Là vùng đất "Đệ nhất danh trà" của Việt Nam, từ nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên xác định chè là cây trồng chủ lực. 70% người dân ở Thái Nguyên có nguồn kinh tế gắn liền với cây chè.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 22.500 ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt trên 267.500 tấn, giá trị sản phẩm trà đạt trung bình khoảng 12.300 tỷ đồng/năm.
Nỗi lo được mùa mất giá
Những ngày đầu thu, khi thời tiết vẫn còn vương cái nóng mùa hạ, nhưng đã dần hiện những hơi lạnh vào buổi sớm mai, là thời điểm mà cây chè hội đủ tinh hoa của đất trời để cho những lá chè với hương vị thơm đậm đà, hợp gu thưởng thức của người Việt.
Những người "sành chè" sẽ phải lựa lúc trời còn tinh mơ, khi nắng còn chưa lên, những giọt sương mai buổi sáng mát lành đọng trên từng cánh trà để bắt đầu hái những nõn chè - thứ nõn tươi mà cây chè phải mất cả tháng trời, ấp ủ cùng tinh hoa của trời đất mới ra được.
"Công cuộc hái nõn chè phải xong trước 7h sáng. Sau 7h, nắng lên, chè sẽ không bằng như khi ngậm sương", chị Nguyễn Thị Nga (thôn Nõn Bẹo, xã La Bằng, Đại Từ, Thái Nguyên) bắt đầu câu chuyện về hái chè như vậy.
Thông thường, hái chè phải tránh lúc nắng gắt, buổi sáng chỉ hái đến 10h, buổi chiều từ sau 2h mới bắt đầu hái.
Chè tươi được hái xong sẽ được phơi ra sàng, để bay cho bớt nước giúp thuận lợi hơn trong trong quá trình chế biến tiếp theo.
Sau khi phơi, lá chè sẽ được vò và sàng tơi, diệt men để định hình thêm hương vị và tạo ra màu sắc của trà.
Sau đó, nguyên liệu sẽ được đưa và máy ốp tạo hình, ra những loại trà đinh, móc câu, trà xoăn thơm ngát, tiếp theo đưa vào máy sấy để cho ra thành phẩm là những loại trà đặc sản Thái Nguyên.
Thông thường, giá bán chè móc câu trung bình 250.000-500.000 đồng/kg, chè tôm nõn giá 600.000-750.000 đồng/kg, chè đinh giá từ 1,5 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng/kg…
Những năm ổn định, cây chè sẽ mang lại kinh tế hiệu quả cho người trồng chè, đảm bảo thu nhập cho từng hộ từ 10 – 15 triệu đồng/người/tháng, doanh nghiệp kinh doanh ngành chè cũng thu đến vài tỷ…
Năm nay, vụ chè thu hoạch từ tháng 5 đến những ngày đầu tháng 8 này cho sản lượng tăng cao, nhưng thay vì vui mừng vì mùa bội thu, người dân Thái Nguyên đang lo lắng vì giá chè tươi đang mất giá.
Tại chợ xã Phúc Xuân (họp vào các ngày 1, 4, 6, 9 Âm lịch hàng tháng) và chợ xã Phúc Trìu (họp vào các ngày 2, 5, 7, 10 Âm lịch) – 2 chợ buôn chè lớn nhất Thái Nguyên, những thương lái ở đây đang "méo mặt" vì giá chè xuống thấp hơn mọi năm.
"Chè tươi tụt từ 35.000-40.000 đồng/kg xuống còn 15.000-20.000 đồng/kg, chè khô thậm chí có loại giảm từ 400.000 đồng/kg xuống 85.000 đồng/kg mà vẫn không có người mua", một thương lái cho biết.
Giá trà bán buôn giảm cũng khiến đời sống của người trồng trà ảnh hưởng theo. Chị Bùi Thị Thảo (xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ) cho biết, cây chè chăm sóc rất tốn công sức thời gian và đầu tư, phải mất tận 3 năm chăm bón mới bắt đầu ra kinh tế.
Nếu vườn chè lâu năm thì có thể năm này bù năm nọ, tháng nay bù tháng kia, nhưng nếu giá giảm trong thời gian dài sẽ khiến người dân chịu cảnh thua lỗ nặng, thậm chí phải chặt bỏ cây chè đang bắt đầu vào độ sung sức để huyển đổi sang dòng cây khác.
Giá chè bấp bênh đang khiến nhiều người dân trồng chè ở Thái Nguyên nghĩ về những hình ảnh lịch sử của 10 năm về trước: những cây chè, thậm chí gốc chè cổ thụ bị chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng keo để có thu nhập ổn định hơn…
Một trong những phương án để tránh trường hợp được mùa mất giá là sản xuất theo liên kết chuỗi
Đầu ra bền vững và ổn định
Trong khi giá chè ở chợ đang bấp bênh như thời điểm hiện nay, cánh lái buôn "méo mặt" vì lá trà giảm, thì tại Hợp tác xã Chè Thu Hiền (xóm Ao Rôm 1, xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ) lại đang tăng cường sản xuất để đáp đứng các đơn hàng cho phía doanh nghiệp.
Người dân trong HTX Chè Thu Hiền hái là chè làm nguyên liệu dùng để sản xuất Trà Xanh Không Độ.
Số là, HTX Chè Thu Hiền có hợp đồng cung cấp với Công ty TNHH Chè Thái An (Thái Nguyên) về cung cấp chè khô. Trung bình hàng năm, Công ty Chè Thái An sẽ tiêu thụ khoảng 1.500 - 1.700 tấn chè khô/năm. Năm nay, Công ty Chè Thái An vừa ký hợp đồng hợp tác với Công ty Tân Hiệp Phát, nên sản lượng chè khô mỗi tháng tăng lên từ 120 – 150 tấn.
"Hiện nay, ngoài sản lượng chè của các thành viên của HTX, chúng tôi còn phải liên kết với khoảng 100 hộ dân trồng chè trong địa phương mới đảm bảo được sản lượng cung cấp cho Công ty Chè Thái An để chuyển cho Tân Hiệp Phát", bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm HTX Chè Thu Hiền cho biết.
Đây là điển hình của mô hình trồng chè theo liên kết chuỗi – một mô hình được đánh giá sẽ giải quyết được tình trạng được mùa – mất giá.
Cụ thể, trong liên kết chuỗi, doanh nghiệp có đầu ra sẽ đặt hàng những công ty cung cấp. Các công ty này sẽ phối hợp với các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân tiến hành trồng các loại chè mà doanh nghiệp yêu cầu. Ưu thế của phương án này là đầu ra sản phẩm được đảm bảo tiêu thụ ngay từ khi chưa bắt đầu gieo trồng.
Tương tự như tại HTX chè Thu Hiền, tại Công ty TNHH Chè Minh Phương (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương) cũng đang tất bật thu gom và đóng hàng trà khô bán thành phẩm để chuyển cho Tân Hiệp Phát.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Chè Minh Phương giới thiệu về cách nhận biết chất lượng lá trà xanh và nguyên liệu cung cấp cho Tân Hiệp Phát.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Chè Minh Phương cho biết, Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp lớn trong nước, sản xuất Trà Xanh Không Độ từ lá chè xanh để phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước, nên nhu cầu thu mua chè của họ rất cao. Khi ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với Tân Hiệp Phát, gần như sản lượng của Công ty Chè Minh Phương sẽ tăng gấp đôi.
Tương tự, bà Ngô Lệ Huyền Phó Giám đốc Công ty TNHH Thái An cho hay, hiện công ty đang xuất khẩu trà sang các nước khác, nhưng ký kết với Tân Hiệp Phát giúp sản lượng của công ty tăng lên gấp đôi.
Bà Huyền cho biết thêm, chè cung cấp cho Tân Hiệp Phát phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu về chỉ số chất lượng. Tuy nhiên với việc đầu tư hạ tầng và tăng cường cập nhật kiến thức, quy trình trồng, chăm sóc cây chè ngay từ đầu, Công ty Chè Thái An đảm bảo đáp ứng hơn 30 tiêu chí theo tiêu chuẩn gắt gao mà Tân Hiệp Phát đề ra.
Nói thêm về việc ký kết với Tân Hiệp Phát, bà Huyền cho biết ngoài giúp công ty tăng sản lượng, tăng doanh thu, thì qua đó cũng giúp người dân có thêm công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.
Công ty Chè Minh Phương có khoảng 70 lao động với mức thu nhập trung bình từ 10 – 12 triệu đồng/tháng.
Bà Huyền lý giải, bình thường, trước khi ký kết với Tân Hiệp Phát, người dân chỉ sản xuất chè ngon để bán, thì mỗi năm vào vụ khoảng 8 tháng, thời gian mùa đông phải để cây chè nghỉ, người dân sẽ phải đi xin làm công nhân thời vụ.
Nhưng nếu như làm chè cho Tân Hiệp Phát, thì người dân có thể tận dụng cả những tháng đông để hái chè, sao chè không phải đi làm công nhân thời vụ nữa, giải quyết được bài toán lao động cho địa phương.
Với đầu ra được một doanh nghiệp lớn như Tân Hiệp Phát đảm bảo, hợp đồng giá rõ ràng thì người dân không phải chịu rủi ro "được mùa mất giá", đời sống người dân với cây chè sẽ được đảm bảo hơn.
Người dân có công ăn việc làm cũng giúp giảm những tệ nạn xã hội, duy trì an ninh trật tự.
"Khi kết hợp với Tân Hiệp Phát, bên cạnh lợi nhuận, thì giá trị lớn nhất tạo ra đó là tạo được công ăn việc làm ổn định cho bà con nông dân, giúp người nông dân yên tâm và gắn bó hơn với cây chè", bà Huyền nói.
Thanh niên