Thực trạng thực thi chính sách về lao động, việc làm cho thanh niên
Trong lực lượng lao động của đất nước hiện nay, thanh niên là một trong những bộ phận lao động chính với khoảng 10,8 triệu người (chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước), mang lại một nguồn cung lao động dồi dào, trẻ, có nhiều tiềm năng. Cơ cấu lao động thanh niên cũng đang tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phần lớn thanh niên làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ (chiếm 69,2%).
Để phát huy vai trò và tiềm năng lao động của lực lượng thanh niên, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát huy vai trò, vị trí và tiềm năng to lớn của thanh niên nói chung, trong lao động, lập nghiệp, khởi nghiệp nói riêng. Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên năm 2020, Bộ luật
Lao động năm 2019, Luật Việc làm năm 2013 (Văn bản luật đầu tiên quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020…
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên nhằm thể chế hóa các quy định của pháp luật về việc làm nói trên, như: Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm và nhiều nguồn tín dụng ưu đãi khác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Hàng năm, các cơ quan nhà nước đã phối hợp và tổ chức triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án hỗ trợ việc làm và đã góp phần tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho hàng triệu thanh niên; hỗ trợ hàng trăm ngàn thanh niên tạo việc làm qua các nguồn tín dụng ưu đãi, đặc biệt đã có tới 70% lao động là thanh niên đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tập trung ở các thị trường có thu nhập cao, ổn định như: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nhìn chung, hệ thống chính sách việc làm đối với lao động là thanh niên đã tương đối đồng bộ, bao quát. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận có thể thấy, hệ thống pháp luật và chính sách về việc làm liên quan tới đối tượng thanh niên còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên, thanh niên nông thôn, đặc biệt là các nhóm đặc thù, yếu thế. Các chính sách ưu đãi đối với thanh niên làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng chưa thực sự hấp dẫn.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc thực thi các chính sách lao động và việc làm cho thanh niên thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa tạo được hiệu quả như mong đợi do thiếu cơ sở pháp lý. Trong khi đó, các nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế. Theo thống kê trên thực tế, tỉ lệ lao động thanh niên qua đào tạo mặc dù có cao hơn tỉ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể; một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật kém, thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc. Tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên (15-24 tuổi) năm 2020 là 7,21%, năm 2021 là 8,55%, năm 2022 là 7,72%, quý 1/2023 là 7,61%, cao gấp 3,38 lần tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,25%). Gần 1/3 số người thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 15-24 tuổi. Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta. Đó là chưa kể tới tình trạng một bộ phận lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp có xu hướng không trở về địa phương, gây sức ép về việc làm ở khu vực thành thị, tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực xã hội đối với thanh niên....
Giải pháp thực thi hiệu quả chính sách về lao động, việc làm cho thanh niên
Để phát huy vai trò, vị trí, tiềm năng lao động của lực lượng thanh niên, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trước mắt cần nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả chính sách về lao động, việc làm cho thanh niên trong giai đoạn tới, cụ thể:
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm cho thanh niên. Các thể chế, chính sách cũng cần tập trung vào việc xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng linh hoạt, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lao động hiện đại. Các chính sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo sẽ giúp thanh niên nâng cao kỹ năng cần thiết để tự tin khi tham gia vào thị trường lao động. Ngoài ra, cần lưu ý lồng ghép chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên vào quá trình thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Tuỳ theo đặc thù thanh niên thuộc nhóm đối tượng nào thì lồng ghép triển khai chương trình hỗ trợ phù hợp.
Ưu tiên các nguồn vốn cho thanh niên. Hiện nay, vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho đào tạo nghề, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm cho các đối tượng là thanh niên chủ yếu tập trung vào 6 chương trình, gồm: chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm; tín dụng cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khan; tín dụng đối với vùng khó khăn. Trong đó, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện nay còn rất hạn chế do huy động từ nguồn vốn của địa phương. Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp trình Chính phủ để ưu tiên nguồn vốn cho thanh niên.
Có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, tăng cường chính sách ưu đãi thuế, vay vốn, và hỗ trợ khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là những doanh nghiệp do thanh niên điều hành. Biện pháp này sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, xây dựng môi trường kinh doanh tích cực và tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho thanh niên. Đồng thời, nên có những chính sách kết nối chặt chẽ giữa các trường đào tạo và doanh nghiệp để đảm bảo rằng sinh viên và thanh niên có cơ hội thực tập, tìm hiểu thêm về thực tế công việc cũng như phát triển mạng lưới kết nối trong cộng đồng kinh doanh.
Phát triển chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên. Biện pháp này cần tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp nguồn lực tài chính và đào tạo chuyên sâu để thúc đẩy sự đổi mới và phát triển kinh tế từ phía thanh niên. Qua đó, không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế quốc gia mà còn tạo ra cơ hội và động lực cho thế hệ trẻ. Nhà nước có thể xây dựng các chương trình hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng quản lý và đội ngũ chuyên gia để khuyến khích thanh niên tham gia vào lĩnh vực khởi nghiệp. Chính phủ cũng nên xem xét giảm các rủi ro tài chính và pháp lý đối với các dự án của thanh niên thông qua các quy định về thuế suất ưu đãi, cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi và giảm bớt các thủ tục pháp lý để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp. Chính phủ cũng có thể xây dựng các quỹ hỗ trợ và tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thanh niên. Ngoài ra, Chính phủ có thể tổ chức các hội thảo và diễn đàn để tạo ra môi trường thúc đẩy sự giao lưu ý tưởng, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp mới và những doanh nghiệp thành công.
Xây dựng và phát triển chính sách hỗ trợ đặc biệt cho nhóm thanh niên khó khăn. Biện pháp này không chỉ tập trung vào việc giảm bớt khó khăn tài chính mà còn hướng đến việc tăng cường khả năng học tập, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe và khởi nghiệp, đảm bảo rằng không thanh niên nào bị bỏ lại phía sau trong hành trình định hình tương lai. Chính phủ cần xem xét hỗ trợ tài chính cho việc tiếp cận giáo dục và đào tạo của thanh niên khó khăn thông qua các chương trình học bổng và các khoản hỗ trợ chi phí học tập. Chính phủ cũng cần tạo ra các chương trình đào tạo nghề nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên khó khăn, nhằm giúp họ tích luỹ kỹ năng thực tế và tăng cường khả năng tiếp cận vào thị trường lao động. Các chương trình này thường kết hợp giáo dục và đào tạo nghề để tối ưu hóa cơ hội cho thanh niên trong quá trình học tập.
Việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách này sẽ góp phần tạo lập một môi trường việc làm tích cực và công bằng cho thanh niên, đồng thời tạo ra động lực để họ có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Đoàn Nhân Đạo