Trong chương trình GDPT mới từ lớp 6, các môn Địa lý- Lịch sử sẽ được tích hợp thành một môn, tương tự các môn như Vật lý, Sinh học, Hóa học sẽ được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên.
Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 sẽ học theo chương trình GDPT mới.
Giáo viên lo lắng
Cô Hoàng Thị Mai Tuyết, giáo viên dạy Hóa, Sinh tại Hà Nội cho biết, điều này đồng nghĩa với việc cô sẽ phải dạy tích hợp cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh.
Tới thời điểm này, cô Tuyết cũng như nhiều đồng nghiệp khác đều hoang mang, lo lắng về việc trang bị kiến thức để dạy tích hợp.
“Mỗi tiết học chỉ có 45 phút, hầu hết các bài đều có kiến thức của cả 3 môn, nếu giải thích nhanh, thì sẽ sơ sài, không đảm bảo, nhưng nếu đi sâu thì rất khó đảm bảo về thời gian. Hơn nữa, giáo viên dạy Hóa, sẽ giảng sâu kiến thức Lý, Sinh thế nào và ngược lại. Không phải thầy cô nào cũng chuyên được cả 3 môn. Thời gian tập huấn, đào tạo giáo viên còn quá ngắn, không thể so sánh với thời gian 4 năm học chuyên sâu bậc đại học, hay kinh nghiệm sau nhiều năm giảng dạy ở những môn chính. Nhưng sau ngần ấy thời gian cũng phải thẳng thắn nói rằng không phải kiến thức nào thầy cô cũng có thể nói sâu, chưa nói đến việc nay chỉ tập huấn vài tháng rồi dạy luôn”, cô Tuyết lo lắng chia sẻ.
Giáo viên này cũng thẳng thắn cho rằng, với việc tập huấn như hiện nay, giáo viên không thể tự tin đảm bảo kiến thức. “Bản thân chúng tôi cũng phải tự học ngày học đêm, nhưng vẫn rất áp lực, nếu không chắc về kiến thức, đứng trên bục giảng cũng thấy xấu hổ với học sinh, chưa kể khi dạy những lớp chuyên, lớp chọn, kiến thức từ tập huấn không đủ cho thầy cô dạy học sinh giỏi”, cô Tuyết nói.
Cô Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng trường THCS Đức Phượng (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, hầu hết các giáo viên của trường trước đây được đào tạo để dạy đơn môn, nên trước khi áp dụng chương trình mới, nhiều giáo viên không khỏi lo lắng.
“Mỗi giáo viên có một chuyên môn và thế mạnh. Ví dụ giáo viên Hóa học có thể biết về Vật lý, Sinh học, nhưng không thể chuyên sâu, tương tự giáo viên dạy Sinh học thì khó có thể dạy cả Vật lý, Hóa học. Trừ một số trường hợp được đào tạo song bằng. Những giáo viên ở thế hệ trước phần lớn chỉ được đào tạo 1 chuyên ngành cụ thể, nên khi áp dụng vào chương trình mới chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định”, cô Diệp lo ngại.
Dạy tích hợp, công việc của giáo viên không thay đổi?
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018 cho biết, yêu cầu bắt buộc trong chương trình mới ở bậc THCS trở lên là dạy học tích hợp, trong khi đó, đa số giáo viên lâu nay đã quen với việc dạy đơn môn. Đây là thách thức lớn với đội ngũ giáo viên.
“Khi xây dựng chương trình, chúng tôi đã bàn luận để chọn cách tích hợp nào. Trên thế giới có nhiều cách tích hợp khác nhau, còn tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải để phù hợp với giáo viên phổ thông. Chúng tôi khẳng định dù dạy tích hợp, nhưng công việc của thầy cô không thay đổi. Tức tổng số giờ dạy Sinh học, Hóa học, Vật lý hiện nay là bao nhiêu tiết, thì khi dạy tích hợp số giờ vẫn tương đương.
Nội dung cũng được bố trí theo mạch. Ví dụ, khi học về chất và sự biến đổi của chất, nội dung này không thuần túy là Hóa học…”, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn cho biết.
Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018 cũng cho biết, trước khi áp dụng chương trình mới, giáo viên sẽ được tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo. Tuy nhiên, với những thay đổi này cũng đặt ra những thách thức, yêu cầu nhất định với các thầy cô trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh việc giúp học sinh vận dụng kiến thức vào thực tế, mang thực tiễn vào bài học…
Còn theo TS Nguyễn Văn Ninh, đồng Chủ biên môn Lịch sử- Địa lý bộ sách Cánh Diều, để thực hiện được mục tiêu dạy tích hợp, việc đào tạo giáo viên đóng vai trò quan trọng, hiện nhiệm vụ này đang được các trường sư phạm triển khai. Tại các trường ĐH sư phạm trên cả nước, từ năm 2018 đã mở các ngành mới đào tạo giáo viên liên môn như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý…
TS Ninh cho rằng, đó là chiến lược về lâu dài, tuy nhiên, thực tế không ít giáo viên đang lo ngại về việc dạy tích hợp sẽ áp dụng từ năm học tới. Theo đồng Chủ biên sách Lịch sử - Địa lý bộ Cánh Diều, hiện nay các giáo viên đang được tập huấn theo 9 module, bàn về nội dung và phương pháp giảng dạy của các môn học. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng có những chương trình bồi dưỡng giáo viên hiện hành để thực hiện môn học, nhiều Sở GD-ĐT đã triển khai bồi dưỡng đại trà cho giáo viên phổ thông theo nguyên tắc bồi dưỡng chéo. Ví dụ, giáo viên Địa lý sẽ được bồi dưỡng 20 tín chỉ môn Lịch sử và ngược lại.
“Sau khi thực hiện bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm 1 giáo viên có thể dạy được các môn tích hợp”, TS Nguyễn Văn Ninh cho biết.
Không chỉ các môn Lịch sử, Địa lý hay Khoa học Tự nhiên được tích hợp, với môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn cũng cho biết, theo chương trình mới, môn học này cũng cần tích hợp nhiều kiến thức khác nhau. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, thực tế việc dạy học tích hợp đã có ngay trong chương trình hiện hành, tại chương trình GDPT 2018 sẽ kế thừa và phát triển thêm. Thầy Thống đơn cử như để đọc hiểu văn bản, học sinh cần huy động nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau từ đọc hiểu tiếng Việt, hiểu ngữ nghĩa câu từ, vận dụng kiến thức về lý luận văn học, hiểu về lịch sử văn học, bối cảnh xã hội ra đời của tác phẩm, ngoài ra còn cần vận dụng những kinh nghiệm, trải nghiệm sống thực tế của chính bản thân… Những yêu cầu này về bản chất chính là dạy học tích hợp.
Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, khi áp dụng chương trình mới, giáo viên sẽ phải thay đổi lối giảng văn thông thường, từ thói quen giảng những gì thầy cô biết, sang việc tổ chức các hoạt động, dẫn dắt để học sinh tìm ra cái hay, ý nghĩa của mỗi tác phẩm./.
Nguyễn Trang/VOV