TNV - Kể từ sau đại dịch Covid-19, sự kiện Diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam 2023 chính thức quay trở với điểm dừng chân tại thành phố Huế. Tiếp nối chủ đề “Era of Hope”, chương trình giúp mở ra niềm tin và hy vọng về những tiến bộ của y học, thông qua việc kết nối bệnh nhân Việt Nam với các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành lĩnh vực ung bướu trong và ngoài nước.
Các bước tiến mới trong điều trị ung thư được giới thiệu, mở ra thêm hi vọng cho gia đình bệnh nhân K
Là một trong những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới về phương pháp kiểm tra di truyền và phân loại rủi ro ung thư vú dựa trên di truyền, giáo sư Olufunmilayo I. Olopade - giám đốc Trung tâm Di truyền Ung thư Lâm sàng tại Đại học Chicago chia sẻ “Hy vọng về y học chính xác là có đúng loại thuốc cho đúng người vào đúng thời điểm. Ung thư vú bộ ba âm tính không phải là phần lớn ung thư vú. Nhưng nếu chúng ta có những loại thuốc có thể nhắm vào những di truyền bất thường trong những khối u này và khi có thể nhanh chóng tiến hành các thử nghiệm lâm sàng toàn cầu, thì chúng ta không chỉ có thể hoàn thành nghiên cứu một cách nhanh chóng mà còn có thể giúp rất nhiều phụ nữ trên toàn thế giới có cơ hội tiếp cận phương pháp chữa trị trong tương lai.”
Một trong những chủ đề nổi bật của diễn đàn năm nay là “Liệu pháp miễn dịch” được chia sẻ bởi bác sĩ Bác sĩ Kim-Son H. Nguyễn, hiện đang công tác tại Khoa Ung thư - Trường Đại học Stanford, Hoa Kỳ. Liệu pháp này đã và đang mở ra nhiều hy vọng giúp tăng tỉ lệ sống cho nhiều loại bệnh ung thư khác nhau, hiệu quả cả với giai đoạn muộn. Nghiên cứu của các tác giả thuộc đại học California, Los Angeles (UCLA) trên bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển (advanced non-small cell lung cancer) cho thấy thuốc trị liệu miễn dịch pembrolizumab đã tăng tỷ lệ sống sót trung bình 5 năm của những bệnh nhân này từ khoảng 5,5% lên đến hơn 15%.
Ngoài liệu pháp miễn dịch, sự kiện cũng khai thác những nội dung liên quan tới loại ung thư có tỉ lệ nhiễm cao ở việt nam ví dụ “ Y học chính xác trong điều trị và phòng chống ung thư vú & buồng trứng”, “Liệu pháp phòng ngừa & phát hiện sớm ung thư cổ tử cung”, “Những tiến bộ trong điều trị ung thư buồng trứng”, “Liệu pháp miễn dịch”, “Sàng lọc ung thư phổi”, “Chăm sóc giảm nhẹ trong điều trị ung thư”, “Tác động của ô nhiễm không khí trong nhà tới sức khỏe”, …
Các nội dung trên được chia sẻ bởi các chuyên đầu ngành y tế từ Bệnh viện Trung ương Huế: PGS.TS Phạm Nguyên Tường - Phó Giám Đốc Trung tâm Ung Bướu - Bệnh viện Trung ương Huế, BS CKI Phan Thị Đỗ Quyên, Ths. BS Nguyễn Minh Hành, Ths. Bs Phạm Như Hiển; cùng các giáo sư, bác sĩ trường Đại học Chicago: Giáo sư Olufunmilayo I. Olopade - Giám đốc Trung tâm Di truyền Ung thư Lâm sàng tại Đại học Chicago, Giáo sư C. Sola Olopade - Trưởng Ban Đào tạo, Khoa Khoa học Sinh học và Trường Y khoa Pritzker, Đại học Chicago.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Hoàng Thị Lan Hương, hiện là Phó GĐ Bệnh viện Trung ương Huếchia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng, qua Chương trình, bệnh nhân và người nhà tham dự sẽ có thêm niềm tin cũng như kiến thức để vững vàng hơn trên hành trình không dễ dàng này”.
“Khoác lên mình chiếc áo blouse để cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân, chúng tôi vẫn luôn tâm niệm muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng, đem lại những giá trị không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần, để những chiến binh được tiếp thêm sức mạnh tiếp tục chiến đấu. Chính vì vậy, chúng tôi rất vui khi có thể cùng với SCI lan tỏa những giá trị tốt đẹp”,bà chia sẻ thêm.
Giá trị kết nối, sẻ chia được lan toả – Nơi “Bạn không phải chiến đấu với ung thư một mình”
Chương trình như ngày hội tụ họp 3 miền của cộng đồng chiến binh, nơi có sự góp mặt của nhiều gương mặt “chiến binh K” đã kiên cường vượt qua bệnh tật, nay cùng nhau chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng về nghị lực, niềm tin yêu, lạc quan sống, khích lệ tinh thần cho những chiến binh K mới phát hiện bệnh. Đặc biệt trong đó có những gương mặt tiêu biểu từng tham gia Diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam năm 2018, nay quay lại giúp đỡ cho cộng đồng. Chương trình cũng là dịp tái ngộ của cộng đồng chiến binh trên cả nước sau 5 năm chương trình quay trở lại.
Các bệnh nhân K của SCI hội tụ tại sân bay trước thềm diễn đàn
Đến với diễn đàn năm nay, chị Nguyễn Chi, bệnh nhân K phổi tại Đà Nẵng chia sẻ: “Năm 2018 là năm đầu tiên mình tham dự sự kiện này, lúc đó mình được truyền thêm sức mạnh và tinh thần bởi gặp những người đồng bệnh mà họ không hề tỏ ra yếu ớt khi nói về K, mà ngược lại mình cảm nhận được sự lạc quan và mạnh mẽ lạ lùng. Tinh thần đó khiến mình thay đổi thái độ đối với quá trình điều trị, thay vì trốn tránh, mình chủ động tìm hiểu thông tin và tin rằng việc điều trị sẽ có kết quả tốt. Năm nay lí do mình quay trở lại là mình biết có những người cũng giống mình của năm 2018, mình hạnh phúc khi cho đi những điều mình đã nhận lại.”
Khép lại diễn đàn, nhưng mở ra những dự án mới đầy hứa hẹn
Tại Diễn đàn năm nay, đại diện Salt Cancer Initiative (SCI) cũng sẽ chia sẻ những định hướng phát triển và các dự án mới sẽ triển khai trong tương lai. Trong 6 năm hoạt động, SCI đã thực hiện rất nhiều các dự án mang tính nghệ thuật như lớp vẽ của gió, thiền nhạc, múa chuyển động trị liệu, làm đồ handmade, trị liệu nghệ thuật… Các hoạt động này không chỉ đem tới những trải nghiệm mới, giúp giải toả cảm xúc, mà còn là một hình thức trị liệu, chữa lành tâm hồn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Dự án nghệ thuật sắp tới mang tên “Love Rosie”, là chương trình nằm trong chủ đề lớn nghệ thuật về ung thư (Art for cancer), hướng tới cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh ung thư, cập nhật các tiến bộ y khoa giúp mở ra hy vọng mới cho quá trình điều trị, đồng thời tạo không gian trải nghiệm, tương tác với cộng đồng thông qua hình thức nghệ thuật độc đáo, đa dạng.
Giám đốc Điều hành SCI chia sẻ về dự án nghệ thuật về ung thư “Love Rosie ”
Chủ đề đầu tiên của dự án này, SCI muốn tập trung phát triển là triển lãm nghệ thuật giúp nâng cao nhận thức về ung thư hệ phụ khoa. Đây hy vọng sẽ là triển lãm nghệ thuật cộng đồng quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam nói về chủ đề Ung thư phụ khoa thường được biết tới với những loại ung thư như ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư âm đạo, âm hộ. Bệnh có thể di căn sang các vị trí khác nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Trong đó, ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Tuổi trung bình phụ nữ bị ung thư cổ tử cung từ 48-52 tuổi. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2018, Việt Nam có khoảng 4.200 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này.
Hình ảnh trong lớp vẽ miễn phí dành cho bệnh nhân ung thư của SCI
“Nhận thức được giá trị của các loại hình nghệ thuật có tác động mạnh mẽ tới sức khoẻ tinh thần và cảm xúc của bệnh nhân, chúng tôi phát triển dự án “Art for cancer”, hướng tới cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng về các bệnh ung thư, cập nhật các tiến bộ y khoa giúp mở ra hy vọng mới cho quá trình điều trị, đồng thời tạo không gian trải nghiệm, tương tác với cộng đồng thông qua hình thức nghệ thuật độc đáo, đa dạng” - Đại diện SCI,Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (Giám đốc Điều hành)chia sẻ.
Bên cạnh dự án nghệ thuật, SCI cũng ấp ủ tạo ra các sản phẩm và ứng dụng giúp hỗ trợ bệnh nhân ung thư để thuận tiện trong sinh hoạt và thăm khám, điều trị hàng ngày. Ở Việt Nam, các bệnh nhân khá quen thuộc với những chiếc khăn, mũ đội đầu dành cho bệnh nhân sau khi hoá trị xong bị rụng tóc, hoặc áo ngực dành riêng cho bệnh nhân sau khi đoạn nhũ. Tuy nhiên thì trên thế giới có rất nhiều các sản phẩm, dịch vụ khác giúp ích cho cuộc sống của bệnh nhân. Sản phẩm đầu tiên mà SCI đang phát triển là sản phẩm áo có các vị trí tháo mở tiện lợi, giúp việc tham khám, lấy máu xét nghiệm của bệnh nhân được dễ dàng thuận tiện hơn.
Người tham gia diễn đàn trải nghiệm mẫu áo dành cho bệnh nhân K
Trải nghiệm thử tại sản phẩm tại diễn đàn, đa số bệnh nhân đánh giá cao ý tưởng sản phẩm vì tính hữu dụng đối với bệnh nhân ung thư. Chị Phạm Thanh Mai, bệnh nhân K vú tại Hà Nội tham gia diễn đàn chia sẻ: “Hồi mình sang Singapore để chữa bệnh, mình có thấy bệnh nhân cùng phòng có loại áo tương tự thấy khá tiện dụng, nhưng về Việt Nam thì không biết chỗ nào bán, nay mình được thấy tận mắt và mặc thử, quả thực rất tiện mỗi khi mình đi tái khám. Mình hi vọng những sản phẩm như thế này có thể hỗ trợ các trị em phụ nữ đặc biệt là những bệnh nhân K vú như mình”.
Sản phẩm mẫu được trưng bày cho bệnh nhân trải nghiệm trong chương trình có phần khoá kéo mở ở những vùng nhạy cảm như phần ngực, để dễ dàng cho việc khám và lấy máu xét nghiệm. Những sản phẩm này không chỉ hữu ích với đối tượng bệnh nhân ung thư nói riêng, bệnh nhân nói chung mà còn dành cho tất cả chúng ta mỗi khi đi đi hiến máu hay thăm khám sức khoẻ định kì. Sản phẩm này SCI cho rằng không chỉ có ích riêng với bệnh nhân ung thư mà nó còn có hữu dụng đối với tất cả mọi người những ai khi đi hiến máu hoặc đi thăm khám bệnh định kì. Loại áo này trên thế giới được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên ở Việt Nam chưa có nhiều người biết tới.
PV