Cách đây không lâu, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian 6 tháng tương tự như 3 lần trước.
Đề xuất đã có, chỉ chờ Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực. Nhiều thông tin trước đó cho thấy Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ngay trong tháng 6 này.
Tuy nhiên, ngày 25/6, Bộ Tài chính gửi Công văn số 6506/BTC-CST tới các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan xin ý kiến về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 1/8/2024 cho đến hết ngày 31/01/2025, tức chậm hơn 1 tháng so với dự kiến ban đầu.
Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước từ 1/8.
Tại dự thảo lấy ý kiến đóng góp về mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ lần 4 như sau:
Từ ngày nghị định giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực đến hết ngày 31/1/2025: Mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ và các nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Từ ngày 1/2/2025 trở đi: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP và các nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/1/2025.
Xem thêm: Áp lực cạnh tranh, Nissan đóng cửa nhà máy sản xuất tại Trung Quốc
Theo Bộ Tài chính, nửa đầu năm 2024, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung vẫn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ các yếu tố trong và ngoài nước. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm các mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô nhằm đối phó với tình trạng lạm phát, tỷ giá, giá vàng tăng cao,...
Thêm nữa, sản lượng và doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước giảm sút rõ rệt trong năm 2024. Ngược lại, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng trưởng mạnh nhờ sự mạnh tay giảm giá từ đại lý, hãng xe, rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với xe "sản xuất nội địa".
Bộ Tài chính cũng đề cập đến việc Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có các cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%. Việc thực hiện cam kết này sẽ giúp xe nhập khẩu có thêm lợi thế để cạnh tranh với xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Nhằm góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tạo đà khôi phục đà tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh thị trường đối diện nhiều khó khăn, thách thức, việc tái khởi động chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ sẽ là một giải pháp cần thiết.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp thị trường ô tô sôi động hơn trong giai đoạn cuối năm nhưng khó có thể đưa doanh số ô tô quay về quỹ đạo tăng trưởng đều đặn như trước đây.
Nguồn ảnh: Internet