Đề xuất các cơ sở y tế tự chủ được xây dựng giá dịch vụ y tế theo yêu cầu. Ảnh: VGP/HM
Từ ngày 15/8, Thông tư 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập chính thức có hiệu lực.
Nhiều bệnh viện đã công khai giá dịch vụ này theo quy định mới nhưng cũng có nhiều cơ sở y tế chưa thực hiện Thông tư 13.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều dịch vụ y tế theo yêu cầu tại các bệnh viện đã công bố có mức giá mới giảm "sâu".
GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, Bệnh viện đã điều chỉnh ngay bảng giá mới của dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu từ ngày 15/8. Theo đó, tổng chi phí cho mỗi dịch vụ y tế theo yêu cầu ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã giảm nhiều so với trước đây.
Cụ thể, gói sinh mổ (phẫu thuật lấy thai lần đầu) có giá dịch vụ giảm từ 16 triệu đồng còn hơn 6,7 triệu đồng. Gói sinh thường khu dịch vụ giảm từ 14 triệu đồng xuống còn hơn 4,3 triệu đồng…
Người bệnh 'đặt hàng' bác sĩ mổ, chọn giờ mổ thì giá như thế nào?
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng chia sẻ, Bộ Y tế có quy định về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu là hoàn toàn đúng, tuy nhiên, việc ban hàng khung giá cố định như hiện nay vẫn có những điểm chưa hợp lý.
GS. Nguyễn Duy Ánh lấy ví dụ, những ca bệnh yêu cầu "đặt hàng" bác sĩ mổ, chọn giờ mổ vào 3-4h sáng… theo hướng dẫn của Thông tư 13, giá dịch vụ là gần 7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí các loại thì còn khoảng 500.000 đồng cho cả ê kip mổ. Trường hợp này sẽ không có bác sĩ nào nhận với giá như trên.
Hay với kỹ thuật mổ đẻ, nạo hút thai, với người bệnh không có sẹo tử cung thì ca mổ được thực hiện rất dễ dàng nhưng với bệnh nhân đã có 3 lần sẹo mổ thì khó hơn rất nhiều và mất nhiều thời gian hơn, nguy cơ tai biến cũng cao hơn. Tuy nhiên, theo Thông tư 13 thì chỉ quy định một giá mổ đẻ, tức là tính chung giá cho các ca mổ này.
Ví dụ khác về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, Thông tư 13 quy định giá theo đầu người. Tuy nhiên, sinh thiết phôi không phải áp dụng trên bệnh nhân mà là triển khai trên phôi. Một người có thể có 3, 5, 10, 20 phôi nên giá phải chi trả theo số phôi, không thể chi trả trên đầu bệnh nhân. Giá các phôi lần sau có thể ít hơn lần đầu. Vì mỗi lần sinh thiết phôi sẽ phải sử dụng đầy đủ vật tư y tế và nhân lực như nhau.
Như vậy, theo GS. Nguyễn Duy Ánh, Thông tư 13 chưa bao phủ hết những đặc tính của một ca phẫu thuật mà mới chỉ đưa ra giá của một kỹ thuật, chưa bao chùm các hoạt động chăm sóc đặc biệt mà người bệnh mong muốn, như yêu cầu bác sĩ mổ, chọn giờ mổ, có người trông bé, mát xa mẹ và bé, thanh toán viện phí tại chỗ, có nhân viên chăm bé cả ngày…
Mặt khác, Thông tư 13 đang quy định cố định mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu trong khi giá cả luôn thay đổi theo thị trường (vật tư y tế…).
Vị lãnh đạo này đề xuất, với các bệnh viện tự chủ, Bộ Y tế nên để các đơn vị tự xây dựng giá đảm bảo theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, có tích lũy để tái đầu tư và phù hợp chi trả của người dân nhưng vẫn đảm bảo việc thu đúng thu đủ. Tức là các bệnh viện tự chủ tự xây dựng giá, công bố công khai mức giá này mỗi năm và tự chịu trách nhiệm. Hằng năm, Bộ Y tế có trách nhiệm hậu kiểm.
"Thực tế, nếu bệnh viện nào xây dựng giá quá cao thì sẽ không có bệnh nhân", GS. Nguyễn Duy Ánh khẳng định.
Được biết, kỹ thuật chiếm phần lớn tại BV Phụ sản Hà Nội là các ca mổ. Mỗi năm, BV thực hiện khoảng 35.000 ca đẻ, trong đó có 1/2 số ca mổ đẻ, mổ phụ khoa thêm 10.000-15.000 ca nữa. So với mức giá quy định tại Thông tư 13/2023/TT-BYT, giá dịch vụ theo yêu cầu của các ca mổ này giảm 1/2 so với trước đó.
Bệnh viện này hiện có khoảng 70 giường dịch vụ phân bố đều ở các khoa và 180 giường xã hội hoá do cán bộ, công nhân viên của Bệnh viện đầu tư, nhân lực làm việc tại khu này độc lập, ký hợp đồng riêng với Bệnh viện.
Một lãnh đạo khác của một bệnh viện hạng 1 cũng đề xuất, Bộ Y tế nên chia vùng địa lý vì cùng là bệnh viện hạng 1 nhưng các bệnh viện có đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực khác nhau hoặc các địa phương có điều kiện kinh tế giống nhau thì có chung một mức giá.
Trong 2 ngày 25-26/8, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo liên quan đến quản lý bệnh viện, với sự tham gia của 13 Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố phía bắc. Trong khuôn khổ hội thảo sẽ có nội dung chia sẻ, thảo luận về Thông tư 13/2023/TT-BYT, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện, làm sao hợp tình hợp lý, hợp sức chi trả cho người dân.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, tỉ lệ bệnh nhân lựa chọn khám chữa bệnh theo yêu cầu chỉ dưới 10% và chủ yếu tập trung tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, ở tuyến huyện hầu như không có. Vì vậy, bảng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được quy định tại Thông tư 13 không tác động đến các đối tượng không có nhu cầu sử dụng những dịch vụ này.
Hiền Minh/Chinhphu