Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chia sẻ, khi nghe thông tin nghi phạm khai chạy 1 suất nâng điểm là 1 tỷ đồng ở Sơn La, số tiền quá lớn, đặt vào cảm xúc của các thí sinh và gia đình của các thí sinh có số điểm xứng đáng nhưng bị tước đi cơ hội, nữ đại biểu này không cảm thấy sốc mà đó là uất nghẹn. Bởi các thí sinh và gia đình của các em đã phải nỗ lực, phấn đấu để định hướng, nỗ lực trong suốt quá trình học tập. Tuy nhiên, sự tha hóa của những con người có mục đích xấu trong xã hội đã tước đi cơ hội của những em đó.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên).
Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, 1 tỷ đồng chia cả ê kíp người mua, người bán, người thụ hưởng thì đồng nghĩa với việc nhân cách đạo đức, danh dự, nhân phẩm, thậm chí tương lai của 1 thí sinh, cả ê kíp đó quá rẻ. Nó chỉ “đắt” khi sự việc đã được phát hiện, đó là cái giá phải trả quá đắt.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho biết, ngân hàng câu hỏi, phần mềm chấm thi như là bí mật quốc gia nhưng vì đâu, cách làm như thế nào mà người ta bỏ đồng tiền ra mua quá dễ dàng như vậy? “Bí mật quốc gia đâu phải mua bằng tiền, nhưng người ta đã mua được. Mấu chốt vấn đề ở chỗ đó, tại sao chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật này?”- đại biểu Hiền nói.
Theo nữ đại biểu này, thông tin ban đầu về việc có thể mua được điểm thi cho thấy sự quản lý lỏng lẻo, chủ quan của cơ quan chức năng ngành giáo dục và lòng tham của một nhóm người đã tiếp tay cho những vi phạm nghiêm trọng.
“Trước đó, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã cho thi thử, đề thi lấy từ ngân hàng câu hỏi. Vấn đề đặt ra là khâu thi thử đã có vấn đề, phần mềm chấm thi có vấn đề. Vậy ai là người đã nghiệm thu phầm mềm này? Tại sao phần mềm chấm thi lại có thể cho phép sửa điểm của tất cả các bài thi từ 1 điểm nâng lên 29 điểm. Vấn đề này không phải từ người mua không, người hưởng không? Người bán ở đây rất nhiều chứ không phải ít, phải là một ekip, một hệ thống.”- đại biểu Hiền cho biết.
“Nén bạc đâm toạc tờ giấy”
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, nếu thông tin chi 1 tỷ đồng/suất chạy nâng điểm thì đây được coi là hành vi tham nhũng, hành vi nhận hối lộ, thậm chí khả năng có cả môi giới. Hành vi này rất nghiêm trọng, ở mức tiền tỷ thuộc khung hình phạt rất cao, ứng với các quy định của Bộ Luật hình sự. Vì vậy, cần phải xem xét, xử lý. Hiện, thẩm quyền thuộc vào các cơ quan điều tra, viện kiểm sát vì người ta có thể thực hiện công tố.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, vụ việc này gây ra hệ lụy là vi phạm pháp luật, cán bộ cần phải xem xét trách nhiệm. Bên cạnh đó, làm mất hình ảnh của các cơ quan quản lý, mất niềm tin của người dân đối với ngành giáo dục và hệ thống thi cử và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những cá nhân khác. “Điều này dẫn đến trong xã hội chúng ta, mọi thứ đồng tiền chi phối, nén bạc đâm toạc tờ giấy, thay đổi nhân cách con người. 1 tỷ bạc mà thay đổi nhân cách thì tôi nghĩ con người không còn là con người nữa”- đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết.
Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước)- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trước đây những vùng nhạy cảm thường là ngân sách, đất đai, tài nguyên, khoáng sản thì bây giờ “vùng nhạy cảm” len lỏi cả vào trong giáo dục. Theo đại biểu Phan Viết Lượng, cấp ủy phải có nhìn nhận, dự báo, xác định tiêu cực, vi phạm của cán bộ, giờ đây không nằm ở một ngành nghề nào cố định mà có những ngành nghề mình không tưởng thì lại có.
Ông Lượng cho rằng, ngay khi sự việc xảy ra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có ý kiến tới Bộ Công an, Bộ Giáo dục-Đào tạo vì thời gian điều tra cũng đã gần hết hạn. “Dư luận đặt sức ép cần phải sớm công khai để xử lý nghiêm, để chuẩn bị tốt cho 1 kỳ thi sắp tới. Sau đó, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, vì vậy tôi cho rằng, Bộ Công an hiện cũng đang đứng trước một sức ép lớn để sớm đưa ra kết luận cuối cùng.” - ông Phan Viết Lượng cho biết./.
Theo VOV