Diễn đàn chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2025

Thứ năm, 26/06/2025 - 08:21

Diễn đàn Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam năm 2025 được tổ chức chiều ngày 25/06 tại Hà Nội là hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ Năng lượng - Môi trường Hà Nội năm 2025 (ENTECH HANOI 2025). Đây là sự kiện thường niên lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng và môi trường tại Việt Nam, được tổ chức từ năm 2009.

ENTECH HANOI là nơi hội tụ giữa chính sách - thị trường - công nghệ, không chỉ giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm mà còn là diễn đàn cấp quốc gia để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế cùng nhau trao đổi chiến lược phát triển, nhu cầu công nghệ, và mô hình hợp tác thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững. Diễn đàn do Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng Cục Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.

Diễn giả trình bày tham luận tại Diễn đàn.

Diễn giả trình bày tham luận tại Diễn đàn.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển kinh tế mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ, và khí đốt vốn đang dần cạn kiệt và gây tác động nghiêm trọng đến môi trường đặt ra thách thức lớn về đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Chuyển dịch năng lượng từ các nguồn hóa thạch sang năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là yếu tố chiến lược để bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Chủ trương chuyển dịch năng lượng đã được cụ thể hóa qua nhiều chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, và Chính phủ Việt Nam như Nghị quyết 55-NQ/TW (11/02/2020) của Bộ Chính trị nhấn mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, và bảo vệ môi trường là quốc sách, đồng thời ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo; các định hướng mới từ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định: phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu để đưa Việt Nam phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nghị quyết cũng nhấn mạnh, việc phát triển hạ tầng, nhất là năng lượng mới, năng lượng sạch và bảo đảm an ninh năng lượng là điều kiện nền tảng để phát triển khoa học, công nghệ và các ngành công nghiệp chiến lược của đất nước. Ngày 18/6 vừa qua Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một bước ngoặt, định hướng tăng cường đầu tư và áp dụng các hình thức huy động nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được xác định là lĩnh vực ưu tiên phát triển ở Việt Nam.

Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được xác định là lĩnh vực ưu tiên phát triển ở Việt Nam.

Diễn đàn Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam năm 2025 tập trung vào việc kết nối chính sách và thị trường thông qua chia sẻ thực tiễn từ các địa phương, cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tiên phong như VinFast, Vision, Rạng Đông... nhằm gợi mở hướng đi mới cho công nghệ năng lượng tái tạo, lưu trữ điện, hạ tầng số, các mô hình tòa nhà và giao thông thông minh. Đồng thời, sự kiện cũng là nơi tổng hợp đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển giao tri thức, thu hút đầu tư và mở rộng hợp tác với khu vực, đặc biệt thông qua các sáng kiến như Mạng lưới Xanh Châu Á.

Diễn đàn thu hút gần 300 đại biểu tham dự đến từ Đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương trên toàn quốc; đại diện các viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế; đại diện các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, doanh nghiệp công nghệ, năng lượng; đại diện các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ; các tổ chức cá nhân quan tâm. Dienx đàn bao gồm 2 phiên:

Phiên 1: Là các tham luận trình bày định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ hỗ trợ chuyển dịch năng lượng, bao gồm chính sách, chương trình nghiên cứu, và công nghệ năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu Net-Zero và an ninh năng lượng.

Giới thiệu giải pháp giao thông xanh của VinFast, tập trung vào xe điện, pin, và hạ tầng sạc, góp phần giảm phát thải và thúc đẩy năng lượng bền vững. Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về chính sách và công nghệ năng lượng tái tạo, cung cấp bài học cho Việt Nam trong xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng. Chia sẻ mô hình tiết kiệm năng lượng và quản lý năng lượng thông minh trong tòa nhà, doanh nghiệp công nghiệp, với đề xuất nhân rộng tại Việt Nam. Thảo luận chiến lược xanh hóa thị trường, cơ hội hợp tác với Mạng lưới Xanh Châu Á để phát triển năng lượng tái tạo và bền vững tại Việt Nam.

Phiên 2: Thảo luận chiến lược ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, nêu bật các thách thức về tài chính, nhân lực, công nghệ và giải pháp vượt qua. Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất xe điện, hệ thống pin, và chuyển giao công nghệ, đồng thời đề xuất mô hình hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng hệ sinh thái năng lượng xanh.

Đại diện quản lý nhà nước phân tích tiềm năng của năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, cùng các chính sách hỗ trợ, đồng thời đề cập đến thách thức như khả năng nối lưới và chi phí đầu tư. Các diễn giả đưa ra khuyến nghị về cơ chế tài chính, ưu đãi thuế, và hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực công nghệ, xây dựng hệ sinh thái năng lượng bền vững.

Sự kiện cũng là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo, thảo luận về hợp tác và chuyển giao công nghệ, đồng thời đề xuất các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng.

PV