TNV - Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) năm 2021 tìm kiếm các đối tác có năng lực và mong muốn đồng hành phát triển các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (innovation hubs) theo mô hình Khu dịch vụ tập trungvới sự tham gia phối hợp của Nhà nước, cơ sở giáo dục đào tạo và các tập đoàn/doanh nghiệp lớn.
Mới đây, Nghị định 94/2020/NĐ-CP ban hành ngày 21 tháng 8 năm 2020 đã quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), trong đó có nhiều nội dung ưu đãi quan trọng về tín dụng đầu tư cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, thị thực và lao động nước ngoài cho các cá nhân làm việc tại trung tâm, hay các ưu đãi thuế, đất đai,... Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan xem xét, quyết định áp dụng một phần hoặc toàn bộ cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định này đối với các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo khác. Điều này đặt ra nhu cầu về nghiên cứu cơ chế xác định hệ thống các loại hình trung tâm hỗ trợ startup được tham gia hưởng các ưu đãi đặc thù này.
Tính liên kết của hệ thống các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Thời gian qua, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Nhiều cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đã được hình thành và đi vào hoạt động, điển hình như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia kể trên (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Trung tâm hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đặt tại một số trường đại học lớn (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), hay các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đang được hình thành tại các địa phương như Đà Nẵng, Bình Định, Hải Phòng, Quảng Nam, … thông qua triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Những Trung tâm này đang góp phần thiết lập một hệ sinh thái năng động và thu hút nhiều nguồn lực trong nước, quốc tế cho khởi nghiệp.
Tuy nhiên từ thực tiễn cho thấy, đa số trung tâm này chưa có mô hình hoạt động bền vững, cũng như chưa có sự kết nối chặt chẽ để hình thành mạng lưới hỗ trợ có tính chất thống nhất để tạo điều kiện tiếp cận tốt nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên cả nước. Để cải thiện vấn đề này, rất cần các hoạt động kết nối, trao đổi thường xuyên giữa các trung tâm nhằm chia sẻ nguồn lực, tiếp cận tư duy và cách làm hiệu quả để từng bước chuẩn hoá và định vị vai trò của mình đối với cộng đồng khởi nghiệp ĐMST trên cả nước.
Hiện nay, các công nghệ kết nối trực tuyến, không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý đã phát triển và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu kết nối thường xuyên giữa các đơn vị. Điều cần thiết là cần có vai trò của một đơn vị ở tầm quốc gia điều phối và hỗ trợ nguồn lực về đổi mới sáng tạo cho các trung tâm này, đặc biệt là hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm của nhà nước với các cơ sở giáo dục đào tạo và các tập đoàn/doanh nghiệp lớn để khai thác tối đa các lợi thế về nguồn lực từ cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính... sẵn có hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) đã thành lập trụ sở đầu tiên tại Hà Nội
trong khuôn viên của Trường đại học Kinh tế quốc dân.
Trong bối cảnh đó, tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phát triển các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên cả nước, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh và hình thành Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Triển khai nhiệm vụ này, Bộ KH&CN đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) với mục tiêu hình thành và phát triển mạng lưới tổ chức hỗ trợ có năng lực đáp ứng nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST trong nước và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế.
Trung tâm NSSC đóng vai trò hạt nhân, là tổ chức thường trực, vận hành Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, điều phối các nguồn lực sẵn có và thu hút mới cho các hoạt động xây dựng, phát triển hệ sinh thái. Khi đó, hệ thống các trung tâm với vai trò hỗ trợ, phối hợp của NSSC sẽ xác định được vai trò và vị trí của mình trong hệ sinh thái, qua đó có thể khai thác tối đa lợi thế và nguồn lực đặc thù theo từng địa phương, từng lĩnh vực, đồng thời chia sẻ, phối hợp với nhau để hình thành một mạng lưới có định hướng thống nhất nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST theo như chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01 và 02/2019/NQ-CP.
Trường đại học – cái nôi của hệ sinh thái khởi nghiệp của các thành phố
Trường đại học từ lâu được biết đến là cái nôi của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại các thành phố, giống như cách mà Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã góp phần hình thành hệ sinh thái tại Cambridge và Đại học Stanford hình thành hệ sinh thái tại thành phố Palo Alto, trung tâm của Thung lũng Silicon. Xác định được vai trò quan trọng đó, Đề án 844 đến nay đã hỗ trợ hơn 20 trường đại học, cao đẳng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước để thực hiện các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, thông qua đó tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực trong các cơ sở này.
Ông Phạm Dũng Nam – Giám đốc Trung tâm NSSC cho biết: “ Hoạt động của hệ thống Trung tâm NSSC với nền tảng từ Đề án 844 khi phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp định hướng mô hình hoạt động, đào tạo cho đội ngũ cán bộ vận hành tại cơ sở và hỗ trợ mở rộng mạng lưới quan hệ với các tổ chức, chuyên gia, nhà đầu tư và các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nước và quốc tế. Các công tác này sẽ góp phần phát triển hệ sinh thái trong trường và tại địa phương, hướng đến nâng cao vị thế của đơn vị khi kết nối vào Mạng lưới kết nối khởi nghiệp ĐMST quốc gia .” Không chỉ là hoạt động cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, mà các công tác đào tạo cố vấn/ huấn luyện viên (mentor/coach), đào tạo, nâng cao năng lực cho các cá nhân/cán bộ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hoặc các tổ chức/doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần thiết cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng được triển khai đồng bộ tại các cơ sở.
Tận dụng nguồn lực tài chính, thị trường và nhân lực chất lượng cao trong các tập đoàn lớn
Từ một góc độ khác, các doanh nghiệp, tập đoàn là nơi thuận lợi để sản sinh ra doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công dựa trên nguồn lực về tài chính, thị trường và nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, để thực sự có sự đột phá về đổi mới sáng tạo,nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cũng đang tập trung đầu tư các cơ sở vật chất hỗ trợ cho các ý tưởng mới. Điển hình như hệ thống 17 Trung tâm Kinh tế sáng tạo và Đổi mới (CCEI) của Chính phủ Hàn Quốc đã liên kết chặt chẽ với các tập đoàn như Lotte, LG, Samsung, ... để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp theo lĩnh vực chuyên biệt tại mỗi địa phương.
Từ đây, các dịch vụ cho khởi nghiệp sáng tạo mà NSSC hỗ trợ cho các trung tâm trong mạng lưới đối tác sẽ tập trung vào đào tạo, ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, truyền thông, cũng như các dịch vụ công về khoa học và công nghệ bao gồm: dịch vụ đăng ký, bảo vệ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, ... và nguồn lực thông tin, tổ chức và nhân lực khoa học và công nghệ.
Trung tâm kinh tế sáng tạo và đổi mới - Centers for Creative Economy and Innovation (CCEI)
tại thành phố Busanliên kết chặt chẽ với tập đoàn Lotte và tập trung hỗ trợ các startup
dựa trên IoT (công nghệ kết nối vạn vật).
Tập hợp tiếng nói để đề xuất cơ chế, chính sách cho khởi nghiệp
Thêm vào đó, thông qua các hoạt động hợp tác này, các trường đại học, trường nghề, tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp có thể tập hợp tiếng nói để nêu ra những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia.
Thời gian qua, thông qua Đề án 844, một số chính sách quan trọng cho khởi nghiệp sáng tạo đã được tham mưu tới các cơ quan ban hành nhưLuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa2017 và các nghị định hướng dẫn công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định 76/2018/NĐ-CPvới nội dung hướng dẫn doanh nghiệp tập đoàn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, Luật Đầu tư sửa đổi và các nghị định liên quan hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài và các lĩnh vực ưu đãi đầu tư, hay dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (FinTech). Có thể nói, việc tham gia đồng hành cùng hệ thống Trung tâm NSSC sẽ giúp đẩy mạnh và liên kết những kết quả và nguồn lực có được từ sự hỗ trợ của cơ chế chính sách và tiềm lực khởi nghiệp sáng tạo của các thành phố, trường đại học và doanh nghiệp lớn trên cả nước.
Để tham gia đồng hành cùng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (NSSC), các địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn lớn và các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia nhiệm vụ “Kết nối, phát triển đối tác thúc đẩy nguồn lực hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST” trong khuôn khổ các nhiệm vụ thuộc Đề án 844 được công bố mới đây tại trang thông tin của Đề án 844, Bộ KH&CN: http://dean844.most.gov.vn/
Đề án 844 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Sau hơn 04 năm triển khai, Đề án đã đồng hành cùng hơn 100 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và phát triển kế hoạch triển khai Đề án tại 53 tỉnh/thành trên toàn quốc, hỗ trợ được gần 2000 dự án, 500 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 52 doanh nghiệp kêu gọi được vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng.
Từ tháng 08/2020, Bộ KH&CN, Đề án 844 thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ năm 2021 đến hết ngày 07/09/2020.
Hải Hà