Đề xuất nới cửa vay vốn cho người mua nhà lần đầu, kể cả ở tuổi 60

Thứ sáu, 04/04/2025 - 14:40

Các chuyên gia kiến nghị mở rộng chính sách hỗ trợ, không giới hạn độ tuổi mà tập trung vào nhu cầu thực tế là người mua căn nhà đầu tiên.

Theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu triển khai các gói tín dụng ưu đãi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế và cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở.

Đề xuất nới cửa vay vốn cho người mua nhà lần đầu, kể cả ở tuổi 60- Ảnh 1.

Các chuyên gia đề xuất các gói tín dụng ưu đãi cần áp dụng cho tất cả người mua nhà lần đầu.

Tại tọa đàm mới đây, ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá cao gói hỗ trợ cho người trẻ vay mua nhà. Tuy vậy, để các gói hỗ trợ đi vào cuộc sống, ông Châu kiến nghị bổ sung vào về giới hạn độ tuổi được vay và có thêm chính sách hỗ trợ cả người mua nhà lần đầu.

Theo ông Châu, Chỉ thị 05 có đề cập là người trẻ là từ 35 tuổi xuống thì quá trẻ. Vì vậy Hiệp hội đề nghị là người trẻ nên tính tới mức độ là 45 tuổi trở xuống là hợp lý.

“Nhà giá rẻ thì chúng tôi đề nghị là không chỉ người trẻ mà cho cả người tạo lập căn nhà đầu tiên. Người đó có thể là ở tuổi 50, hay 55, 60 tuổi nhưng mà tạo lập căn nhà đầu tiên thì cũng cần cơ chế hỗ trợ”, ông Châu đề xuất.

Ông Châu cũng cho biết, nhu cầu nhà ở của người trẻ hiện nay với mức giá khoảng 3 tỷ đồng/căn là rất lớn. Tuy nhiên, thị trường lại đang khan hiếm nguồn cung phù hợp. Do đó, ông kỳ vọng sẽ có cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy phát triển phân khúc này.

TS Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nên chia người trẻ thành hai nhóm là 18-23 tuổi và 24-34 tuổi. Bởi lẽ, giai đoạn từ 18 đến 23 tuổi, nhiều người đang trong quá trình định hình sự nghiệp. Còn từ 24 tuổi trở đi, họ đã bắt đầu ổn định hơn, có thu nhập rõ ràng hơn và bắt đầu phát sinh nhu cầu về chỗ ở lâu dài. Đây là nhóm có nhu cầu mua nhà rõ nét nhất.

Theo ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển đô thị - Sở Xây dựng TP.HCM, khi nói đến nhà ở cho người trẻ cần chia thành hai nhóm: nhóm có nhu cầu thực sự và nhóm chưa có nhu cầu. Tương tự, về nhu cầu, cũng có nhóm có khả năng thanh toán và nhóm không có khả năng thanh toán. Việc phân loại rõ ràng này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra giải pháp phù hợp hơn.

Ông Hồ cho biết, khảo sát sơ bộ cho thấy nhu cầu về nhà ở xã hội tại TP HCM từ nay đến năm 2030 là khoảng 850.000 căn hộ. Do đó, việc Chính phủ giao TP HCM xây dựng 100.000 căn là hoàn toàn có căn cứ, nhưng rõ ràng con số đó vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), giá nhà ở, nhất là sản phẩm căn hộ liên tục tăng và thiết lập mặt bằng giá mới ở ngưỡng cao. Trong 5 năm qua, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã đạt mức tăng trưởng lần lượt là 72,4%; 49,9% và 34,3%; trong khi thu nhập trung bình của người dân chỉ tăng khoảng 6-10% mỗi năm và ở mức rất thấp.

Điều này khiến người lao động trẻ buộc phải thuê nhà do không đủ khả năng tài chính mua nhà và khó có thể đáp ứng mức vay vốn dài hạn lớn như vậy.

Cụ thể, với giá nhà hiện tại, căn hộ 2 phòng ngủ giá dưới 3 tỷ gần như biến mất, ngay cả khi có sẵn tài chính tương đương khoảng 30% giá trị căn hộ và chọn vay mua nhà phần còn lại, tương ứng với khoảng hơn 2 tỷ đồng, việc vay mua nhà đối với người trẻ vẫn gặp muôn vàn khó khăn.

Lựa chọn vay mua nhà đồng nghĩa với việc phải trả nợ trong 15-25 năm hoặc cắt giảm nhiều khoản chi tiêu khác để có thời gian trả nợ ngắn hơn. Đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Lãi suất thả nổi khó dự báo cũng làm nhiều người trẻ không dám vay mua nhà.

Phương Vy