TNV - Sáng ngày 22/12 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn an ninh năng lượng cho phát triển bền vững.
Chủ đề an ninh năng lượng bắt đầu được khởi nguồn quan tâm sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ từ những năm 1970 của thế kỷ 20 và trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Cho đến nay, khái niệm an ninh năng lượng đã phát triển từ khái niệm an ninh năng lượng truyền thống sang khái niệm an ninh năng lượng phi truyền thống. Báo cáo của tổ chức đánh giá năng lượng toàn cầu (GEA) trên 130 quốc gia cho thấy, phần lớn các quốc gia rất dễ bị tổn thương, hiện đang đối mặt với thách thức về bảo đảm an ninh năng lượng. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 15-20 quốc gia xuất khẩu năng lượng, chủ yếu là dầu khí, phần lớn còn lại là các quốc gia nhập khẩu hoặc tự túc về năng lượng.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức: các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Ông cũng chỉ ra một số nguyên nhân: Tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn; tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm tăng giá thành; một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ và chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai; chưa có một chiến lược và chính sách cụ thể rõ ràng để bảo đảm khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý; giá năng lượng còn chưa theo cơ chế thị trường; khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề cung cấp năng lượng dẫn đến hệ số đàn hồi năng lượng cao…
Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trường Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết: Trong những năm gần đây, nhu cầu năng lượng gia tăng đáng kể. Mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt nhiều thách thức khi nguồn cung không đủ; một số chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng đang theo chiều hướng bất lợi. Xuất khẩu năng lượng giảm dần, nhập khẩu năng lượng tăng trở lại, từ năm 2015. Chỉ số trên buộc chúng ta phải xem xét về mức độ an ninh năng lượng quốc gia.
Các chuyên gia tham dự cũng đã thảo luận về chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững; Nâng cao hiệu quả khai thách và sử dụng nguyên liệu thô trong sản xuất năng lượng; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Trụ cột của an ninh năng lượng và phát triển bền vững quốc gia.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều giải pháp để đến năm 2030 Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái như hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển thị trường điện, cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư nguồn điện, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả nhà đầu tư và xã hội...
Diễn đàn là nơi chia sẻ những ý kiến từ phía các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước giúp các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp có cái nhìn toàn cảnh hơn về vấn đề an ninh năng lượng; thảo luận về tác động, thách thức mà các doanh nghiệp đang gặp phải từ đó định hướng cho các doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững.
Hải Hà