Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm ở châu Âu tăng vọt

Chủ nhật, 08/03/2020 - 09:47

Dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp ngoài Trung Quốc với số ca nhiễm tăng vọt ở một số quốc gia trên thế giới

Tại châu Âu, các quốc gia như Italy, Pháp và Đức đều ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày tăng nhanh, trong đó Italy tăng thêm 1.247 trường hợp chỉ trong vòng 24 giờ, mức tăng cao nhất tại nước này khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số người nhiễm ở Italy lên gần 6.000 ca.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng vọt ở châu Âu. Ảnh: Reuters

Số ca tử vong vì dịch Covid-19 ở Italy chỉ cao thứ 2 ngoài Trung Quốc với 233 ca. Chính phủ Italy cũng đang nghiên cứu khả năng phong toả nghiêm ngặt hơn toàn bộ vùng Lombardy và 11 tỉnh khác của các vùng Piedmonte và Emilio-Romagna, với tổng số 16 triệu dân cho đến ngày 3/4 và chỉ cho phép ra vào trong trường hợp có các lí do đặc biệt nghiêm trọng. Hiện Italy mới chỉ phong toả một khu vực có 50.000 dân.

Ngày 7/3, tại Pháp và Đức lần lượt ghi nhận thêm 296 và 130 ca nhiễm mới, khiến 2 quốc gia này đều sắp cán mốc 1.000 trường hợp nhiễm bệnh. Pháp cũng có thêm 7 người tử vong, hầu hết đều trên 70 tuổi, nâng tổng số người chết vì dịch Covid-19 ở quốc gia này lên 16 người. Người đứng đầu cơ quan y tế quốc gia cho biết các bệnh viện ở Pháp đang chuẩn bị các biện pháp khẩn cấp, trong đó có cả việc huy động các bác sĩ nghỉ hưu và sinh viên y khoa để đối phó với dịch bệnh trong trường hợp cần thiết.

Một người trong độ tuổi 80 đã trở thành trường hợp tử vong thứ 2 ở Vương quốc Anh sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 và mắc các bệnh nền khác. Quốc gia này cũng có thêm 46 ca nhiễm mới ngày 7/3, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đây lên 209 người.

Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu khác như Slovakia, Serbia cũng ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên trong khi Hà Lan vừa có 1 trường hợp đầu tiên tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2.

Tại Mỹ, số ca nhiễm dịch Covid-19 đã lên đến 438 trường hợp với 19 ca tử vong. Một số bang đã tuyên bố tình trạng trẩn khấp nhằm đối phó với dịch bệnh gồm California, Florida, Indiana, Kentucky, Maryland, New York, Utah và Washington.

Tại châu Á, Campuchia ghi nhận công dân đầu tiên của nước này nhiễm SARS-CoV-2. Bộ Y tế Campuchia xác nhận bệnh nhân là nam giới, 38 tuổi, là một trong 4 người Campuchia tiếp xúc thường xuyên với hành khách Nhật Bản bị Covid-19.

Trong khi đó, ngày 7/3, Tổng thống Philippines Duterte đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch Covid-19 trên toàn quốc sau khi xác nhận trường hợp nhiễm bệnh do lây nhiễm cộng đồng tại nước này.

Bên cạnh đó, số ca nhiễm ở Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng với hơn 7.000 người nhiễm bệnh. Nhật Bản cũng có thêm 41 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này lên 461 trường hợp.

Iran tiếp tục là "tâm điểm" của dịch Covid-19 tại Trung Đông với hơn 1.000 ca nhiễm mới, nâng số trường hợp nhiễm bệnh tại nước này lên 5.823 người với 145 trường hợp tử vong. Một số quan chức cấp cao của Iran cũng đã qua đời vì nhiễm SARS-CoV-2, trong khi 8% thành viên Quốc hội nước này nhiễm bệnh.

Bộ Y tế Ai Cập ngày 7/3 đã công bố phát hiện thêm 33 trường hợp nhiễm Covid-19 trên 1 tàu du lịch ở tỉnh Luxor bên bờ sông Nile. Tổng số ca nhiễm tại nước này hiện nay là 48 trường hợp. Một số quôc gia Trung Đông khác như Kuwait và Iraq tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới.

Dịch Covid-19 đã lan ra trên khắp các châu lục, chỉ trừ châu Nam Cực khi các ca nhiễm SARS-CoV-2 mới lần lượt được ghi nhận ở cả châu Phi và Nam Mỹ.

Mới đây, trên trang South China Morning Post, các nhà khoa học Trung Quốc đã nhận định số ca nhiễm SARS-CoV-2 sẽ tăng lên gấp 10 lần trong mỗi chu kỳ 19 ngày nếu không có các biện pháp mạnh mẽ được thực hiện nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nếu điều này xảy ra, số ca nhiễm ở trên thế giới sẽ vượt số ca nhiễm tại Trung Quốc chỉ trong 1 vài tháng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 21.114 ca nhiễm dịch Covid-19 đã được ghi nhận tại 93 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc tính tới ngày 7/3.

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 6/3, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, dịch bệnh đang lan rộng về mặt địa lý và vô cùng đáng quan ngại. Do đó, WHO khuyến cáo tất cả các nước đặt việc ngăn chặn dịch làm ưu tiên lớn nhất.

Cũng tại cuộc họp báo, khi được hỏi về khả năng virus SARS-CoV-2 gây có thể không lây lan dễ dàng trong điều kiện thời tiết ấm những tháng mùa Hè tại châu Âu, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO - ông Mike Ryan nhận định, ông rất hi vọng vào điều đó, song đến nay đến chưa hề có bằng chứng cho rằng điều này sẽ xảy ra./.

Kiều Anh/VOV