Tòa nhà 2000 tỷ chỉ sử dụng được 2 năm

Sự việc bắt đầu từ phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 2 HĐND TP Đà Nẵng sáng 11/8 khi đại biểu Trần Văn Trường (Bí thư Huyện ủy Hoà Vang) bất ngờ đặt hàng loạt câu hỏi: “Thành phố tính toán chọn thời điểm xây dựng TTHC mới ở đâu, bao giờ triển khai, nếu di dời thì TTHC hiện nay sẽ bố trí vào việc gì?”.

Ngay lập tức, câu chuyện đi hay ở của 1600 cán bộ, công chức, viên chức và lãnh đạo thành phố thu hút nhiều ý kiến của dư luận. Ông Hoàng Minh Đức (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: “Tôi chỉ vừa biết chủ trương này khi xem truyền hình trực tiếp kỳ họp của HĐND thành phố. Thực sự không chỉ tôi mà nhiều người dân Đà Nẵng đều bị sốc trước quyết định bất ngờ này. Tôi được biết toà nhà này tốn hơn 2000 tỷ đồng để xây dựng, ấy vậy mà mới chỉ sử dụng được 2 năm mà đã muốn chuyển đi thì thực sự quá lãng phí”.

Theo ông Đức, để tiến hành xây dựng TTHC, thành phố đã nhiều lần họp, lấy ý kiến của các chuyên gia nhưng lại không lấy ý kiến dân. Chính vì vậy, với tư cách là một cử tri, ông Đức đề nghị nếu chủ trương này thực sự cần thiết thì thành phố cần tổ chức lấy ý kiến của người dân để họ có thể góp tiếng nói của mình vào một quyết định quan trọng của thành phố.

Trung tâm hành chính - một biểu tượng của thành phố Đà Nẵng (bên trái)  đang đứng trước khả năng phải di dời sang một vị trí mời. (Ảnh: Kim Sơn) Trung tâm hành chính - một biểu tượng của thành phố Đà Nẵng (bên trái) đang đứng trước khả năng phải di dời sang một vị trí mời. (Ảnh: Kim Sơn)

Anh Lê Hoàng Nam (một cán bộ đã từng làm việc tại TTHC) thì cho rằng, lý do mà UBND thành phố đưa ra về bất cập trong giao thông và vấn đề sức khỏe của cán bộ, nhân viên là chưa hợp lý. Anh Nam dẫn chứng: “Không chỉ bản thân tôi mà nhiều bạn bè đã có cơ hội làm việc tại đây đều nhận định TTHC thành phố Đà Nẵng là một trong những khu làm việc hiện đại và khang trang nhất cả nước. Có thể bất tiện trong việc đi thang máy hay thiếu oxy như một số ý kiến là có thật,  song tôi nghĩ việc này có thể nhờ các chuyên gia giải quyết. Chuyện di dời chỉ nên là phương án cuối cùng khi không còn cách nào khác”.

Đồng tình với anh Nam, bác Nguyễn Văn Chung (cán bộ ngành xây dựng về hưu) nhấn mạnh, về nguyên tắc khi xây dựng một tòa nhà công cộng cao tầng, các đơn vị liên quan phải đảm bảo các yếu tố như: kết cấu, hình thức, thuận tiện cho việc đi lại, độ an toàn về không khí và cháy nổ. Đối với nơi làm việc của chính quyền còn có những yêu cầu khắt khe hơn như: đảm bảo vấn đề an ninh, phòng chống nghe lén, các cửa thoát hiểm khi xảy ra chiến sự, khủng bố…Chính vì vậy, những lý do đó được đưa ra là không thuyết phục và khó chấp nhận với ngay cả với người ngoài ngành.

Ông Chung đề nghị: “ Chúng ta cần phải có một tổng kết đánh giá sau 2 năm đi vào sử dụng, tòa nhà đã đạt được hiệu quả ra sao, cụ thể bất cập là gì rồi công bố rộng rãi cho người dân biết. Qua đó, chúng ta sẽ có điều kiện để xem xét việc di dời có thực sự cần thiết hay không. Bên cạnh đó, nếu thực sự TTHC phải di dời thì có thể xem xét để đơn vị nào đó có nhu cầu mua lại tòa nhà từ đó lấy tiền xây một trung tâm khác giản tiện, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, số tiền 2.000 tỷ là do dân đóng thuế mà có nên thành phố phải công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận".

Tòa nhà bất cập từ lúc chưa xây

Nếu như người dân có phần sốc trước thông tin này thì những chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng lại tỏ ra không mấy bất ngờ vì đây là điều họ đã dự báo trước. Theo kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Đà Nẵng, không phải đến bây giờ người trong giới mới đề cập tới những hạn chế của TTHC. “Tôi cùng một số kiến trúc sư đã từng phản đối việc thành phố chọn phương án kiến trúc tòa nhà như hiện nay, vì trên thế giới công trình hành chính ít khi tổ chức theo khối tròn, quá tập trung người, không thoáng khí. Hơn nữa thiết kế của toà nhà cũng làm cho việc liên hệ của người dân với cơ quan công quyền gặp khó khăn, người mới vào tìm thang máy rất khó”, ông Huy cho biết.

Về góc độ chuyên môn, kiến trúc sư Hoàng Quang Huy cho rằng, thiết kế của tòa TTHC Đà Nẵng sẽ khiến tổ chức không gian phòng làm việc khó sắp xếp. Thứ hai, với đặc thù kiến trúc hình ống thì chuyện thông thoáng, thoát hơi, thoát khí, và cung cấp khí khó hơn bình thường. Thứ ba là phương án này bọc toàn bộ kính ở tất cả các phía sẽ khiến việc làm mát khó khăn và tốn kém điện năng.

Còn theo ông Lê Minh Trí (chuyên gia kiến trúc và quy hoạch đô thị), TTHC Đà Nẵng được thiết kế cao 37 tầng, với 34 tầng nổi của tòa nhà là nơi làm việc của khoảng 1.600 công chức, gồm lãnh đạo thành phố, các sở, ngành. Nhìn tổng thể có thấy đây là một thiết kế mới mẻ, hiện đại góp phần phản ánh sự năng động của Đà Nẵng. Tuy nhiên nếu xét về mặt ứng dụng thì không ai xây TTHC hình ống, việc tòa nhà bọc kính quá kín sẽ gây hấp thụ nhiệt, thiếu không khí.

Theo ông Trí, hiện phương án mà Ban quản lý tòa nhà có thể đưa ra là bơm khí oxy vào tòa nhà hoặc thay thế các vật liệu và chỉnh sửa thiết kế kỹ thuật, ví dụ kính ốp có thể thay thế bằng các loại kính chịu nhiệt tốt hơn, cải tạo thiết kế thông gió, điều hòa... Tuy nhiên, về lâu dài, đơn vị quản lý cần xem xét tổng thể thiết kế để có biện pháp xử lý, nếu không thể sửa chữa được thì mới xây dựng tòa nhà khác, vì bỏ một công trình lớn như tòa nhà hành chính sẽ gây lãng phí ngân sách.

Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của người làm quy hoạch, ông Lê Minh Trí cho rằng đây không phải lần đầu tiên Đà Nẵng gặp khó khăn trong vấn đề quy hoạch đô thị. Cụ thể nhất có lẽ là công trình cầu Thuận Phước - cây cầu với với mục đích kết nối và lưu thông hàng hóa từ cảng Tiên Sa. Tuy nhiên việc xây dựng sau đó đã khiến công trình hầu như không phát huy tác dụng. Hay sắp tới là công trình hầm chui sông Hàn 4.000 tỷ mà thành phố đang dự tính khởi công cuối năm nay. “Theo tôi những sai lầm này đến từ việc phát triển quá nóng của Đà Nẵng thời gian qua. Việc xây dựng và đồng bộ cơ sở hạ tầng của thành phố là điều cần thiết nhưng đã đến lúc địa phương cần tính toán để mỗi công trình khi triển khai phải đảm bảo nhu cầu thực tế cũng như thời gian sử dụng”, ông Trí nhấn mạnh.

Có thể thấy dù việc di dời TTHC của Đà Nẵng mới chỉ dừng lại ở đó, song nó đã phần nào gây ra những bức xúc trong dư luận và xã hội. Đã đến lúc nếu di dời thì thành phố cần giải quyết vấn đề một cách hợp lý để mỗi công trình khi được xây dựng người dân không phải đặt câu hỏi "liệu có lãng phí hay không?"./.

Theo Dangcongsan