TNV - Trong suốt thời gian, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã có nhiều tác động tích cực trong đời sống xã hội. Cho nên, việc tìm ra các giải pháp để nâng tầm CVĐ là điều rất cần thiết trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động năm 2009. Qua hơn 10 năm thực hiện, CVĐ đã có tác động tích cực không chỉ đến lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc; mà còn hình thành nên nét văn hóa tiêu dùng trong xã hội. Đặc biệt, đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm của nhà sản xuất, để chất lượng hàng Việt Nam luôn đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Saigon Co.op (người thứ 3 bên trái qua)
tham gia Tuần lễ hàng Việt Nam tại Singapore năm 2018.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tỷ lệ hàng Việt hiện đang chiếm hơn 80% tại các hệ thống siêu thị đến từ nước ngoài (Lotte, AEON) và chiếm hơn 90% tổng lượng hàng hoá đang kinh doanh đối với các siêu thị trong nước (Saigon Co.op, SATRA). Tại các chợ, cửa hàng tiện lợi, cũng có hơn 60% là hàng Việt. Điều này cho thấy, hàng Việt Nam đang dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa, dù đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập.
Được biết đến là một trong những đơn vị thực hiện tốt CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Saigon Co.op với tôn chỉ của đơn vị kinh tế Hợp tác xã, đã có nhiều cách làm sáng tạo, mang tính khác biệt về CVĐ, có thể kể đến như sau:
Một là, tập thể Đảng ủy – HĐQT – Ban Tổng Giám đốc Saigon Co.op luôn kiên định với chủ trương ủng hộ hàng Việt Nam bằng giải pháp chuyên môn hóa của đơn vị bán lẻ. Định kỳ tháng 9 hằng năm, Saigon Co.op luôn phối hợp cùng các nhà cung cấp để tổ chức chương trình “Tự hào hàng Việt”, với quy mô và kinh phí ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bà con nhân dân.
Người dân đang chọn mua nông sản Việt tại hệ thống Co.opmart.
Hai là, bằng thế mạnh sở hữu nhiều mô hình bán lẻ như: Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opsmile, Cheers, Finelife,…, Saigon Co.op đã đưa hàng Việt phát triển theo nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, phù hợp với nhu cầu mua sắm đa dạng của người tiêu dùng.
Ba là, thông qua việc đẩy nhanh tốc độ phát triển mạng lưới, đặc biệt là thị trường tuyến huyện, Saigon Co.op đã đưa hàng Việt tiếp cận sâu rộng về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, từ Hà Nội đến mũi Cà Mau.
Bốn là, để đón đầu xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Saigon Co.op đã áp dụng nhiều giải pháp điện toán hoá vào công tác bán hàng để phân phối hàng Việt đến người tiêu dùng một cách hiện đại, hiệu quả hơn.
Năm là, cải tiến chương trình Khách hàng thành viên thêm cấp độ thẻ Bạch kim, thường xuyên tổ chức nhiều chương trình tặng điểm thưởng, đổi chiết khấu ngay quầy thu ngân, điều này giúp cho Saigon Co.op gắn kết được giữa nhà sản xuất hàng Việt và người tiêu dùng.
Khu vực trưng bày hàng Việt tại siêu thị FairPrice, Singapore.
Sáu là, không ngừng khuyến khích, hỗ trợ hàng Việt đi theo xu hướng thân thiện môi trường. Đồng thời, Saigon Co.op cũng thực hiện cam kết bao tiêu, giải cứu nông sản Việt, hỗ trợ vốn cho các cơ cở sản xuất hàng Việt nhỏ lẻ,…
Bảy là, thông qua các mối quan hệ quốc tế của mình, Saigon Co.op đã đưa gần 1.000 sản phẩm hàng Việt có mặt trên quầy kệ của hơn 300 điểm bán thuộc hệ thống siêu thị FairPrice (Singapore). Trong thời gian tới, Saigon Co.op sẽ hướng đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Canada, Mỹ, Châu Âu, nhằm tích cực quảng bá các thương hiệu Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Tám là, trong các hoạt động xã hội, từ thiện, chia sẻ khó khăn với các đồng bào gặp thiên tai, bão lũ, Saigon Co.op đã góp phần mang hàng Việt đến đông đảo bà con nhân dân cả nước. Ngoài ra, mỗi năm, Saigon Co.op còn tổ chức hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động để đưa hàng Việt về nông thôn, các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Chương trình “Tự hào hàng Việt” tại hệ thống Co.opmart.
Để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được nâng tầm, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới, bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, Saigon Co.op đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, các cấp ủy Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng CVĐ trong đông đảo bà con nhân dân, cùng các nhà sản xuất hàng Việt. Để vừa nâng cao được ý thức của người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt, vừa đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cam kết cải tiến chất lượng hàng Việt ngày một tốt hơn.
Hai là, cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước được tiếp cận về kiến thức nghiên cứu thị trường; định hướng sản xuất; nâng cao năng lực quản trị và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ về thuế, vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt có quy mô vừa và nhỏ, hay các cơ sở nông nghiệp.
Ba là, cần triển khai rộng rãi các bộ tiêu chuẩn hàng hoá hiện hành, có lộ trình nâng cao tiêu chuẩn, hướng đến việc quốc tế hóa chất lượng hàng Việt.
Bốn là, cần xây dựng quy định cụ thể về hàng hoá được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Tránh để hàng sản xuất nước ngoài dán nhãn Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nước nhà.
Năm là, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, triệt tiêu những hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hàng Việt và đẩy mạnh hơn việc bảo hộ tài sản trí tuệ.
Sáu là, cần xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, để cộng hưởng được chuỗi giá trị của hàng Việt, hỗ trợ thúc đẩy hàng Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập toàn diện và sức ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang tác động không nhỏ đến dòng chảy tiêu thụ hàng Việt. Do đó, để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Đặc biệt, không thể thiếu sự nỗ lực, cam kết từ nhà sản xuất, để hàng Việt Nam chất lượng cao thực sự chinh phục được trái tim của đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước. Mỗi người chúng ta hãy cùng chung tay góp sức, kiên quyết không để hàng Việt Nam thua cuộc tại “sân nhà”.
Lê Thanh