TNV - Nhằm làm rõ tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ đối với quốc gia và doanh nghiệp, tiếp tục đề xuất để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính - kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, Báo An ninh thủ đô phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ” vào sáng ngày 24 tháng 12 tại Hà Nội.
Chúng ta đều biết rằng cụm từ “rủi ro ngân hàng” là một khái niệm liên quan trực tiếp đến năng lực bảo vệ an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng của một quốc gia. Trong đó cụm từ “năng lực” được nói ở đây là rất rộng, bao gồm cả đa ngành và chuyên ngành. Theo đó, nếu ngân hàng mất tiền trong quầy, trong két v.v thì liên quan đến trộm cắp từ bên ngoài hoặc từ chính bên trong; mất tiền trên tài khoản liên quan đến an ninh mạng, công nghệ... Tuy nhiên các loại mất có liên quan đến bạo lực, đến trộm cướp hay an ninh mạng nói trên chỉ có thể gây tổn thất một phần nhỏ tài sản của ngân hàng và gây hoang mang dư luận xã hội trong một thời gian ngắn - Đó là những rủi ro mang tính đa ngành và đột xuất. Còn rủi ro mang tính chuyên ngành giữa ngân hàng với khách hàng mới là rủi ro mang tính thường nhật và là rủi ro tiềm ẩn cả việc mất ngân hàng chứ không chỉ là “mất trộm” đột xuất một số của cải của ngân hàng. Những bài học về quản trị rủi ro tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Mỹ nói trong bài này là nói chủ đạo vào loại rủi ro chuyên ngành giúp cho ngành ngân hàng Việt Nam bổ sung những bài học quí để đảm bảo được an ninh, an toàn một cách thường xuyên liên tục trong suốt mọi quá trình hoạt động kinh doanh.
Bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay mang lại một số cơ hội, nhưng kèm theo đó là rất nhiều thách thức cho công cuộc đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô, đe dọa đến an ninh tài chính, hệ thống tài chính xuất hiện nhiều rủi ro lớn; một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô phục hồi, tuy nhiên rủi ro tiềm ẩn đến an ninh tài chính vẫn còn, đặc biệt là nợ công, nợ nước ngoài. Diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19 đã đang và sẽ là thách thức lớn với triển vọng phục hồi kinh tế năm 2020-2021, nhiều quốc gia và khu vực đã chính thức rơi vào suy thoái kinh tế. Theo dự báo tháng 10 và 12/2020 của IMF và WB, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức âm (-4 đến -4,4%), tuy mức giảm ít hơn dự báo tháng 6/2020 (-5,2%), song vẫn là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1930. Bên cạnh những khó khăn do suy thoái kinh tế, rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu là vấn đề đáng quan ngại trong bối cảnh nợ công và nợ tư tăng nhanh, nợ xấu tăng, nguy cơ đảo chiều hay giảm sút dòng vốn ngoại…v.v.
Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Đại Lai - Chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết: Nguy cơ khủng hoảng tài chính không loại trừ bất cứ quốc gia, tổ chức nào. Rủi ro khủng hoảng tài chính thường bắt nguồn và có liênquan trực tiếp đến rủi ro tín dụng, đặc biệt là rủi ro từ các hoạt động tín dụng bất động sản và chứng khoán hóa tài sản có của các NHTM; Khi các loại hình hoạt động kinh doanh khác phát triển như việc mua báncông ty, mua bán nợ, sự phát triển của các sản phẩm phái sinh, sẽ làm cho nghiệp vụ quản trị rủi ro ngày một phức tạp và khó khăn hơn.
Từ đó ông cũng đã đưa ra một số khuyến nghị trong quản trị rủi ro tín dụng tại các NHTM Việt Nam: Việt Nam rất cần lập sàn mua bán nợ đối với các NHTM Việt Nam thay việc “gửi” nợ xấu vào Công ty Quản lý tài sản (VAMC) Việt Nam như hiện nay; Các NHTM cần sớm thiết lập hệ thống phân loại tín dụng trong quá trình hướng tới lượng hóa rủi ro tín dụng, nhằm nâng cao khả năng quản trị rủi ro tín dụng; Tách hoàn toàn các hoạt động cho vay theo chính sách hoặc dưới dạng chỉ định ra khỏi hoạt động kinh doanh thương mại của các NHTM để các ngân hàng thực hiện tốt chức năng kinh doanh theo cơ chế thị trường…
Cũng tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Minh Hằng – Phó phòng Quản lý rủi ro hoạt động - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam có những chia sẻ về Phòng ngừa rủi ro hoạt động của ngân hàng trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Bà cho biết: Khoảng trống chính sách đối với các dịch vụ tài chính được số hóa đòi hỏi cần có sự chung tay phối hợp của các cơ quan quản lý trong việc xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật. Trong khi các định chế tài chính chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, thì công ty Fintech cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính như cho vay ngang hàng (P2P Lending), huy động vốn cộng đồng (Crowdfunding)… chưa có quy định pháp luật điều chỉnh trực tiếp. Nếu không kịp thời hoàn thiện các quy định của pháp luật đối với các sản phẩm công nghệ tài chính mới, có thể tạo ra một “sân chơi không bình đẳng” giữa công ty Fintech và ngân hàng
Ngoài ra, Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu định danh toàn quốc (KYC). Hành lang pháp lý cho kinh tế số chưa đủ và đồng bộ, hạ tầng công nghệ thông tin còn tồn tại những bất cập nhất định, mức độ nhận thức, hiểu biết về dịch vụ tài chính, về ngân hàng số của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Vì vây, nếu có sự đồng bộ thông tin liên ngành giữa ngân hàng và Bộ Công an sẽ hỗ trợ các ngân hàng rất nhiều trong việc xác thực tính chính xác của các Giấy tờ tùy thân khách hàng sử dụng để đăng ký sử dụng dịch vụ của ngân hàng, bà chia sẻ thêm.
Hoàng Hà