TNV - Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên huyện Thanh Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm thể hiện vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ; thể hiện hình ảnh đẹp của màu áo xanh trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương bình liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), Đoàn Thanh niên huyện Thanh Sơn đã tổ chức chương trình về nguồn dâng hương, thăm khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và làng Sen quê Bác. Đây là dịp để các thế hệ đoàn viên thanh niên chúng tôi ôn lại quá khứ vẻ vang của dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cha anh.
Đất thiêng của 10 “đóa hoa” bất tử
Với thế hệ trẻ, Đồng Lộc luôn là địa chỉ đỏ thiêng liêng và bất tử. Có cơ hội đến với Đồng Lộc, tuổi trẻ huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) mới thấu hiểu hơn về câu hát “trời mô xanh bằng trời Can Lộc”, về câu chuyện hy sinh của 10 nữ anh hùng Thanh niên xung phong, những năm tháng chiến đấu kiên cường hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ: Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (20 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi). Hành trang của chúng tôi - 20 đoàn viên thanh niên, thiếu nhi đại diện cho tuổi trẻ huyện nhà mang theo cả tấm lòng tri ân đến với mảnh đất miền Trung ruột thịt. Tháng Bảy, trời Đồng Lộc nắng chói chang, nóng gay gắt nhưng không ngăn được bước chân của dòng người tri ân những nữ anh hùng liệt sỹ.
Đoàn dâng hương tại Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong
Trong phòng chờ, chúng tôi thực sự xúc động khi xem những thước phim lịch sử về Ngã ba Đồng Lộc, về 10 cô gái thanh niên xung phong. Sau lễ dâng hương, chúng tôi đến đọc thư của chị Võ Thị Tần, lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về những kỷ vật, những câu chuyện, được biết rằng: Khu vực thung lũng Ngã ba Đồng Lộc rộng chưa đầy 50 ha bị bom đạn của kẻ thù quần nát, xới tung. Nơi đây, hàng ngàn bộ đội, TNXP, công nhân giao thông, lái xe, chiến sỹ công an, dân công, dân quân du kích,... đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và làm nên huyền thoại về Ngã ba Đồng Lộc. Vào lúc16h ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh ra trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lấp hố bom, sửa chữa đường, củng cố hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo cách Ngã ba Đồng Lộc vào phía Nam khoảng hơn 300m. Tốp 10 cô gái ra đến hiện trường, nhanh chóng triển khai công việc, các chị làm không ngơi tay. Bỗng một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm. Khi máy bay đi qua, các cô tiếp tục làm việc. Bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại thả một loạt bom trúng đội hình 10 cô gái. Sau loạt bom tàn khốc của kẻ thù, cả 10 cô gái trẻ đã hy sinh.
Cảm xúc nghẹn ngào bỗng ùa về khiến tất cả chúng tôi cay cay khóe mắt. Trong đoàn, hầu hết đều là những người lần đầu tới đây, ai cũng thấy mình thật nhỏ bé với sự hy sinh to lớn của các chị. Đã là người con đất Việt, chắc hẳn mỗi chúng ta đã từng được học, được nghe và biết tới những mốc son lịch sử, những con người, vùng đất trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm, đấu tranh cho độc lập. Nhưng có lẽ phải được đi dưới trời Đồng Lộc, đứng trước những phần mộ ở Đồng Lộc mới cảm nhận rõ ràng khí phách của các chị thời ấy hơn bao giờ hết.
Đoàn dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc.
So với lớp thanh niên ngày nay, chiến tranh ngày ấy đã làm cho thế hệ thanh niên của hơn nửa thế kỷ trước có một cách sống khác, khao khát tự do, hòa bình, chẳng ngại ngần dành trọn thanh xuân cho Tổ quốc. Thay mặt tuổi trẻ huyện Thanh Sơn trước khu phần mộ của những nữ anh hùng, anh Đinh Mạnh Hùng – HUV- Bí thư Huyện đoàn Thanh Sơn xin hứa: “Tuổi trẻ huyện Thanh Sơn sẽ phát huy truyền thống của quê hương đất Tổ, nguyện tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng”. Tuổi trẻ huyện Thanh Sơn hôm nay xem đây là một trong những biểu tượng đẹp đẽ nhất của ý chí vượt qua khó khăn gian khổ, biết hy sinh và sống có trách nhiệm với đất nước, là hình ảnh đẹp và có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ, để mỗi đoàn viên thanh niên gìn giữ, kế thừa đến mai sau.
Về thăm quê nội và quê ngoại của Bác
Chia tay Ngã ba Đồng Lộc, đoàn về Nghệ An, đến thăm Nam Đàn, một bức tranh vô cùng yên bình đã mở ra trước mắt của những thiếu nhi, đoàn viên thanh niên Thanh Sơn. Làng Sen quê nội và Hoàng Trù quê ngoại vẫn lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị thuở thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng tôi cảm giác gần gũi, thân thương và xúc động. Miền quê chân chất, nghĩa tình và giàu truyền thống yêu nước cùng với sự giáo dục đúng hướng của gia đình đã hình thành nên nhân cách một con người vĩ đại. Từng gốc tre đến bờ hoa dâm bụt, từng hàng cau đến những mái lá đơn sơ... tất cả đều thấm hồn dân tộc, đều gợi lên trong sâu thẳm trái tim mỗi thành viên trong đoàn niềm tự hào thành kính về một cuộc đời, về một nhân cách giản dị mà vĩ đại.
Đoàn về thăm quê Bác
Sau khi thăm quê nội và quê ngoại Bác Hồ, chúng tôi đến đền Chung Sơn, là nơi thờ tự gia tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng thể công trình đền có diện tích 83,63 ha, được thiết kế và thi công khéo léo dựa vào thế núi Chung. Ngôi đền uy nghi về tâm linh là biểu hiện sinh động của văn hóa và bản sắc vùng địa linh nhân kiệt xứ Nghệ; đồng thời, là sự thể hiện về sức mạnh dân tộc Việt bằng tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức và những giá trị nhân văn cao đẹp.
Tại mỗi điểm đến, Đoàn chúng tôi đã thành kính dâng hương và dâng lên Người những đóa hoa sen, hoa huệ tươi thắm, bày tỏ lòng thành, tình cảm sâu sắc trong mỗi đoàn viên thanh niên, thiếu nhi dành cho Bác và thầm hứa với lòng sẽ cố gắng hết sức mình học tập và làm theo Người, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Chia sẻ về hành trình đầy ý nghĩa này, anh Đinh Mạnh Hùng – HUV- Bí thư Huyện đoàn chia sẻ: "Hành trình về nguồn là một hoạt động thường niên của Tuổi trẻ huyện Thanh Sơn, với mong muốn khơi dậy cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đức anh dũng, hy sinh. Đây chính là động lực để mỗi đoàn viên thanh niên, thiếu nhi phát huy truyền thống dân tộc, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ”.
Chuyến đi đến những“Địa chỉ đỏ” trên hành trình về nguồn của tuổi trẻ Thanh Sơn đọng lại là ý nghĩa tri ân sâu sắc, làm sáng rõ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; nêu cao tinh thần bản lĩnh, sáng tạo, đổi mới của tuổi trẻ trong thời kỳ hội nhập, nỗ lực trong mọi hoàn cảnh, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển.Quyết chí ắt làm nên”../.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc.
Phùng Huyền Trang