Nhiều chuyên gia giáo dục, nhà giáo cho rằng, để tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 thì trước hết hãy là ngôn ngữ bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Mới đây, tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị Thủ tướng cần sớm công nhận tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 tại Việt Nam.
Theo Tổ chức Giáo dục E duca tion First (EF), hiện nay, khoảng 400 triệu người bản ngữ và gần 1,5 tỷ người khác trên thế giới nói tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng trên 100 quốc gia và 75% các giao dịch quốc tế, các văn bản, tài liệu sử dụng ngôn ngữ này. Tiếng Anh còn là ngôn ngữ thứ 2, thậm chí là chính thức của một số quốc gia khác như Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Philippines...
Cũng theo xếp hạng của Tổ chức giáo dục EF, thứ hạng trình độ tiếng Anh của Việt Nam hiện nay đang đứng thứ 41/80 quốc gia, trong khi Singapore là 3/80; Philippines là 14/80.
Tiếng Anh phải là ngôn ngữ bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, thành viên Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế NAFSA nhận định, với kết quả khảo sát như trên đã cho thấy, năng lực tiếng Anh người Việt dưới mức trung bình và nó cũng được thể hiện rõ đối với học sinh qua kỳ thi THPT Quốc gia.
Ở các nước như: Singapore, Philippines hay Ấn Độ sau khi giành độc lập, Chính phủ vẫn tiếp tục chính sách xem tiếng Anh là ngoại ngữ chính thức trong hệ thống giáo dục cũng như các lĩnh vực khác. Vì vậy, nó được duy trì, phát triển và dần được công nhận là ngôn ngữ thứ 2.
Trong khi đó, Việt Nam trước 1954, dưới thời thuộc địa Pháp, tiếng Pháp đã có cơ hội trở thành ngoại ngữ chính thức trong hệ thống nhà trường và dần sau đó cũng được xem như ngôn ngữ thứ 2. Tuy nhiên, sau năm 1954, miền Nam dưới sự bảo hộ của chính quyền Mỹ, tiếng Anh dần thay thế tiếng Pháp và dần trở thành ngoại ngữ chính thức trong hệ thống nhà trường và các lĩnh vực khác.
Trong khi đó, ở miền Bắc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa dưới ảnh hưởng của Liên Xô, tiếng Nga dần trở thành ngoại ngữ được công nhận chính thức và thay thế tiếng Pháp. Sau năm 1975, thống nhất hai miền thì tiếng Anh vẫn phổ biến ở miền Nam. Trong khi đó, miền Bắc duy trì nhiều ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường như tiếng Anh, Trung, Pháp, Nga...
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền
Cho tới những năm 1990, với sự tham gia của nhiều trung tâm ngoại ngữ, tiếng Anh mới dần chiếm ưu thế và trở thành ngoại ngữ được ưa chuộng của người dân Việt Nam. Tuy vậy, hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn duy trì giảng dạy song song nhiều ngoại ngữ khiến cho tiếng Anh không có môi trường để phát triển trở thành ngôn ngữ thứ 2 như các quốc gia khác.
Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền, tiếng Anh chưa thể trở thành ngôn ngữ thứ 2 được vì thực tế số lượng người Việt giao tiếp bằng tiếng Anh chiếm số lượng vô cùng ít. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác, thậm chí các bảng hiệu công cộng ở Việt Nam còn rất ít dùng song ngữ Anh- Việt. Cho nên công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 nghe qua tưởng là hợp lý nhưng thật ra là nghịch lý.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 là một giấc mơ ở thì tương lai. Hiện tại, điều quan trọng nhất là chúng ta cần thống nhất về mặt chủ trương và chính sách công nhận tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Có như vậy, chúng ta mới có tiền đề để xây dựng tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong tương lai.
"Thiết nghĩ, nếu muốn công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 cần có một nghiên cứu cụ thể để đánh giá tính khá thi của nó, tránh đi theo vết xe đổ của Đề án Ngoại ngữ 2020.
Đề xuất công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 liên quan đến hàng triệu học sinh và kéo theo nó là hàng ngàn giáo viên cần có những bước đi cẩn trọng chứ không đơn giản chúng ta hô hào và hiện thực hoá chỉ bằng mệnh lệnh văn bản", ông Nguyễn Sóng Hiền nói.
Các trường học phải giảng dạy song ngữ
Là giảng viên và cũng là quản lý của một trường ĐH, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM ủng hộ chủ trương công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2. Bởi chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những kiến thức mới của nhân loại cập nhật hàng ngày rất lớn.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng
Những năm trước đây, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của sinh viên còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội nên không thể tiếp cận được với công việc có mức lương cao thì hiện nay, các em đã bắt đầu có nhận thức hơn về việc học ngôn ngữ này. Tuy nhiên, để việc học tiếng Anh có hiệu quả thì cần cả một quá trình từ những cấp học dưới (từ cấp Mầm non đến ĐH và sau ĐH).
Thực tế là ở các thành phố lớn, tiếng Anh đã được đưa vào giảng dạy ở các trường học nhưng ở những vùng miền khó khăn, học sinh học tập, giao tiếp bằng tiếng Anh còn hạn chế. Vì vậy, chỉ nên công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức vào năm 2030. Trước khi công nhận thì từ nay đến mốc thời gian đó cần có lộ trình đưa tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong khoảng thời gian này, các cấp từ Mầm non cho đến ĐH phải cố gắng có được đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy chuyên ngành tiếng Anh để các trường học có thể giảng dạy song ngữ.
Để có thể giảng dạy tiếng Anh hiệu quả ở các trường học thì sĩ số lớp học cũng phải giảm tải hoặc phải chia lớp thành các nhóm nhỏ còn khoảng từ 20-25 học sinh/lớp. Bên cạnh đó là hướng tới xây dựng sách giáo khoa, học liệu học tập, giảng dạy song ngữ.
Ngoài ra, các trường ĐH cũng phải tăng cường đưa ra những chuẩn “đầu ra” đối với sinh viên, trong đó nhất thiết sinh viên phải đạt được những tiêu chí cụ thể về tiếng Anh thì nhà trường mới công nhận tốt nghiệp.
Không chỉ ở các trường học phải sử dụng tiếng Anh mà các cơ quan, doanh nghiệp, phường xã... cũng phải để cho nhân viên giao tiếp thường xuyên bằng ngôn ngữ này thì tiếng Anh mới sớm trở thành ngôn ngữ thứ 2 được./.
Theo VOV