Đền Đông Cuông - ngôi đền linh thiêng nằm ven sông Hồng

Thứ năm, 15/02/2018 - 20:25

TNV - Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc.

Nơi thờ các vị thần người bản địa có công chống giặc Mông - Nguyên

Đền Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm ven sông Hồng.

Lễ rước Mẫu Thượng Ngàn tại Lễ hội đền Đông Cuông vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Ảnh: Tiến Văn.

Ngôi đền còn là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi rất nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.

Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn. Như vậy, ở đền Đông Cuông, Mẫu Thượng ngàn là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân.

Ngoài thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, đền Đông Cuông còn thờ thần Vệ quốc - các vị thần người bản địa có công trong kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên như: Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng…Theo thần tích của dòng họ Hà ở huyện Văn Yên, tổ phụ của dòng họ từng lãnh đạo nhân dân nơi đây (châu Quy Hóa) chống giặc Mông – Nguyên, bị tử trận. Để ghi nhớ công trạng của ông, nhân dân Đông Cuông đã lập miếu thờ. Vợ cùng con trai ông khi mất cũng được thờ ở đây. Sau này, một số người địa phương thuộc nghĩa quân Tày, Nùng, Dao khởi nghĩa chống Pháp thất bại, bị chính quyền Pháp hành hình cũng được nhân dân tôn thờ tại đền.

Với những ý nghĩa đó, đền Đông Cuông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia (tại Quyết định số 296/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2009).

Không còn tục treo trâu tế gây hình ảnh phảm cảm

Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, lễ hội đền Đông Cuông lại được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của năm mới, thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương tham dự. Lễ hội đền Đông Cuông theo truyền thống hằng năm, được tổ chức với quy mô cấp huyện, bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức tại đền Mẫu đúng với nghi thức truyền thống như: đón ông Mo về đền, lễ mổ trâu trắng tế thần, lễ rước kiệu Mẫu sang sông, lễ dâng hương.

Phần hội đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, bao gồm chương trình biểu diễn nghệ thuật và trình diễn trang phục các dân tộc huyện Văn Yên; hội thi thể thao với các môn: bóng chuyền nam, đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, ném còn, đu tiên, đua thuyền...

Hội Đua thuyền tại Lễ hội đền Đông Cuông. Ảnh Tiến Văn.

Nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử của đền Đông Cuông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên bái đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền quản lý, phối hợp với các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nghiêm các nội dung của Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội.

Do vậy, công tác tuyên truyền, chỉ đạo, quản lý việc tổ chức lễ hội và công tác tổ chức lễ hội từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, kể từ năm 2017 tục treo trâu tế lễ tại đền Đông Cuông đã được ban tổ chức lễ hội và đông đảo bà con nhân dân địa phương đồng thuận chuyển hình thức hình thức giết mổ thông thường, địa điểm giết mổ được che kín không gây ra hình ảnh phản cảm.

Ngoài ra, Ban Tổ chức, Ban Quản lý lễ hội đã chỉ đạo sửa sang, nâng cấp làm mới 2km đường hai chiều, mỗi chiều rộng 5m, ở giữa có dải phân cách được trồng hoa và thành lập 10 tổ thu gom rác nên cảnh quan môi trường đã được cải thiện rõ rệt; an toàn thực phẩm tại lễ hội được ngành y tế quan tâm kiểm tra thường xuyên nên không xảy ra ngộ độc thực phẩm; công tác phòng chống cháy nổ trong các lễ hội được đảm bảo tốt; bố trí nơi đốt đồ mã, vàng mã, thắp hương tại các khu di tích đúng nơi quy định, đặc biệt không để xảy ra tình trạng đổi tiền lẻ, xóc thẻ; công tác đảm bảo an ninh trật tự để đón tiếp du khách thập phương và bà con về dự lễ hội chu đáo hơn./.

Phạm Quỳnh