Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Trong đó, Bộ đề xuất quy định điều chỉnh giảm số kinh phí phân bổ dành cho chi phí quản lý để chuyển sang chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm y tế. Phần còn lại 1% bổ sung ngay vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Cụ thể, theo dự thảo, 91% số tiền đóng bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh; 9% số tiền đóng bảo hiểm y tế dành cho quỹ dự phòng, chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế, trong đó dành tối thiểu 5% số tiền đóng bảo hiểm y tế cho quỹ dự phòng.
Tăng nguồn kinh phí chi cho khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Bộ Y tế cho biết, nếu thực hiện đề xuất trên sẽ tăng nguồn kinh phí chi cho khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong bối cảnh mức đóng bảo hiểm y tế còn thấp, nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Việc tỷ lệ chi tối đa dành cho chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế từ 5% xuống 4%, phần còn lại 1% bổ sung ngay vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh sẽ giúp gia tăng kinh phí chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, nhiệm vụ góp phần giảm tình trạng thiếu kinh phí, nợ đọng kéo dài.
Tăng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ góp phần tăng quyền lợi và khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế có chất lượng từ đó làm giảm tỷ lệ mắc, điều trị các bệnh, tật; có thể giúp giảm thời gian, nhân lực để điều chỉnh kết dư chi phí quản lý, điều chỉnh bổ sung kinh phí cho bảo hiểm xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhờ có thêm kinh phí nên có thể tăng phân bổ, từ đó giúp tiết kiệm chi ngân sách cho bộ máy.
Việc phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả để tăng kinh phí phân bổ cho khám bệnh, chữa bệnh sẽ góp phần tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế có chất lượng từ đó làm giảm tỷ lệ mắc, điều trị các bệnh, tật. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thông qua đó sẽ làm tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc có chi phí cho các hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm y tế của các cơ quan quản lý sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước có chi phí để đầu tư cho việc phát triển, duy trì hạ tầng công nghệ thông tin, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn đáp ứng yêu cầu của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đồng thời giúp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiết kiệm được nguồn nhân lực. Có thể tác động tích cực đến các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ, hàng hóa cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhờ tăng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ góp phần tăng nguồn cung ứng của doanh nghiệp.
Việc ban hành chính sách cũng có tác động đến giảm nghèo thông qua hạn chế chi từ tiền túi của những người dân do tăng tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng. Bên cạnh đó, việc tăng sức khỏe và cơ hội việc làm cũng sẽ giúp người dân tạo thêm nhiều thu nhập cho bản thân và xã hội.
Việc này cũng sẽ giúp tăng niềm tin vào chính sách bảo hiểm y tế từ đó có thể thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Theo Bộ Y tế, việc đặt mức tối đa 4% tiền đóng bảo hiểm y tế dành cho chi phí quản lý dự kiến không gây tác động tiêu cực đến việc quản lý quỹ bảo hiểm y tế. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi phí quản lý bảo hiểm y tế chỉ chiếm 3,7% tổng số tiền thu bảo hiểm y tế vào năm 2020 và chiếm 3,3% vào năm 2021. Năm 2023 mức lương tối thiểu tăng và sẽ tiếp tục tăng lương do cải cách tiền lương, đồng thời tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng tăng. Do đó, việc này dự kiến không gây tác động tiêu cực đến việc quản lý quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm ổn định, khả thi.
Tuệ Văn/Chinhphu