TNV - Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024 là sự kiện đồng hành cùng với ENTECH HANOI 2024, do Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo chủ trì phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức chiều ngày 27/6 tại Hà Nội.
Quang cảnh Diễn đàn
Diễn đàn là nơi trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới. Đồng thời thông qua Diễn đàn cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới trong ngành năng lượng trên thế giới, các khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, đặc biệt là giải pháp công nghệ cho phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng tốt các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), theo đúng tinh thần Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: Xu thế của chuyển dịch năng lượng hiện nay là tất yếu, trong bối cảnh các nước trên thế giới cam kết bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính theo lộ trình tại các Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra một loạt các cam kết quan trọng nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Trong đó, Việt Nam cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050; cam kết không xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng cơ cấu năng lượng của quốc gia đồng thời tăng cường phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, sinh khối và thủy điện và các nguôn năng lượng sạch khác. Các cam kết của Việt Nam tại COP26 thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ trong việc đối phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, bền vững. Để thực hiện các cam kết này, Việt Nam sẽ cần sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, cũng như sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan trong nước, trong đó việc thực hiện chuyển dịch năng lượng là yếu tố rất quan trọng.
Năng lượng xanh – Xu hướng phát triển bền vững cho tương lai
Các xu hướng chính trong chuyển dịch năng lượng hiện nay gồm có:(1)Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:Đây được coi là một biện pháp quan trọng nhất, không chỉ trong quá trình chuyển dịch năng lượng hiện nay mà còn trong tất cả các kế hoạch phát triển năng lượng thông thường. (2) Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong ngành điện:Theo kịch bản chuyển dịch năng lượng đến năm 2050 của IRENA, điện năng sẽ chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng vào năm 2050, tăng hơn gấp đôi so với mức 20% hiện nay. Trong đó, năng lượng tái tạo sẽ chiếm đến 86% lượng điện năng cung cấp trên toàn cầu. Trên thế giới, năng lượng tái tạo hiện đang chiếm hơn 1/3 công suất lắp đặt toàn cầu, đạt xấp xỉ 2,500 GW;(3) Thúc đẩy giao thông xanh trong ngành giao thông vận tải: Xe điện hai bánh và ba bánh đều đang có khả năng cạnh tranh về chi phí so với các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Doanh số bán hàng xe điện ở nhiều quốc gia ngày một gia tăng, tỉ lệ xe điện toàn cầu trongtổng số lượng xe đang tăng lên nhanh, với xe điện dự kiến sẽ chiếm trên 50% doanh số bán hàng xe mới vào năm 2030; (4) Phát triển Hydro xanh:Hiện nay, ước tính có khoảng 6% lượng khí tự nhiên và 2% lượng than trên toàn thế giới đang được sử dụng để sản xuất hydrogen, chủ yếu phục vụ sản xuất amoniac và metan để sử dụng trong các ngành công nghiệp. Tổng tiêu thụ hydrogen trên toàn thế giới năm 2020 ước đạt 90 Mt và có thể tăng đến gần 200 Mt vào năm 2030 theo các kịch bản net-zero8. Trong nhiều kịch bản net-zero, hydrogen được đề cập đến như một giải pháp quan trọng trong ngành điện (bao gồm cả hydrogen và amoniac) và giao thông vận tải.
Trong lĩnh vực Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1217/QĐ-BKHCN ngày 8/7/2022 phê duyệt Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2023 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” (Chương trình KC.05/21-30). Mục tiêu của Chương trình nhằm ứng dụng và làm chủ các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong thăm dò, khai thác, sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp, sạch, sinh học, tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, phát triển công nghệ, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, độ an toàn, tin cậy trong sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Chương trình cũng đặt ra mục tiêu tiếp thu, ứng dụng, phát triển công nghệ lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ trong các ngành, lĩnh vực.Để ngăn chặn thiết bị, công nghệ lạc hậu trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 ban hành Quyết định Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trưởng, giải phát thải khí nhà kính và phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường.., trong đó có Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2023-2030 “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 tại Việt Nam” (NET Zero). Chương trình NET Zero của Việt Nam đóng góp vào việc thực hiện cam kết quốc gia nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Đây là một phần trong nỗ lực đất nước để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và đối phó với biến đổi khí hậu.
Diễn đàn được chia làm hai phiên:
Phiên 1: Phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu, trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới; đồng thời cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới trong ngành năng lượng trên thế giới, các khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, đặc biệt là giải pháp công nghệ cho phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng.
Phiên 2: Các khách mời tập trung thảo luận về vai trò và định hướng của các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, kinh nghiệm hợp tác và chuyển giao công nghệ, cung các đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng thành công ở Việt Nam.
Việt Nam hiện đang đối mặt với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm trong những năm tới, bên cạnh vấn đề về nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt và gây hại cho môi trường, điều này đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững, đồng thời làm gia tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế. Do đó, Chuyển dịch năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
PV