
Mười năm xây dựng kịch bản cho "Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có lẽ là một quãng thời gian "ủ rượu" không thừa không thiếu. Trong mười năm, lĩnh vực sản xuất điện ảnh đã có những bước tiến lớn để có thể phục dựng lại địa đạo một cách chân thật nhất, sử dụng máy quay công nghệ tối tân để có thể quay phim trong điều kiện ánh sáng đèn dầu và đèn pin mà đạo diễn yêu cầu. Cũng trong mười năm đó, Bùi Thạc Chuyên ăn ngủ cùng những chiến sĩ du kích địa đạo "người thật việc thật", để những câu chuyện của họ thấm vào người như hơi ẩm của địa đạo thấm vào từng lóng xương thớ thịt. Âm ỷ, buốt vào tận trong tim, để anh có thể kể lại câu chuyện về một công trình quân sự độc nhất vô nhị trên thế giới dưới góc nhìn của những con người nhỏ bé nhất.


Chuyện phim của "Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối" diễn ra vào năm 1967, câu chuyện về một tiểu đội du kích 21 người hư cấu, được lấy cảm hứng từ những trận càn khốc liệt vào giai đoạn đó, khi Mỹ đã xác định "Củ Chi còn, Sài Gòn mất". Đội trưởng Bảy Theo (Thái Hoà), cùng các đồng đội của mình như Ba Hương (Hồ Thu Anh), Tư Đạp (Quang Tuấn), Út Khờ (Hằng Lamoon)... nhận nhiệm vụ bảo vệ kho thuốc của bệnh viện dã chiến. Nhưng chỉ đội trưởng Bảy Theo mới biết thực chất bọn họ đang bảo vệ một đội thông tin tình báo chiến lược do Hai Thưng chỉ huy, nấp trong địa đạo để tiếp cận sâu vào lòng địch, truyền tin tình báo. Những thiết bị vô tuyến của họ đã đánh động quân đội Mỹ khiến bom đạn ngày một nặng nề hơn hòng phá huỷ địa đạo. Áp lực đè nặng nhưng những người con Củ Chi lại đón nhận cái chết, sự hy sinh nhẹ tựa lông hồng.

Bùi Thạc Chuyên luôn có cách kể chuyện chậm rãi về cuộc sống hằng ngày mang đậm tính hiện thực. Anh từng kể câu chuyện cuộc sống hậu chiến của một lính ngụy, cũng đã kể về cuộc đời và tình yêu của ba người phụ nữ miền Tây. Ở "Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối", anh vẫn nói về cuộc sống. Lần này là câu chuyện bên dưới lòng đất của những người bình thường đã làm nên điều phi thường. Tại sao lại là lát cắt cuộc sống hằng ngày của các chiến sĩ? Vì cuộc kháng chiến giành lại tự do độc lập cho dân tộc không phải là những trận đánh chớp nhoáng, mà là 21 năm trường kỳ sống cùng với đạn bom. Chiến thắng huy hoàng không xây dựng nên chỉ bằng những trận đánh lớn, khi dân tộc Việt Nam phải đối đầu với cường quốc quân sự vượt trội hơn về mọi mặt. Mà nó được xây dựng từ sự đồng lòng của dân tộc sẵn sàng cùng sống và cùng chết với vận mệnh của đất nước. Địa đạo Củ Chi chính là minh chứng rõ nét nhất của "chiến tranh nhân dân", và cách tiếp cận chậm rãi, sâu sắc và đậm tính hiện thực của Bùi Thạc Chuyên là cách kể chuyện phù hợp nhất. Cuộc sống của người Củ Chi trong chiến tranh, dưới sự che chở của địa đạo hiện lên chân thực, đánh thẳng vào thị giác của khán giả bằng những góc quay chật hẹp khiến người ta vô thức nín thở, vô thức ngọ nguậy trên ghế vì ngột ngạt. Nhưng trong bóng tối của địa đạo, tình người, tình đồng chí và tình yêu đất nước đã trở thành mặt trời soi sáng bước chân họ dọ dẫm trong đường hầm gồ ghề, soi sáng đôi bàn tay loay hoay cải tạo súng, đạn, mìn trong cái nóng hầm hập ngạt thở để đối phó với những trận càn.


Trò chuyện cùng với những chiến sĩ năm xưa, Bùi Thạc Chuyên mới biết họ nói về cái chết rất nhẹ nhàng. Trong đường hầm le lói ánh đèn, hít thở khó khăn, có những người phụ nữ bàn luận rằng con chết hay chồng chết thì buồn hơn. Ấy có thể là vì họ đều đã xác định, xuống địa đạo cầm chắc cái chết. Nhưng không một ai từ bỏ Củ Chi, từ bỏ nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Bùi Thạc Chuyên không kể một câu chuyện chiến tranh bằng những bản anh hùng ca khuếch đại, mà bằng làn điệu vọng cổ ngọt ngào thấm trong máu của những người chiến sĩ vô danh của mảnh đất này. "Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối" không chỉ là một bộ phim chiến tranh, mà còn là lời tri ân sâu sắc đến những người đã sống và chiến đấu trong bóng tối, vì một tương lai tươi sáng trên dải đất hình chữ S.
Phim điện ảnh "Địa Đạo: Mặt Trời Trong Bóng Tối" đang khởi chiếu tại rạp
Quang Vũ