Đề xuất mọi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi kí hợp đồng

Thứ bảy, 18/02/2023 - 10:25

Bộ LĐ-TB&XH vừa hoàn thành và trình Chính phủ dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, điểm đáng chú ý là đề xuất điều chỉnh một số chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHTN theo hướng bổ sung quy định tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (quy định hiện hành là đủ 3 tháng). Đồng thời, bổ sung người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Người lao động đăng ký tham gia BHTN (ảnh minh họa)

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư quỹ trước các “cú sốc” như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh.

Theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, việc sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng nêu trên sẽ tăng nguồn thu cho quỹ BHTN thông qua việc mở rộng đối tượng bắt buộc đóng BHTN.

Đối với người lao động, khi tham gia BHTN được hỗ trợ trong trường hợp gặp các "cú sốc" như khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh. Song song đó, người lao động được hưởng trợ cấp và tìm kiếm việc làm khi mất việc.

Về mức thu quỹ BHTN, Bộ đề xuất sửa đổi theo hướng luật chỉ quy định mức trần và giao Chính phủ quy định mức đóng từng giai đoạn. Bởi thực tế có thời điểm quỹ kết dư lớn, nếu muốn giảm mức đóng từ 1% xuống 0,5% phải xin ý kiến Quốc hội.

Theo đó, mức đóng vào quỹ sẽ được quy định như sau: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia BHTN.

Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách Trung ương bảo đảm và giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng của người lao động, người sử dụng lao động để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành chính sách của Chính phủ.

Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động, bao gồm đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động. Luật cũng sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ học nghề và thúc đẩy việc làm theo hướng bền vững.

Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) và xây dựng Hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024./.

Bên cạnh chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất các nội dung liên quan đến một số nhóm chính sách khác về quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

P/v