Dịch Covid-19 tấn công Nam Á, kịch bản tồi tệ nhất đang diễn ra?

Thứ sáu, 19/06/2020 - 07:10

Kịch bản tồi tệ nhất đang diễn ra khi chính phủ các nước Nam Á phải lựa chọn giữa việc áp đặt biện pháp phong tỏa và cứu nền kinh tế.

Sự lạc quan sớm cho rằng Nam Á có thể tránh được ảnh hưởng tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 đã biến mất, khi tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt khiến khu vực có dân cư đông đúc này trở thành “điểm nóng” của thế giới.

Thi thể các bệnh nhân Covid-19 được đặt trên một chiếc xe tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

“Tình hình thật thảm khốc”…

Sau nhiều tháng hoành hành dữ dội tại Mỹ và châu Âu, dịch bệnh Covid-19 đang chuyển hướng sang Nam Á – nơi chiếm 1/4 dân số trên thế giới. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng vọt khiến hệ thống y tế mong manh của khu vực đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Nam Á được coi là nơi có môi trường thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển. Không chỉ đông dân cư, nơi đây còn có hệ thống y tế kém phát triển, gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc – nơi khởi nguồn dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ người dân sống trong đói nghèo và suy dinh dưỡng cao. Mạng lưới giao thông kém phát triển.

Nhiều bệnh viện từ Kabul (Afghanistan) đến Dhaka (Bangladesh) do quá tải đã phải từ chối tiếp nhận các bệnh nhân nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, người chết tràn ngập khắp các nghĩa trang, nhà hỏa táng nỗ lực hoạt động và nhiều gia đình đang tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ cho những người thân yêu trong cơn nguy kịch.

“Tình hình thật thảm khốc. Nhiều bệnh nhân đã chết trên xe cứu thương khi di chuyển giữa các bệnh viện để tìm kiếm giường chăm sóc đặc biệt”, Abdur Rob - bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Chittagong của Bangladesh, chia sẻ với AFP.

Chuyên gia Archie Clements thuộc Đại học Curtin ở Tây Australia đánh giá tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. “Đường cong dịch bệnh vẫn trong giai đoạn cấp số nhân. Chúng ta có thể chứng kiến số người chết cao hơn trong những tuần tới”.

Trên thế giới đã có hơn 8 triệu người mắc Covid-19 và hơn 446.000 người tử vong. Tốc độ lây nhiễm đang gia tăng trên khắp khu vực Nam Á và Mỹ Latin.

Các kịch bản tồi tệ nhất đang diễn ra khi chính phủ các nước Nam Á phải lựa chọn giữa việc áp đặt biện pháp phong tỏa với việc cứu những gia đình có thu nhập thấp đang trượt sâu vào đói nghèo.

Cái giá phải trả khi dỡ bỏ phong tỏa quá sớm

Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 4 thế giới với hơn 354.000 ca mắc Covid-19 được xác nhận. Con số này trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều do hạn chế về năng lực xét nghiệm khiến nhiều ca bệnh chưa được phát hiện.

Số người tử vong tại Ấn Độ đã tăng hơn 2.000 trong ngày hôm qua (17/6), nâng tổng số ca tử vong lên đến 11.900 sau khi các thành phố Mumbai và New Dehli cập nhật số liệu.

Chính phủ Ấn Độ đã nhận được sự khen ngợi vào cuối tháng 3/2020 vì áp đặt biện pháp phong tỏa chặt chẽ nhất thế giới. Tuy nhiên, điều này đã khiến hàng triệu công nhân nhập cư bị thất nghiệp, không thể quay trở về nhà và đôi khi phải sống trong những nơi tạm trú đông đúc, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Khi chính phủ dỡ bỏ các hạn chế, số ca mắc Covid-19 đã gia tăng nhanh chóng.

Michael Kugelman, nhà phân tích của Trung tâm Wilson, ở Washington nhận định: “Ở một quốc gia như Ấn Độ, nơi có cộng đồng nhập cư lớn và có tỷ lệ nghèo đói cao, bạn không thể mong đợi mọi người ở yên một chỗ để vượt qua cơn bão”.

Tại nước láng giềng Pakistan, nơi ghi nhận hơn 160.000 ca mắc và hơn 3.000 ca tử vong, Thủ tướng Imran Khan đã phản đối biện pháp phong tỏa trên toàn quốc, đồng thời cho biết, quốc gia này không đủ khả năng thực hiện điều đó.

Trong một bài phát biểu gần đây, ông Imran Khan cho biết: “Phong tỏa không giúp chấm dứt dịch bệnh Covid-19 mà chỉ hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Đáng buồn thay biện pháp này cũng trì hoãn sự phát triển kinh tế, gây ra thêm nhiều khó khăn đối với người nghèo. Chúng tôi đã mở cửa lại nền kinh tế và ban hành biện pháp phòng ngừa, để giúp người dân nghèo kiếm kế sinh nhai”.

Ngân hàng thế giới dự báo, tăng trưởng kinh tế của Pakistan sẽ giảm 2,6% trong năm tài chính 2019/2020 và giảm thêm 0,2% trong năm tài chính tiếp theo.

Nhiều người dân Pakistan đã bỏ qua những hướng dẫn về giãn cách xã hội và nhiều địa phương đã nới lỏng biện pháp phong tỏa cục bộ trong tháng lễ Eid al-Fitr, khiến các trường hợp mắc Covid tăng chóng mặt.

“Khi dịp lễ Eid al-Fitr diễn ra vào tháng 5 vừa qua, người dân coi việc nới lỏng phong tỏa như một dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đã chấm dứt. Họ đổ về các khu chợ, đến các đám hiếu, hỉ, không thực hiện biện pháp giãn cách xã hội”, Samra Fakhar - một bác sỹ phẫu thuật tại thành phố tây bắc Peshawar cho biết.

Nhà chức trách cảnh báo Pakistan có thể sẽ chứng kiến hơn 1 triệu ca mắc Covid-19 vào tháng 7/2020, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi nước này áp đặt biện pháp phong tỏa mới.

Tại các bệnh viện vốn đang quá tải của Pakistan, các bác sỹ cho biết nhà chức trách đã lãng phí những tháng đầu tiên vô cùng quý giá để chuẩn bị biện pháp đối phó với làn sóng Covid-19 tiềm ẩn.

“Chúng tôi có cơ hội chuẩn bị trước để đối phó dịch bệnh nhưng tiếc là điều đó đã không xảy ra. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn”, ông Saeedullah Shah – bác sỹ thuộc lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Hiệp hội Y khoa Pakistan nói.

Một vấn đề khác khiến cuộc khủng hoảng tại Nam Á trở nên phức tạp hơn là việc xét nghiệm hạn chế, dẫn đến sai lệch về số liệu liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Tuần trước, số liệu từ các nghĩa trang ở thủ đô Dhaka của Bangladesh và một thành phố lân cận cho thấy đã có thêm ít nhất 1.600 người chết vào tháng 4 và tháng 5, trang tin tức Bengali cho biết. Tuy nhiên số liệu của Bộ Y tế Bangladesh chỉ cho thấy có 450 người chết vì dịch Covid-19 tại 2 thành phố nói trên.

Tình huống tương tự cũng xảy ra tại Afghanistan – quốc gia bị tàn phá nghiêm trọng do xung đột. Afghanistan thông báo chỉ ghi nhận hơn 26.000 ca mắc và 500 ca tử vong. Đây là những con số vô cùng thấp khi mà nước này không áp dụng biện pháp phong tỏa, hơn nữa giao tranh vẫn đang diễn ra và những người lao động nghèo buộc phải ra ngoài để kiếm sống.

Người đứng đầu chính quyền thủ đô Kabul, ông Mohammad Yakub Haidary cho biết: “Chúng tôi nhận được nhiều báo cáo về việc gia tăng số ca tử vong một cách đáng ngờ”. Theo ông Haidary, thủ đô Kabul có thể đã có hơn 1 triệu ca mắc Covid-19./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo CNN, Tân Hoa xã