Tại tỉnh Kon Tum dịch bệnh bạch hầu tiếp tục có diễn biến phức tạp, trong khi đó ngành y tế địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn cả trong điều trị cho bệnh nhân và trong phòng chống dịch.
Chăm sóc bệnh nhân bạch hầu.
Từ năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum liên tục có ca bệnh và ổ dịch bạch hầu. Cụ thể năm 2018 có 7 ca bệnh với 1 trường hợp tử vong.
Năm 2019 có 1 trường hợp và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 ngành y tế địa phương này đã ghi nhận có 4 ca bệnh bạch hầu, trong đó 2 bệnh nhân mới nhập viện, đang được điều trị tại Trung tâm y tế huyện từ ngày 24/6 vừa qua.
Là người trực tiếp theo dõi tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn, bác sỹ Võ Văn Hùng, phụ trách Khoa kiểm soát Bệnh tật và Truyền nhiễm, Trung tâm y tế huyện Đăk Tô cho rằng, diễn biến của dịch bệnh bạch hầu ở địa phương là rất phức tạp và khó kiểm soát.
“Những đối tượng người lành mang trùng hiện tại trong địa bàn gần như chúng tôi rất khó xác định. Những trường hợp này tồn tại ngoài cộng đồng rất là nguy hiểm bởi vì là nó có khả năng lây lan lớn trong cộng đồng. Khó để phát hiện”, bác sỹ Hùng nói.
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện 8 ổ dịch bạch hầu với 9 trường hợp mắc bệnh (trong đó 1 trường hợp người lành mang trùng). Thực tế việc điều trị cho bệnh nhân bị bệnh và công tác khống chế, giám sát ổ dịch gặp nhiều khó khăn.
Cả hai Trung tâm y tế huyện Đăk Tô và Sa Thầy, nơi đang có 3 bệnh nhân bạch hầu điều trị năm nay đều không được bố trí ngân sách cho nội dung này. Để có nguồn kinh phí phục vụ cho công tác dập dịch, ngành y tế địa phương đang phải trông chờ vào nguồn kinh phí dự phòng của huyện.
Cùng với đó tình trạng thiếu thuốc điều trị bạch hầu cũng đang là khó khăn của cơ sở y tế cấp huyện. Bác sỹ Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy, cho biết: “Khó khăn của việc điều trị hiện nay là không có kháng độc tố để điều trị kịp thời những trường hợp diễn biến nặng, bệnh nhân dễ biến chứng”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu, hiện đối với 3 ổ dịch mới bùng phát cuối tháng 6 vừa qua ở thôn 5, làng Đăk Kang Peng, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô và làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, ngành y tế tỉnh Kon Tum đã lấy 88 mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, có biểu hiện sốt… gửi Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, đồng thời nhanh chóng phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức khoanh vùng dập dịch.
Tuy nhiên theo Bác sỹ Võ Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, ngành y tế địa phương vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh bạch hầu.
“Do nguồn lực hạn chế nên vấn đề tiêm vaccine phòng chống bệnh còn hạn chế, chưa triển khai được nhiều, rộng rãi, chủ yếu tập trung tại các ổ dịch. Còn tại một số vùng có nguy cơ thì chưa có điều kiện tiêm phòng vaccine. Bên cạnh đó trong cộng đồng vẫn còn người mang mầm bệnh chưa được phát hiện. Chính vì vậy, bệnh bạch hầu còn xuất hiện rải rác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”, bác sỹ Võ Văn Thanh nói./.
Khoa Điềm/VOV