Cục Đường bộ Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, đơn vị này đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Pháp Vân (Hà Nội) - Phú Thứ (Hà Nam) từ quy hoạch 8 làn xe thành 10-12 làn, trong đó đoạn Pháp Vân - vành đai 4 lên 12 làn xe, đoạn vành đai 4 - Phú Thứ lên 10 làn. Hiện cao tốc này có 6 làn xe.
Được biết, đoạn Pháp Vân - Phú Thứ có lưu lượng xe lớn nhất khu vực phía Bắc, là cửa ngõ phía nam của Hà Nội, kết nối thủ đô với các tỉnh phía Nam, kết nối vành đai 4, vành đai 5, các trục Bắc - Nam.
Tại TP.HCM, đoạn cao tốc Bến Lức – Trung Lương cũng được đề xuất từ quy hoạch 6 làn xe thành 10-12 làn, trong đó đoạn Bến Lức - vành đai 4 lên 12 làn, đoạn vành đai 4 - Trung Lương lên 10 làn. Hiện cao tốc này khai thác 4 làn xe.
Đoạn Bến Lức - Trung Lương cũng là trục kết nối trung tâm có nhu cầu vận tải lớn nhất theo hướng Bắc - Nam để kết nối Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ phía nam của TP HCM.
Bên cạnh đề xuất mở rộng hai đoạn cao tốc trên, trong nội dung kiến nghị, Cục Đường bộ cũng đề nghị bổ sung bổ sung quy hoạch mới hai tuyến cao tốc, gồm Cà Mau - Đất Mũi và Quảng Ngãi - Kon Tum.
Trong đó, tuyến Cà Mau - Đất Mũi dài khoảng 90 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư sau năm 2030. Tuyến này chưa đưa vào hệ thống cao tốc Bắc Nam phía Đông để không ảnh hưởng đến mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2030.
Đối với cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sẽ có chiều dài khoảng 136 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư trước năm 2030.
UBND tỉnh Quảng Ngãi trước đó kiến nghị bổ sung nhằm phát triển tiềm năng quỹ đất du lịch khu vực giáp ranh hai tỉnh, kết nối tỉnh Quảng Ngãi với Tây Nguyên. Tuyến cao tốc cũng đồng thời kết nối với Lào tại cửa khẩu Bờ Y. Hiện Kon Tum và Quảng Ngãi đã chủ động nghiên cứu, bổ sung tuyến cao tốc này vào quy hoạch tỉnh.
Nguyễn Văn