Điểm sáng về chất lượng giáo dục và chăm sóc học sinh bán trú của huyện Văn Chấn

Thứ sáu, 08/03/2024 - 10:46

TNV - Mặc dù mới thành lập năm 2019 và thực hiện công tác chăm sóc học sinh bán trú từ tháng 4/2021, lại đứng chân trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn nằm xa trung tâm huyện hơn 40km, nhưng trường PTDTBT TH Nậm Búng thuộc huyện Văn Chấn (Yên Bái) không chỉ là là đơn vị dẫn đầu về công tác chăm sóc học sinh bán trú, mà còn là điểm sáng của huyện về chất lượng giáo dục. Đây là thông tin được ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn, chia sẻ với ThanhnienViet.

Các phòng học được trang bị đầy đủ, hiện đại theo tiêu chuẩn tiểu học

Đứng trong tốp 10 các trường có chất lượng giáo dục tốt của huyện

Theo cô Phạm Thị Nga (Hiệu trưởng trường PTDTBT TH Nậm Búng), tuy là trường bán trú nhưng nhà trường tổ chức hoạt động dạy học và nuôi dưỡng học sinh tại trường trong suốt thời gian từ thứ 2 đến hết thứ 7 hàng tuần, còn ngày Chủ nhật các em được về thăm gia đình. Qua đó hình thành ở học sinh phẩm chất, năng lực, lối sống của con người mới có tri thức, có kỹ năng sống, có văn hóa.

“Xác định những bữa ăn chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) sẽ giúp học sinh có thêm sức khỏe để học tập, tạo niềm tin để phụ huynh yên tâm đưa con đến trường. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện nghiêm các quy định về bếp ăn, VSATTP trong trường học”. Cô Nga nói tiếp, thực đơn hàng ngày được nhân viên y tế và cán bộ phụ trách bán trú xây dựng theo tuần, đảm bảo có đủ chất dinh dưỡng cho các khẩu phần ăn. Quá trình tổ chức nấu ăn cho học sinh, nhà trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Nhà trường xây dựng mô hình các lớp học hạnh phúc

Cũng theo cô hiệu trưởng, để bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn, nhà trường hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận VSATTP, hóa đơn, chứng từ thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ. Thực phẩm chế biến hàng ngày đều là thực phẩm tươi sống được giao nhận vào 5h30’ sáng hàng ngày với sự chứng kiến của nhân viên y tế, nhà bếp, kế toán và lãnh đạo trường. Quá trình chế biến được giám sát thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình vệ sinh từ dụng cụ chế biến đến sơ chế, nấu ăn, chia ăn suất... theo tiêu chuẩn bếp ăn một chiều và được kiểm thực trước, trong và sau khi chế biến, cũng như lưu mẫu thực phẩm đầy đủ 3 bữa trong ngày và lưu trong 24 giờ.

Đặc biệt, nhà trường thường xuyên cử nhân viên bán trú, y tế, nấu ăn tham gia các lớp tập huấn VSATTP và đã được cấp giấy chứng nhận về kiến thức VSATTP. Để vừa bổ sung thêm nguồn thực phẩm sạch vừa tạo sự đoàn kết, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng sống trong môi trường giáo dục cho học sinh, nhà trường đã bố trí 100m 2 đất để học sinh và giáo viên cùng trồng rau sạch theo mùa vụ. Mỗi tháng số rau học sinh tự trồng cung cấp cho bếp ăn bình quân từ 70 đến 100kg. Do vậy, những năm qua, nhà trường không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra - Cô Nga phấn khởi nói.

Các bữa ăn được đảm bảo chất lượng và tươm tất

Nhớ lại ngày đầu mới thành lập trường chỉ có 09 phòng học, thiếu toàn bộ các phòng chức năng, các công trình phụ trợ cũng như khu ăn ở bán trú của học sinh. Nhưng bằng nỗ lực của nhà trường, sự quan tâm của ngành giáo dục và các cấp chính quyền, sau 5 năm thành lập đến nay trường đã được đầu tư thêm 6 phòng học,7 phòng chức năng, 6 phòng ở bán trú, khu bếp ăn trên 150m 2 , cùng các trang thiết bị và công trình phụ trợ khang trang, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng nhu cầu giáo dục cho 418 học sinh toàn trường và công tác chăm sóc nuôi dưỡng 181 cháu ăn ở tại trường

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh trật tự cũng luôn được quản lý chặt chẽ; tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường năng động, nhiệt tình, có nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng học sinh nên chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng các cháu ngày một nâng lên, được gia đình học sinh và nhân dân ghi nhận.

Nhờ vậy, thầy và trò nhà trường có điều kiện tập trung sâu vào nâng cao chất lượng dạy và học. Trong 3 năm gần đây, chất lượng giáo dục học sinh đã chuyển biến rõ rệt, số học sinh hoàn thành cấp học luôn đạt 99,7, số học sinh đạt thành tích học sinh giỏi cấp huyện luôn chiếm chiếm 3%, số học sinh đạt thành tích học sinh giỏi cấp tỉnh luôn chiếm 2%. Đưa nhà trường đứng trong tốp 10 các trường có chất lượng giáo dục tốt của huyện; năm 2023 trường được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, đạt kiểm định chất lượng mức độ 2.

Bếp ăn một chiều, các khâu chế biến đều tuân thủ VSATTP

Chăm sóc dạy dỗ các em trở thành những đội viên gương mẫu, cháu ngoan Bác Hồ

Vào cuối giờ chiều một ngày đầu xuân, ThanhnienViet.vn có dịp về thực tế tại trường. Tuy đột xuất, nhưng đi tới đâu cũng thấy trường lớp sáng sủa, sạch sẽ, khang trang. Dãy nhà 2 tầng ở cuối trường là khu nội trú với những chiếc giường tầng được xếp ngay ngắn, dù còn nhỏ tuổi nhưng các em được rèn giũa gấp chăn màn gọn gàng; các phòng ở đều được đầu tư chắc chắn, đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè; phòng tắm và vệ sinh kép kín nằm ngay sau phòng ở ốp gạch trắng tinh, có nước nóng để tắm rửa vào ngày trời lạnh.

Cô hiệu trưởng đưa tôi vào thăm các phòng học, phòng nào cũng thấy các em đang ngồi chăm chú theo dõi các chủ đề ưa thích qua màn hình chiếc tivi Samsung 65 in được kết nối Internet. Phòng nào cũng có bảng treo khá hiện đại dễ dàng khép lại để bảo vệ tivi, hoặc mở ra để tiện cho giáo viên và học sinh khai thác kiến thức trên Internet ngay trong giờ học. Ngoài ra còn có đầy đủ bàn ghế theo tiêu chuẩn tiểu học, có nước sạch phục vụ học sinh uống. Trên tường treo ảnh Bác Hồ, nội quy lớp học và trang trí các hoa văn thổ cẩm, khèn, sáo… sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa, theo mô hình lớp học hạnh phúc.

Dù nhỏ tuổi nhưng các em được rèn giũa ăn ở gọn gàng, sạch sẽ

Theo cô Nga, do hôm nay trời mưa phùn và rét đậm nên các em được xem tivi giải trí ở tại lớp. Còn ngày thường thì cứ cuối giờ học là các em đều tham gia sinh hoạt tập thể ngoài trời, như: quét dọn sân trường, tưới cây, trồng rau và vui chơi… Các buổi tối, sau khi cơm nước xong xuôi, các em đều được giáo viên hướng dẫn học bài trên lớp, đến 9h tối thì kiểm tra sĩ số và các em đi nghỉ. Riêng tối thứ 5 hàng tuần, trường tổ chức cho các phòng nội trú thi đua trình diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ như: đọc thơ, biểu diễn thời trang, múa hát,.. nhằm tạo không khí vui tươi, lành mạnh cho học sinh.

Chợt tiếng kẻng vang lên. Học sinh các lớp ùa ra sân trường xếp hàng ngay ngắn vào bàn ăn theo hướng dẫn của giáo viên. Nhìn bữa tối của các cháu khá tươm tất, mỗi cháu 01 khay gồm cơm, 02 quả trứng ốp nếp, rau cải bắp xào thịt và xoong canh rau nấu thịt băm dùng chung cho mỗi bàn 6 cháu. Thấy tôi chú ý tới khay cơm, cô Nga chia sẻ, nhà trường luôn chú ý đôn đốc, kiểm tra, giám sát các giáo viên và nhân viên phục vụ của trường thực hiện đúng, đủ và đảm bảo khẩu phần ăn cho học sinh theo định lượng tiêu chuẩn đã duyệt.

Tối thứ 5 hàng tuần, các phòng nội trú thi đua trình diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ như: đọc thơ, biểu diễn thời trang, múa hát,.. nhằm tạo không khí vui tươi, lành mạnh cho học sinh

Tôi hình dung, để chăm sóc nuôi dạy gần 200 học sinh ăn ở sinh hoạt 6 ngày/tuần tại trường trong suốt cả năm học, trong hoàn cảnh 100% cháu là con em các dân tộc thiểu số ở các thôn bản đặc biệt khó khăn, độ tuổi các em còn rất nhỏ (6- 12 tuổi), chưa nói thành thạo tiếng Việt, thiếu kiến thức và kỹ năng sống, cha mẹ các em nhận thức còn nhiều hạn chế, thiếu quan tâm chăm sóc các em,.. nên mọi công việc chăm sóc nuôi dưỡng, dạy dỗ các em nhà trường phải gánh vác tất cả. Thì mới thấy hết những lo toan, vất vả của các thầy cô đến chừng nào!

Như hiểu suy nghĩ của tôi, cô Nga kể, mỗi tối nhà trường có 11 cán bộ, giáo viên, nhân viên trực suốt đêm tại trường; trong đó, giáo viên mỗi tuần trực 01 đêm, nhân viên y tế và bảo vệ đêm nào cũng trực, lãnh đạo nhà trường mỗi người trực 3 đêm. Đặc biệt, đêm nào các giáo viên trực cũng góp khoảng 100 nghìn đồng để mua 20 - 30 bỉm đóng cho các học sinh bé hay tè dầm.

Khu vườn tăng gia và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh của trường

Được biết, để duy trì được nền nếp và kết quả như hiện nay, tập thể nhà trường đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều, trong đó riêng cô hiệu trưởng với trách nhiệm nêu gương đã tự nguyện ở lại trực đêm hầu như cả tuần trong nhiều năm học qua. Nhưng chưa bằng lòng với kết quả đang có, cô Nga bày tỏ mong muốn sớm trang bị thêm bồn rửa tay cho các cháu gần khu vực đặt bàn ăn cho thuận tiện, cũng như trang bị thêm đèn, quạt mát và rèm che để khu nhà ăn mát hơn vào mùa hè, ấm hơn vào ngày đông, sáng hơn khi trời tối. Ngoài ra, nhà trường sẽ chú ý hướng dẫn các em khai thác trên không gian mạng các kiến thức về lịch sử, truyền thống văn hóa,.. phù hợp với độ tuổi thiếu nhi, tránh xa các thông tin xấu độc, để trở thành những đội viên gương mẫu, cháu ngoan Bác Hồ.

Khung cảnh nhà trường sáng, xanh, sạch, đẹp – là điểm sáng về chất lượng giáo dục và chăm sóc học sinh bán trú của huyện

Phạm Quỳnh