. Việc giảm thiểu chi phí giao dịch liên quan thông qua các biện pháp linh hoạt như ưu đãi thuế, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và các dịch vụ liên quan là điều cần thiết.

Thứ tư, ngoài việc xác định các lĩnh vực cốt lõi, việc xác định thời gian và chia giai đoạn phù hợp với từng lĩnh vực và từng giai đoạn phát triển của Tỉnh cũng quan trọng không kém.

Thứ năm, nâng cao công tác tuyên truyền, vận động xây dựng thương hiệu của Bình Dương về thu hút FDI. Bình Dương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, xây dựng hình ảnh của Tỉnh trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện đại để ngày càng thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài.

Tóm lại, thực tế việc đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của Bình Dương đã thu được những thành quả. Nhờ vào sự vận dụng một cách linh hoạt đối với những chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng với quyết tâm cao của Tỉnh uỷ, Chính quyền Bình Dương trong việc cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế đã góp phần thu được những kết quả như đã nêu. Từ đó, tỉnh đã tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, đã thu hút được nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của Bình Dương không những đóng góp vào sự phát triển của tỉnh và góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Ths. Phạm Thị Quý - Trường Chính trị tỉnh Bình Dương


Tài liệu tham khảo:

1. TS. Nguyễn Thị Quỳnh Anh: "Giải pháp tăng cường hiệu quả thu hút FDI tại Việt Nam", Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14 - tháng 5/2023.

2. Cục Thống kê tỉnh Bình Dương: "Bình Dương - Con số và sự kiện - 25 năm xây dựng và phát triển", Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2021.

3. PGS, TS Bùi Văn Huyền - Phạm Thị Bảo Thoa: "Thu hút đầu tư trực tiếp tại nước ngoài ở Việt Nam hiện nay: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn", Tạp chí Cộng sản, ISSN 2734-9071, số tháng 7/2024.

4. Hoàng Thu:"Bình Dương: Thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, https://baophapluat.vn/binh-duong-thu-hut-nhieu-du-an-dau-tu-nuoc-ngoai-post498557.html".

5. Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương: "Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024".

6. Cục Thống kê tỉnh Bình Dương: "Bình Dương - Con số và sự kiện - 25 năm xây dựng và phát triển", Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2021, tr. 71

Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ban Chấp hành trung ương: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 23/03/2018 về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

https://www.xaydungdang.org.vn/binh-duong/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-tiep-tuc-tang-von-dau-tu-vao-binh-duong-21187

Hoàng Thu: Bình Dương: Thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, https://baophapluat.vn/binh-duong-thu-hut-nhieu-du-an-dau-tu-nuoc-ngoai-post498557.html.

https://vneconomy.vn/binh-duong-thu-hut-gan-4-300-du-an-fdi.htm.