Covid-19 tàn phá thể thao
Dịch Covid-19 khiến các giải VĐQG hàng đầu châu Âu như Premier League, La Liga, Serie A, Bundesliga và Ligue 1 bị hoãn tới ít nhất tháng 4. Các giải Champions League 2019/2020 hay Europa League cũng tạm dừng tranh tài.
Trong khi đó, Liên đoàn bóng đá châu Âu và Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ cũng phải lùi thời gian tổ chức EURO và Copa America thêm 1 năm. Trên bình diện thế giới, giải đua xe F1, tennis, điền kinh và hàng loạt những giải đấu thể thao các cũng phải hoãn vô thời gian vì dịch Covid-19.
Thiệt hại mà dịch Covid-19 gây ra cho các đơn vị tổ chức thể thao là rất lớn. Theo thông tin từ The Times, Ban tổ chức Premier League thất thu khoảng 750 triệu bảng trong đợt dịch Covid-19 từ các nguồn tài trợ, bản quyền truyền hình và hoạt động thương mại khác.
Theo một tờ báo uy tín của nước Anh, sau khi công bố hoãn chặng F1 Thượng Hải (Trung Quốc), Công ty sở hữu F1 đã mất trắng 8,5 tỷ bảng Anh (tương đương gần 1%) trên thị trường chứng khoán ở thời điểm đó.
Tờ Daily Mail thông tin, nếu không thể tổ chức chặng F1 Thượng Hải (Trung Quốc), Công ty F1 còn phải đền bù các hợp đồng quảng cáo, hợp tác… khoản tiền lên tới 35 triệu bảng Anh (gần 1.000 tỷ đồng).
Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy của Covid-19, khi các giải đấu của chúng ta hoãn đến hết tháng 3. Trước khi V-League 2020 hoãn, sân chơi cao nhất Việt Nam đã diễn ra được 2 vòng đấu mà không có khán giả. Đó là lý do mà 14 khán đài của V-League 2020 đều không có một bóng cổ động viên.
Giá trị từ những khán đài bỏ trống
Chia sẻ với truyền thông sau trận thắng Bình Dương ở vòng 2 V-League 2020, Phan Văn Đức của SLNA cho biết: “Chúng tôi luôn chiến đấu vì tinh thần, khán giả đến sân càng đông thì chúng tôi càng sướng và đá càng hay. Nhưng, giờ không có khán giả thì đó là điều khá đáng tiếc”.
Trong khi đó, HLV Trường Việt Hoàng của Viettel cho biết: “Cả nước phải chung tay để chống dịch Covid-19. Chúng ta không thể nào cố gắng để tổ chức thi đấu bóng đá không khán giả. Mọi người đã thấy, thi đấu không có khán giả thì trận đấu hay đến đâu thì các cầu thủ không có cảm giác hưng phấn sung sức được”.
Đó là 2 trong số những quan điểm của các cầu thủ và huấn luyện viên về ảnh hưởng của dịch Covid-19 với V-League 2020. Tất cả đều thừa nhận, thi đấu không khán giả, các cầu thủ sẽ không phát huy được hết sức mạnh và những khán đài trống khiến bóng đá mất đi giá trị của mình.
Bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp từ năm 2000, nhưng chưa câu lạc bộ nào làm ăn có lãi, lấy bóng đá để nuôi bóng đá được. Những đội bóng đều xoay sở với nguồn ngân sách eo hẹp hay phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tài chính của các ông bầu.
Thực ra, mô hình các ông bầu làm bóng đá đã thịnh hành trên toàn thế giới. Những câu lạc bộ như Man City, PSG, Chelsea hay MU đều được có ông chủ là những tỷ phú. Thành công của những đội bóng này trong những năm qua đến từ túi tiền của các ông bầu.
Thông qua thành công của những đội bóng, họ biến câu lạc bộ thành cỗ máy để kiếm tiền. MU - đội bóng 20 lần vô địch nước Anh, dù thi đấu không tốt trong nửa thập kỷ qua, nhưng hàng năm vẫn làm ăn có lãi, tiền vẫn rót về túi của nhà Glazer.
Nguyên nhân mà MU vẫn làm ăn có lãi dù thành tích thi đấu bết bát bởi họ là đội bóng có thương hiệu và có lực lượng cổ động viên hùng hậu trên toàn thế giới. Nếu như các trận chung kết Champions League có khoảng 80.000 khán giả, chung kết World Cup khoảng 75.000 khán giả thì trận giao hữu của MU với Real năm 2014 có 109.000 khán giả. Điều đó cho thấy sức hút cực lớn của đội bóng này với người hâm mộ.
Hàng năm, doanh thu từ tiền bán vé của các đội bóng lớn ở châu Âu chiếm khoảng 1/5 hoặc cao hơn là 1/4 doanh thu. Tuy nhiên, các cổ động viên còn tạo ra giá trị lớn hơn, đó là giúp câu lạc thu hút được nhà tài trợ, để họ đổ tiền vào đội bóng.
Khi đội bóng có nguồn tài chính dồi dào, họ sẽ chiêu mộ những bản hợp đồng, ngôi sao chất lượng để xây dựng đội bóng vững mạnh hơn, thu hút người hâm mộ. Đây là một vòng tuần hoàn khép kín, có mối quan hệ khăng khít và không thể tách rời nhau trong quá trình phát triển của câu lạc bộ.
Trở lại trường hợp của Việt Nam, tại sao những câu lạc bộ chưa thể tự nuôi sống mình? Câu trả lời đầu tiên là họ chưa thu hút, thuyết phục được khán giả mua vé đến sân xem trận đấu, dù giá vé ở các sân của Việt Nam chỉ dao động từ 50.000 đến 150.000 đồng.
Đây là vấn đề nan giải của Ban tổ chức cũng như những người làm bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không thể giải quyết một sớm một chiều được, bởi thực tế thì chất lượng chuyên môn của các trận đấu tại V-League chưa cao, vẫn còn những pha bóng thô bạo, tình huống gây tranh cái do những quyết định sai lầm của trọng tài.
Bóng đá cũng là một dịch vụ, Ban tổ chức, các cầu thủ cần phải phục vụ người hâm mộ chứ không phải đá cho riêng mình. Khán giả bỏ tiền mua vé đến sân để tìm kiếm niềm vui mỗi dịp cuối tuần chứ không phải xem những pha bóng “chém đinh, chặt sắt”, những sai lầm nghiệp dư của trọng tài, để rồi mua bực vào mình.
Dịch Covid-19 khiến các khán đài V-League không có khán giả. Nó khiến Ban tổ chức giải cũng như các câu lạc bộ thất thu. Vẫn biết, số tiền mà các câu lạc bộ thu về từ dịch vụ bán vé cho người hâm mộ chỉ là muối bỏ bể so với số tiền họ bỏ ra để làm bóng đá. Tuy nhiên, những hạt muối đó vẫn có giá trị của mình, nếu các câu lạc bộ muốn phát triển, lớn mạnh để tự nuôi sống mình trong tương lai thì phải lất khán giả làm gốc.
Dịch Covid-19 đang ngăn cổ động viên đến sân cổ vũ bóng đá, nhưng sẽ nguy hiểm hơn nếu như khi hết dịch mà các khán đài ở V-League vẫn “đói” khán giả. Hy vọng rằng, Ban tổ chức và các câu lạc bộ đã nhìn ra giá trị từ những khán đài trống vì dịch Covid-19 sau 2 vòng đấu đã diễn ra./.
Dương Thuật/VOV